Tích cực cải thiện môi trường - chìa khóa phát triển du lịch bền vững ở Bà Rịa - Vũng Tàu

- Làm thế nào để phát triển du lịch một cách bền vững là một vấn đề đặt ra với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay. Để giải quyết vấn đề đó, tích cực cải thiện môi trường là một trong các giải pháp mà các cấp, các ngành ở thành phố du lịch này đang tập trung triển khai.

Những thành công trong phát triển dịch vụ du lịch Những năm gần đây, ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu được nhiều kết quả khả quan, dịch vụ du lịch tăng bình quân trên 14%/ năm. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã chủ động đăng cai nhiều chương trình, sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, những hoạt động này đã thu hút được rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng như nghỉ ngơi, đó là Giải Cờ vua trẻ thế giới, Festival biển, Diều quốc tế, Hoa hậu quí bà, Lễ hội bắn súng thần công, Lễ hội văn hóa ẩm thực thế giới… Các loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa được tập trung phát triển, một số sản phẩm, tour – tuyến du lịch mới được đưa vào khai thác như: Du lịch câu cá; tour tham quan bãi biển Vũng Tàu bằng xe điện, xe xích lô; tour làng nghề truyền thống và thưởng thức món ăn đặc sản địa phương, qua đây phần nào đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Trong năm 5 qua, trung bình hàng năm Bà Rịa – Vũng Tàu đón khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 260 nghìn lượt khách quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống cũng như nghỉ ngơi của khách du lịch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú mới như khách sạn 5 sao Imperial, giai đoạn một Khu du lịch cáp treo Vũng Tàu, Khu du lịch Bến Thành – Phước Hải, Khu du lịch resort Côn Đảo… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 150 khách sạn và khu du lịch với khoảng 6500 phòng nghỉ, trong đó có một khách sạn 5 sao, 6 khách sạn khu du lịch 4 sao. Ngoài ra, còn khoảng 5000 các loại phòng nghỉ khác. Cũng trong 5 năm qua, các cụm du lịch tại thành phố Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Bình Châu, Hồ Cốc – Hồ Tràm và Côn Đảo đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư mới, trong đó có nhiều dự án đầu tư qui mô lớn từ vài trăm triệu USD đến vài tỷ USD được khởi công, xây dựng và chuẩn bị đầu tư, tại những khu vực này đang hình thành những Trung tâm du lịch đồng bộ, với nhiều loại sản phẩm đa dạng, cao cấp, hiện đại. Để thực sự đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch như các tuyến đường ven biển từ thành phố Vũng Tàu đi Long Hải, Phước Hải, Bình Châu cho đến tận huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), ngoài ra còn những tuyến đường khác nữa như: Đường lên Khu du lịch Núi Nhỏ, hệ thống đường giao thông đến các khu du lịch và hệ thống cấp điện, nước, viến thông dọc các tuyến giao thông. Một địa điểm đang được tỉnh chú trọng đến đầu tư cho phát triển du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đó là huyện Côn Đảo. Theo đó, tại đây đã có Chiến lược biển của Chính phủ và chương trình phát triển Côn Đảo giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của Tỉnh ủy hướng tới mục tiêu xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao mang tầm quốc tế. Để hướng tới mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Côn Đảo đã có chương trình hành động cụ thể. Ông Hoàng Nghĩa Doãn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo cho biết, huyện chủ trương ưu tiên các dự án bức thiết và mang tính đột phá đầu tư vào Côn Đảo, do vậy muốn xây dựng Côn Đảo thành Trung tâm Du lịch và dịch chất lượng cao, vấn đề quy hoạch phải đi trước một bước. Hiện nay, huyện đã xây dựng cơ chế chính sách phát triển Côn Đảo dựa