Tích cực chống rét cho cây trồng, vật nuôi

*Miền bắc tiếp tục rét đậm, rét hại trên diện rộng

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tân Uyên (Lai Châu) hướng dẫn nông dân trên địa bàn che phủ ni-lông chống rét cho mạ. Ảnh: BÙI CHIẾN

*Tập trung xuống giống vụ đông xuân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 12-2 các tỉnh Bắc Bộ phổ biến nhiều mây, âm u, nhiều nơi có rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 9 đến 110 C, vùng núi 4 đến 7 0 C, một số nơi ở vùng núi cao xuống dưới 1 0 C. Bộ phận không khí lạnh vẫn tiếp tục di chuyển xuống phía nam, ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía bắc và khu đông bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác; Trung Trung Bộ từ hôm nay (13-2) có mưa nhiều nơi, tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng.

Ngày 12-2, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai đạt ngưỡng mạnh nhất, khiến nhiệt độ các khu vực trong tỉnh giảm xuống mức cực tiểu trong đợt lạnh rét này. Tại TP Lào Cai là 10,4 0 C, Phố Ràng (Bảo Yên) 9,3 0 C, thị trấn Bắc Hà 5,10 C, Sa Pa giảm còn 1 0 C. Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Từ độ cao 2.200 m trở lên (so với mực nước biển) đã xuất hiện hiện tượng mưa dông kết tạo thành băng giá. Càng lên cao mức độ băng giá dày hơn.

UBND tỉnh Bắc Cạn vừa ban hành công điện khẩn chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương và nhân dân trong tỉnh thực hiện ngay các biện pháp cấp bách bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do rét hại. Không thả rông gia súc, cho ăn uống đầy đủ, chuồng nhốt khô ráo, kín gió. Không xuống giống trong những ngày rét đậm, dùng ni-lông che phủ, bảo vệ mạ chưa cấy. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ xuống các cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 con trâu, bò và 180 ha rừng trồng một năm tuổi bị chết rét.

Tỉnh Nam Định đã gieo cấy được khoảng 23 nghìn ha lúa đông xuân, đạt hơn 30% tổng diện tích. Do rét đậm, rét hại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc gieo cấy; tập trung chăm sóc, bảo quản tốt mạ dự phòng để khi thời tiết cho phép tiếp tục cấy ngay hoặc cấy bổ sung diện tích lúa bị chết rét; theo dõi sát sao, bảo đảm đủ nước để chống rét cho lúa mới cấy tập trung vào chăm sóc, bảo vệ mạ và lúa mới cấy. Đối với diện tích gieo thẳng, nếu rét đậm, rét hại kéo dài 3 đến 5 ngày cần kiểm tra, nếu mộng mạ chết, tiến hành cào ruộng cho sạ lại bảo đảm kịp thời vụ.

Đến nay, gần 95% diện tích gieo cấy lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nước. Tỉnh đang yêu cầu các các công ty khai thác công trình thủy lợi khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý tạo thuận lợi cho công tác làm đất và cấy lúa xuân; sử dụng tiết kiệm nước, tránh rò rỉ, lãng phí... Gần 40 máy bơm dã chiến (công suất mỗi máy đạt 1000 m3 /giờ) đã được lắp đặt tại bốn trạm bơm Bạch Hạc, Liễu Trì, Đại Định và trạm đầu mối Móng Cầu để bơm nước từ sông Hồng và sông Lô, dẫn vào nội đồng qua hệ thống kênh tưới các cấp.

Mặc dù thời tiết đang rét đậm kéo dài, nhưng những ngày này, nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung ra đồng gieo cấy hoàn tất số diện tích vụ lúa đông xuân 2014. Tỉnh Nghệ An gieo cấy vụ đông xuân khoảng 88 nghìn ha, hiện đã gieo cấy được hơn 90% số diện tích. Vụ đông xuân cũng là vụ quan trọng nhất của Nghệ An, chiếm khoảng 60 đến 65% tổng sản lượng cả năm. Tại Thanh Hóa, vụ xuân năm nay tỉnh gieo cấy khoảng 120 nghìn ha. Dự kiến đến ngày 20-2, sẽ gieo cấy xong số diện tích này.

Theo Cục Trồng trọt, đến nay, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Longđã xuống giống vụ đông xuân 2013 - 2014 được 1,58/1,6 triệu ha kế hoạch, đã thu hoạch được 200 nghìn ha, năng suất đạt khoảng 6,1 tấn/ha, sản lượng 1,22 triệu tấn lúa. Dự kiến vụ đông xuân đang bắt đầu được thu hoạch và thu hoạch rộ trong tháng 3, ở thời điểm sắp tới các doanh nghiệp cần có cơ chế mua tạm trữ để giữ giá và tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa của dân.

TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và chi cục thú y, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A (H5N1, H7N9, H10N8), dịch bệnh trên vật nuôi và bảo đảm an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Chi cục Thú y Hà Nội tăng cường giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Tỉnh Quảng Nam xuất hiện thêm năm ổ cúm gia cầm tại hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, đã tiêu hủy 11 nghìn con vịt bị bệnh. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp các địa phương tập trung lực lượng khống chế các ổ dịch; hướng dẫn cách ly các đàn gia cầm tại chuồng, vệ sinh tiêu độc khử trùng; tiêm vắc-xin cho gia cầm; thiết lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn có dịch.

Trong hai ngày qua, một số nơi trên địa bàn tỉnh Long An xuất hiện tình trạng gia cầm chết không rõ nguyên nhân. Chi cục thú y tỉnh đang kiểm tra để xử lý dịch bệnh. Ngoài ổ dịch xuất hiện tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ vào cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đến ngày 10-2, tại xã Bình Quới, huyện Châu Thành có 80/350 con vịt bệnh chết. Cơ quan chức năng nghi số vịt này chết do nhiễm cúm A/H5N1 nên đã tiêu hủy.

Ninh Thuận trúng lớn vụ nho

Tại tỉnh Ninh Thuận năm nay người dân trúng lớn vụ nho vì vừa được mùa, giá lại cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Hiện các vườn nho ở Ninh Thuận đang thu hoạch vụ chính, năng suất cao xấp xỉ hai tấn/sào, cho nên người trồng nho được lợi kép, tức vừa được mùa lại trúng giá. Ước tính mỗi sào nho, nông dân lãi ròng khoảng 25 đến 27 triệu đồng. Được biết, Ninh Thuận là thủ phủ của cây nho với tổng diện tích hiện vào khoảng 1.200 ha.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/22357002-tich-cuc-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi.html