Tích tụ ruộng đất phiên bản… làng (kỳ 2)

Tại phiên họp Chính phủ tháng 2/2017, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TNMT phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Tư pháp tiến hành “rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hoàn thành trong quý III năm 2017”.

Một vườn vải ở thôn Đông Phan, xã Tân An, huyện Thanh Hà, Hải Dương đang bỏ hoang sau 2 năm liên tiếp được mùa, mất giá, chủ vườn bỏ đi làm nhà máy da giày. Ảnh: Quốc Dũng

Bộ trưởng yêu cầu

Tới phiên họp Chính phủ tháng 4/2017, Thủ tướng tiếp tục đưa yêu cầu tập trung nghiên cứu mô hình tích tụ ruộng đất ở một số địa phương đang triển khai, để nhân rộng, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, người đứng đầu Chính phủ tin rằng, tích tụ ruộng đất để từ đó đẩy nhanh áp dụng khoa học – công nghệ, gia tăng sản lượng, chất lượng sản xuất nông nghiệp là “chìa khóa” cải tạo triệt để nền nông nghiệp đang hàm chứa nhiều rủi ro với người nông dân.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội ngày 2/11/2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị sửa điều 129 Luật Đất đai (Quy định về Hạn mức giao đất nông nghiệp), nới chính sách hạn điền để nông nghiệp có thể làm ăn lớn. Ông Cường nhận xét, 30 năm qua, từ chỗ là một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hơn 30 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp. Đó là nhờ chính sách cởi trói sức sản xuất của nông dân.

Nhưng giờ, nông thôn, nông nghiệp hiện đang cần có một chính sách vĩ mô mang tính đột phá kiểu “cởi trói” như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thời điểm 30 năm trước (4/1988) sau đại hội Đảng năm 1986 – ông Cường nhấn mạnh tính "đột phá" của đề nghị sửa điều 129 Luật Đất đai như thế.

Nhưng dường như, đó lại là một đề nghị khó thành.

Vì nếu xét về thời gian, từ năm 1987 đến năm 2013, trải qua 26 năm, Luật Đất đai đã trải qua 4 lần sửa đổi. Với lần sửa đổi "ngắn" nhất cũng mất 6 năm (từ năm 1988 đến năm 1993). Còn bình quân là mất 10 năm mới tròn 1 "chu kỳ" sửa đổi luật.

Do thế, đề xuất sửa điều 129 Luật Đất đai của Bộ trưởng Cường, nếu được chấp thuận, thì dường như cũng mất thêm vài năm nữa. Trong thời gian ấy, phát triển nông nghiệp liệu có phải… chờ ?

Mặt khác, trái với hình dung của bộ trưởng trong việc xem tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền là đột phá có giá trị như "khoán 10", nông nghiệp nước nhà vài chục năm qua lại luôn rủi ro vì những sản phẩm có sản lượng lớn.

Có liệt kê danh sách dài những sản phẩm nông nghiệp đã gây thiệt hại cho nông dân nặng nề suốt hàng chục năm qua. Từ café, cacao, hồ tiêu, cao su, đến gạo, dưa, lợn, vải quả, thanh long, gà giống, gà thịt…..

Trong danh sách ấy, đâu có khó để nhận thấy, sản phẩm nông nghiệp nào càng được khuyến khích phát triển quy mô về diện tích (café, hồ tiêu, vải, cao su…) – có thể xem là điển hình tích tụ ruộng đất – lại chính là sản phẩm rủi ro nhất? Vậy thì nền nông nghiệp đang rủi ro vì chính sách hạn điền, hay là rủi ro vì thiếu bệ đỡ và khả năng điều tiết vĩ mô?

Để so sánh, có thể lấy trường hợp Thái Lan làm ví dụ. Đây là quốc gia có quy mô và chất lượng gạo xuất khẩu lớn bằng hoặc hơn Việt Nam, đặc biệt là không áp dụng chính sách hạn điền trong sở hữu đất đai. Thế nhưng, Thái Lan vẫn phải trợ giá gạo xuất khẩu, và thủ tướng Thái Lan giai đoạn 2011 – 2014 – bà Yingluck Shinawatra - đã bị luận tội, mất chức vì chương trình trợ giá gạo cho nông dân gây thất thoát lớn.

Hai thửa ruộng, một chỉ chưa đầy 1 sào, và một rộng 2 mẫu tại xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng. Ảnh: Quốc Dũng

Thực tế thế nào?

Thôn Đông Phan, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nằm cạnh đường tỉnh 390, cách quốc lộ 5 chỉ 9 km, cách Hải Phòng khoảng 10 km nữa. Hẳn là vì vị trí này, mà giờ thu nhập người dân ở thôn gần như không còn phụ thuộc vào nông nghiệp.