trên cơ chế chung của Chính phủ về phát triển kinh tế biển đảo. Đồng thời, tiến hành xây dựng hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó bao gồm quy hoạch xây dựng, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử và một số quy hoạch chuyên ngành khác. Có thể thấy, trong các chương trình Xúc tiến đầu tư vào Côn Đảo, lãnh đạo địa phương đã thực sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó căn cứ vào điều kiện đặc thù của địa phương, huyện ưu tiên cho các dự án mang tính đột phá và bức thiết như: sản xuất điện, Khu nghỉ dưỡng 5 sao, các dự án giao thông, điện, nước, xử lý chất thải... kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến với Côn Đảo. Vẫn còn đó những bất cập trong phát triển dịch vụ du lịch Mặc dù đạt được những thành tích trong dịch vụ du lịch đáng ghi nhận trong những năm qua, nhưng có thể nói, cũng như nhiều địa phương khác có tiềm năng du lịch biển song việc khai thác và phát huy lại chưa tương xứng và có lúc đã đánh mất lợi thế của chính mình. Công tác phục vụ chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đặc trưng, nét văn minh, lịch sự, vệ sinh môi trường vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đối với du lịch nơi đây, đây cũng chính là yếu tố khó khăn để thu hút và giữ chân du khách đến và ở lại với Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian dài. Theo các doanh nghiệp du lịch thời gian gần đây, khách du lịch về thành phố Vũng Tàu có dấu hiệu sụt giảm, nguyên nhân một phần vì nạn “chặt, chém”, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì” của một số hàng quán trong thời gian qua. Tại nhiều khách sạn lớn, lượng khách đến sụt giảm khá mạnh so với trước đó. Mặc dù, các khách sạn đã kích cầu bằng cách tung ra nhiều sản phẩm mới như tổ chức tiệc buffet vào tối thứ bảy hàng tuần, xây dựng thực đơn ăn trưa gồm 4 món: cơm, canh, đồ mặn, đồ xào chỉ với giá 70.000 đồng/suất, giảm giá phòng cho khách đoàn, tăng cường quảng bá thông tin thông nhưng tình hình không mấy khả quan bởi ảnh hưởng từ các cơ sở kinh doanh chụp giật. Hiện tượng tùy tiện phá giá khi vắng khách và nói giá cao gấp nhiều lần quy định vào những ngày cuối tuần, các dịp lễ, tết đã tái diễn nhiều năm tại thành phố Vũng Tàu. Các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm thì lập biên bản xử phạt nhưng cũng chỉ xử phạt được những lỗi như không đăng ký tạm vắng, không niêm yết giá, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các vi phạm tinh vi như giá cả mập mờ, cân thiếu thì rất khó phát hiện. Trong dịp Liên hoan văn hóa ẩm thực thế giới vừa được tổ chức mới đây ở thành phố Vũng Tàu, các nhà nghỉ, khách sạn đồng loạt nâng giá lên đến mức chóng mặt. Do lượng khách về khá đông, nhu cầu người sử dung lớn, nên các nhà nghỉ ven thành phố đã tùy tiện nâng giá, có những nhà nghỉ bình dân thu của khách một triệu đồng một phòng/ ngày đêm. Không chỉ có nguyên nhân nêu trên, mà còn có nhiều nguyên nhân khác nữa khiến du khách phải cân nhắc nhiều khi lựa chọn Vũng Tàu là điểm đến. Ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, hiện tại, có những yếu tố làm hạn chế sự phát triển của các sản phẩm du lịch tại đây. Các dự án du lịch còn chậm triển khai vì vướng mặt bằng, vì suy thoái kinh tế, dẫn đến chậm ra đời các sản phẩm du lịch mới, lạ. Hơn nữa, các chủ đầu tư của các dự án du lịch hiện tại có tư duy ăn xổi, rất ít đầu tư cho những sản phẩm du lịch mới. Vì thiếu sản phẩm du lịch mới, lạ nên du khách thường lưu lại Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian ngắn và mức chi tiêu rất thấp. Các doanh nghiệp du lịch lớn và xuất hiện sau thường có chiến lược tiếp thị, khai thác thị trường riêng, còn các doanh nghiệp đã hoạt động từ lâu và các doanh nghiệp nhỏ, lẻ luôn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn khách sẵn có, khách cuối tuần mà ít chú ý xúc tiến, thu hút khách vào những ngày thường. