Tiếc thương người hiền Lê Mộng Hoàng

Trong số những đạo diễn (ĐD) lừng danh ở Sài Gòn còn ở lại tiếp tục làm phim sau năm 1975, Lê Mộng Hoàng (sinh năm 1929) là người khiến tôi bất ngờ nhất khi lần đầu tiên được gặp ông.

Từng nghe ông xuất thân trong gia đình danh giá ở Huế, có kiến thức rộng và trình độ nghề nghiệp cao do được đào tạo và làm việc tại Pháp, cũng như đã xem một số phim nổi tiếng ăn khách ông làm, vậy mà, trước mắt tôi lại là một người gầy gò, khắc khổ, ngồi hơi khép nép trong góc quán cà phê bình dân cạnh hãng phim cùng những cộng sự.

Tôi tìm gặp Lê Mộng Hoàng để viết bài về hai bộ phim của ông vừa đoạt giải tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983): Ngọn lửa thành đồng (Bông sen bạc) và Tình yêu của em (giải đặc biệt của Ban giám khảo). Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông kiên nhẫn, từ tốn và nhỏ nhẹ trả lời tất cả câu hỏi, cũng như kể tỉ mỉ về quá trình làm phim mà không chút tỏ vẻ khó chịu. Từ đó, tôi thường tới hiện trường, tò mò xem khi làm “ông vua trường quay”, ông có còn nhỏ nhẹ như vậy không. Bởi tôi biết những ĐD cùng thời và lừng lẫy như ông, thường “hét ra lửa” ở sân quay.

Một lần, tôi có dịp theo ông đi làm phim xa. Đó là phim Kỳ tích núi Bà Đen, với phim trường là một góc ngọn đồi trên núi Bà Đen ở Tây Ninh. Từ chân núi lên tới nơi quay phải leo một con dốc dài. Giữa trời nắng như đổ lửa, mọi người đều nhìn ông ái ngại, vài cái dù bật lên, vài cánh tay đưa ra sẵn sàng dìu “ông thầy” lên, nhưng ông khoát tay nói “mọi người đi được thì tôi đi được”. Tới nơi, dù khá mệt, ông vẫn đốc thúc mọi người nhanh chóng vào việc kẻo “nắng xuống”.

Cảnh quay hôm đó là cảnh đánh võ, người trực tiếp chỉ đạo các đòn thế là võ sư Nguyễn Văn Bảy, hai nam nữ diễn viên chính là Lê Tuấn Anh và Kim Hồng. Ngồi dưới lùm tre quan sát, tôi thấy ba thầy trò quần nhau dưới nắng nóng mồ hôi nhễ nhại, ĐD Lê Mộng Hoàng thỉnh thoảng lại xuýt xoa “tội quá, nắng rứa hè”. Dù lo “nắng hết”, lâu lâu ông lại ngoắc mọi người vào nghỉ “cho đỡ mệt”, nói như năn nỉ hai diễn viên trẻ “chịu khó ráng chút hỉ”.

Diễn viên Lê Tuấn Anh cảm động nhớ lại, đó là vai diễn đầu tiên của anh. Khi còn là sinh viên Trường Điện ảnh TP, anh đã đi thử vai, chính ĐD Lê Mộng Hoàng là người chọn và quyết liệt bảo vệ anh trước hội đồng nghệ thuật của hãng, khi cạnh tranh với anh còn có nhiều gương mặt sáng giá khác.

Tôi còn nhớ, lúc ấy, Lê Tuấn Anh người cao, gầy, hơi đen và rất lúng túng trước ống kính. Anh có vẻ sợ, mỗi khi làm chưa được động tác nào, anh lại ngó vào “lùm tre” và bao giờ cũng nhận được cái mỉm cười gật đầu động viên của ĐD Lê Mộng Hoàng. Mấy mươi năm qua, mỗi khi nghĩ về thuở mới vào nghề, nhớ đến thái độ “nâng niu” của một ĐD lớn dành cho một diễn viên “lơ ngơ” như mình lúc ấy, Lê Tuấn Anh vẫn dâng tràn niềm cảm xúc.

ĐD Lê Cung Bắc kể rằng, gia đình anh và gia đình Lê Mộng Hoàng thân thiết nhau từ khi hai anh còn nhỏ. Lớn lên khi đi đóng phim, Lê Cung Bắc cũng từng là diễn viên của ĐD Lê Mộng Hoàng trong các bộ phim như Bản tình ca, Cầu Rạch Chiếc, Thăng Long đệ nhất kiếm, Vết thù năm tháng… nên có với nhau mối thân tình trải dài nhiều chục năm nay. ĐD Lê Cung Bắc cho rằng người đàn anh của mình là người sống chân thật, vô tư, hiền quá, khi bị ai ăn hiếp chỉ biết nhỏ nhẹ “Lạ quá hè”. Lúc hứng hay hát nhạc Pháp, Ý, thường là bài Besame Mucho.

Đạo diễn Lê Mộng Hoàng với tài tử Trần Quang

Với NSND Lý Huỳnh, ĐD Lê Mộng Hoàng là người anh, người bạn tâm giao suốt gần nửa thế kỷ. Lý Huỳnh đã đóng trong các phim Năm vua hề về làng, Quái nữ Việt quyền đạo, Quái nữ sợ ma của ĐD Lê Mộng Hoàng từ trước năm 1975. Khi bỏ tiền làm phim Thăng Long đệ nhất kiếm, nghệ sĩ Lý Huỳnh đã mời Lê Mộng Hoàng làm ĐD. Với Lý Huỳnh, Lê Mộng Hoàng là ĐD không chỉ tài đức mà còn rất tình cảm, ra trường quay chẳng bao giờ la mắng ai, thậm chí còn “năn nỉ” diễn viên cũng như cộng sự mỗi khi ông muốn họ thực hiện điều gì.

Là ĐD nổi tiếng, từng có nhiều thành công trong sự nghiệp, Lê Mộng Hoàng còn là người chồng, người cha rất biết “nhún nhường” vợ con. Người bạn đời thủy chung của ông chính là cô thư ký trường quay (còn gọi là ký chú viên) của ông ngày xưa, thuở ông mới làm bộ phim đầu tay sau khi trở về từ Pháp năm 1957.

Thu nhập từ phim không đủ trang trải, những khi không bận, ĐD Lê Mộng Hoàng lại “chăm chỉ” phụ vợ mọi việc ở quán cơm gia đình. Thời gian cuối đời, phải luôn chống chọi với bệnh tật, ông sống lặng lẽ, song nếu có ai đến thăm, nhắc chuyện phim ảnh, ông không giấu được vẻ háo hức… Ông ra đi, nhưng hình ảnh một người hiền vẫn ở lại trong trái tim của tất cả những ai từng bên ông trong cuộc hành trình nhân gian này.

Cát Vũ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/tiec-thuong-nguoi-hien-le-mong-hoang-94244/