Nguyên nhân nằm cách thôn Đông Phan không xa, đó là một nhà máy sản xuất da giày cạnh quốc lộ 5 có quy mô sử dụng 7.000 công nhân. 5 năm qua, nhà máy này đã "hút" lượng lớn thanh niên nông thôn trong bán kính gần chục km xung quanh. Trong đó có vài trăm lao động tại thôn Đông Phan.

Người Đông Phan tính, bình quân mỗi gia đình tại thôn có 3 sào ruộng (tương đương 1000 m2), có chịu cấy lúa, hay trồng vải, thì thu nhập bình quân, dù may mắn cũng khó vượt 4 triệu đồng/người/tháng. Nhưng nếu làm tại nhà máy da giày, thu nhập có thể đạt tới 7 triệu đồng/tháng.

Thế là người Đông Phan bỏ ruộng đi làm công nhân. Chục năm trước, ruộng còn có thể cho thuê, cấy rẽ. Nhưng giờ, thanh niên đi làm nhà máy là chủ yếu… Thế nên người Đông Phan đành bỏ ruộng, kệ cho người địa phương khác sang cấy. Đồng ruộng Đông Phan vẫn xanh ngăn ngắt, nhưng những người trồng cấy trên thửa ruộng ấy, phần nhiều không phải người ở thôn. Giá bán ruộng tại Đông Phan giờ chỉ còn dưới 7 triệu đồng/sào, mà cũng hiếm người mua.

Rộng hơn, một cách âm thầm, quá trình "ly nông không ly hương" đang diễn ra phổ biến ở một loạt các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định. Chủ một doanh nghiệp da giày tại Hải Phòng nói, ngành này giờ cạnh tranh với nước ngoài về đơn hàng, nhưng cạnh tranh trong nước là về lao động. Đầu tư một nhà máy, cần quá nửa số thanh niên của một huyện, thế nên chủ nhà máy luôn phải lo sao cho lương công nhân tốt hơn lương cày ruộng, để mà còn giữ người.

Khi các nhà máy sử dụng nhiều lao động như da dày, may mặc, cáp điện, lắp ráp điện tử…. ngày một "chen" dày đặc tại các vùng quê, cũng đồng thời là lúc sản xuất nông nghiệp tại nông thôn phải điều chỉnh thích ứng. Nếu như "ly nông không ly hương" đang là thực tế đời sống thấy rõ tại nhiều vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, thì cũng có quá trình khác đang diễn ra, nhưng rất khó nắm bắt: đó là quá trình điều chỉnh lại diện tích canh tác bình quân - một lãnh đạo huyện của Hải Phòng thừa nhận.

Nông nghiệp tiếp tục được cơ giới hóa mạnh mẽ, cày bừa, cấy hái, bơm nước đều bằng máy, nhưng năng suất dường như đã "đụng trần" vì không có đột phá về giống, đồng thời cấy lúa giờ thu nhập thấp hơn trồng màu, hay trồng cây ăn quả nên càng không hấp dẫn.

"Chủ nghĩa bình quân" về ruộng đất vẫn còn, nhưng chỉ là trên sổ sách. Thực tế thì không có chuyện bỏ ruộng hoang, và cũng có lý do để tin người chịu làm nông giờ có nhiều diện tích hơn để canh tác, nhưng cụ thể thế nào thì…chịu – lãnh đạo này cho biết.

Lý do vì số người cấy rẽ đông không kém gì số người bỏ ruộng, nhưng làm nông thì luôn rủi ro và vì thế số người cấy rẽ lại luôn biến động qua từng vụ. "Người ta nhận ruộng cấy, có nhà nhận tới mấy mẫu, thuê cả máy cày với người làm, nhưng chỉ vài vụ, hoặc một vụ là lại đi chỗ khác làm, không làm sao mà theo dõi hay thống kê được" – một cán bộ xã Đặng Cương, huyện An Dương của Hải Phòng than phiền về hình thái tích tụ ruộng đất đầy tính… thời vụ tại xã ông như thế.

Ông này tếu táo: "Xã tớ thời nào chả có chuyện bán ruộng, chả có chuyện mua ruộng? Làng tớ đầy nhà có nhiều mẫu ruộng. Chả phải đó là tích tụ ruộng đất hay sao, nhưng theo kiểu…làng thôi, giữ đất là chính, công nghiệp hóa nông nghiệp gì ở đây?".

Quốc Dũng -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tich-tu-ruong-dat-phien-ban-lang-ky-2-122454.html