Tích cực cứu chữa cho sản phụ thụ tinh ống nghiệm mắc sốt xuất huyết

Sản phụ Nông Thị H. (sinh năm 1990, Cao Bằng) đang được các bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn đa khoa với sản khoa, nội tiết để điều trị tích cực khi sản phụ này vừa làm thụ tinh ống nghiệm IVF được 20 ngày thì mắc sốt xuất huyết (SXH).

Sản phụ làm IVF mắc SXH

Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, sản phụ H. hiện đang đang chữa hiếm muộn tại Viện Nam học và vừa được cấy phôi 20 ngày. Sản phụ thấy sốt cao kéo dài nên đã nhập viện. Tại đây, kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy sản phụ dương tính với SXH.

“Đây là sản phụ rất khó khăn trong việc có thai, chữa vô sinh thời gian dài mới cấy phôi thành công lại mắc SXH nên gia đình rất lo lắng. Bản thân bệnh cảnh của bệnh nhân về lâm sàng SXH nặng, sốt cao liên tục trong ba ngày đầu, chưa có biểu hiện chảy máu. Bệnh nhân nhập viện ngày 2-8, tiểu cầu có chỉ số 151, sau đó, có hôm tiểu cầu xuống thấp còn 59. Với nguy cơ này, khả năng không giữ được phôi là rất lớn” – TS Cường cho biết.

Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai đang có 5 sản phụ mắc SXH được theo dõi chặt chẽ.

Để tích cực cứu chữa cho sản phụ, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đã phối hợp với bên sản khoa cho siêu âm, khám, đánh giá những khả năng nguy cơ có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Cường, từ đầu mùa dịch đến nay, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 20% sản phụ điều trị tại khoa.

Bác sĩ Cường khuyến cáo: Với phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu mắc SXH sẽ có nhiều nguy cơ chảy máu. Nếu SXH nặng lên, bệnh nhân sẽ có khả năng sảy thai, thai lưu. Với sản phụ mang thai những tháng cuối chuẩn bị sinh sẽ có nguy cơ đẻ non, chuyển dạ sớm, hoặc trong quá trình đẻ có nguy cơ chảy máu vì SXH có những giai đoạn nguy hiểm như sốc, chảy máu ồ ạt.

Bệnh nhân được theo dõi công thức máu hàng ngày. Đến hôm nay, sau tám ngày nằm viện, tiểu cầu của bệnh nhân đã lên 76, biểu hiện cô đặc máu, ra huyết, nguy cơ sảy thai chưa xảy ra. “Bệnh nhân được điều trị tích cực trong tám ngày qua nên bệnh cảnh đã giảm đi, SXH cũng giảm. Tôi tin bệnh nhân sẽ giữ được thai an toàn” – bác sĩ Cường nói.

Vất vả chăm vợ suốt một tuần qua gần như không ngủ, chồng chị N. cho biết, gia đình chị sinh sống tại Cao Bằng và ngay khi biết vợ SXH đã phải nhập viện để theo dõi. Những ngày qua, chị N. rất mệt mỏi, không ăn uống được gì. Mặc dù đã trải qua giai đoạn nguy hiểm của SXH và không còn sốt, nhưng chị N. cho biết mình vẫn đau bụng nhiều và lo lắng những thuốc men điều trị SXH sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Trấn an tinh thần chị N., bác sĩ Cường cho biết “Các bà bầu, dù làm IVF khi có thai giai đoạn sớm sẽ không cần quá lo lắng nếu mắc SXH. Những sản phụ này khi đến cơ sở y tế chuyên môn sẽ được khám, tư vấn, theo dõi kịp thời. Khi được kiểm tra sản khoa, siêu âm thấy thai bình thường thì không quá suy nghĩ là sinh con có thể ảnh hưởng. Hiện chúng tôi chưa thấy biểu hiện dị dạng bào thai với những sản phụ mắc SXH giai đoạn đầu”.

Tại khoa, các sản phụ mắc SXH có chế độ theo dõi riêng về xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu, theo dõi toàn trạng các dấu hiệu đau bụng, ra huyết. Đồng thời, có sự phối hợp hội chẩn bác sĩ sản khoa về tim thai, biến đổi của thai. Khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, sẽ được sản khoa đỡ đẻ kịp thời. “Chúng tôi chuẩn bị sẵn thuốc men, vật dụng sẵn sàng cho cuộc đẻ bình thường và đối phó với biến chứng có thể gặp như chảy máu, chuẩn bị tiểu cầu để truyền, chuẩn bị dung dịch cao phân tử nếu cô đặc máu. Vì thế, SXH nguy hiểm nhưng nếu được theo dõi sát thì sau này sẽ không có biến chứng gì” – bác sĩ Cường khẳng định.

Vừa qua, có năm bà bầu điều trị SXH tại khoa đã sinh con khỏe mạnh và trở lại khoa tiếp tục theo dõi. Một số trường hợp khác có thai những tháng đầu, sau khi biểu hiện lâm sàng của SXH qua đi, tiểu cầu về bình thường đã được xuất viện. Năm 2015, Khoa Truyền nhiễm điều trị 100 bà bầu đều khỏe mạnh ra viện và sinh con bình thường.

Số lượng bệnh nhân tăng gấp năm lần, bác sĩ đổ bệnh vì SXH

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, hiện đang có 88 bệnh nhân mắc SXH điều trị nội trú. “Nếu như tháng 6 tăng gấp đôi số lượng bệnh nhân tháng 5, thì đến tháng 7, bệnh nhân mắc SXH tăng gấp năm lần so với tháng 5. Số lượng nhân viên cũng không được tăng cường là mấy nên nhân viên y tế phải căng mình chống dịch là thể hiện sự quá tải và cố gắng rất lớn của nhân viên các bác sĩ cũng như điều dưỡng. Tại khoa chúng tôi đã có những bác sĩ, điều dưỡng mắc SXH không thể đi làm được” – bác sĩ Cường cho hay.

Quá tải bệnh nhân mắc SXH, ba bệnh nhân nằm một giường.

Để đối phó với dịch SXH, hiện nay, Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ tăng cường nhân lực cho khoa. Đồng thời, hỗ trợ việc phân loại bệnh nhân, chẩn đoán điều trị để rút ngắn thời gian bệnh nhân nằm viện, giải quyết tình trạng quá tải tại bệnh viện. Suốt ba tháng chống chọi với dịch đến nay, đội ngũ nhân viên của khoa phải tăng giờ làm; thứ 7, chủ nhật cũng trực chiến như ngày thường, vòng trực cũng dầy hơn so với mọi lần.

Thời gian tới, đoán lượng bệnh nhân tiếp tục tăng, dịch chưa thuyên giảm, khoa đang kêu gọi các sự hỗ trợ của các khoa khác để giảm chuyển bệnh nhân vào khoa, chuyển bệnh nhân không mắc SXH để tập trung toàn khoa chống dịch.

Bác sĩ Cường bộc bạch thêm “Hiện nay, khoa có 20 bác sĩ nhưng trước số lượng bệnh nhân tăng lên hàng ngày, việc chăm sóc nội trú, ngoại trú, khám, điều trị ban ngày cho bệnh nhân mắc SXH rất áp lực và quá tải. Chúng tôi mong muốn có chế độ nào đó động viên kịp thời nhân viên để mọi người an tâm, tiếp tục chống chọi với dịch trong thời gian tới”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/33736902-tich-cuc-cuu-chua-cho-san-phu-thu-tinh-ong-nghiem-mac-sot-xuat-huyet.html