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cũng yếu. Môi trường du lịch, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng còn nhiều bất cập. Bãi biển vẫn còn nhiều chất thải rắn, nhất là rác chưa được xử lý triệt để. Môi trường xã hội thời gian gần đây đã được cải thiện nhiều nhưng vấn đề hàng rong chèo kéo khách, kiểu kinh doanh chụp giật, gian lận, tăng giá vô tội vạ ở một số ít nhà hàng, khách sạn đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch tỉnh. Tích cực cải thiện môi trường tự nhiên và xã hội Để tạo ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước đến Bà Rịa – Vũng Tàu, xóa đi những suy nghĩ không thiện cảm về một địa danh đẹp, với các khu giải trí, ẩm thực, nghỉ ngơi nổi tiếng của đất nước, những năm gần đây tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá du lịch và thu hút khách. Qua các sự kiện này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có được nhiều kinh nghiệm để lựa chọn những sự kiện đủ sức, phù hợp và tổ chức ở quy mô vừa phải để phục vụ quảng bá du lịch và thu hút. Trong tương lai, khi các dự án du lịch phức hợp như Hồ Tràm Strip, Sài Gòn Atlantis Hotel, Công viên Thế giới kỳ diệu Vũng Tàu, Vườn thú hoang dã Safari Bình Châu… được xây dựng và đưa vào hoạt động, hy vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách đến và giữ chân du khách ở lại lâu hơn. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thường xuyên phát động và hưởng ứng những chương trình “Làm sạch bãi biển quốc tế” được Ủy ban Bảo vệ Đại dương khởi xướng trên toàn cầu. Từ năm 2007 đến nay, chương trình này được tổ chức và duy trì tại thành phố Vũng Tàu đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên là thanh niên địa phương cùng nhân viên Công ty Coca-Cola tham gia làm sạch 3km bờ biển Bãi Sau mỗi năm. Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, của địa phương về tác động của rác thải đối với môi trường sống. Các ngành chức năng của tỉnh cũng thể hiện quyết tâm xử lý dứt điểm nạn “chặt, chém” du khách của một số hộ kinh doanh tại thành phố Vũng Tàu vì lợi ích riêng, sẵn sàng kinh doanh gian lận, lừa gạt khách, gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch. Ngành chức năng đã lên danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhiều lần vi phạm các quy định về không niêm yết giá hoặc bán không đúng giá, niêm yết công khai để cảnh báo du khách. Đồng thời, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, panô, áp phích, hệ thống website của ngành du lịch dấu hiệu nhận biết và chiêu thức lừa gạt khách của loại hàng quán này để du khách nhận biết và tránh xa. Cùng với đó, trong biên bản xử phạt, ngoài ghi tên chủ quán ăn, tên tuổi của những nhân viên phục vụ trong ca đó cũng được ghi kèm. Sau khi đổi tên mà quán vẫn tái phạm thì tên tuổi của những nhân viên đó chính là bằng chứng để cơ quan chức năng có hình thức xử phạt hợp lý. Về phía Hiệp hội Du lịch tỉnh, ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch hiệp hội cho biết, danh sách tên các cơ sở vi phạm đã được đăng tải trên website của Hiệp hội và các ngành liên quan để du khách quan tâm có thể lên mạng tìm hiểu. Và trên hết, người bị hại cần hợp tác với cơ quan chức năng. Hiện tại, số điện thoại đường dây nóng đã được công bố trên các tuyến đường, nếu phát hiện vi phạm, du khách chỉ cần bấm điện thoại phản ánh trực tiếp, cơ quan chức năng sẽ có mặt xử lý kịp thời. Đối với những trường hợp vi phạm đã bị xử phạt, trong những lần kiểm tra tiếp theo nếu thấy họ thực sự sửa đổi thì tạo điều kiện để họ tiếp tục kinh doanh nhưng nếu vẫn cố tình vi phạm thì phải kiên quyết xử lý bằng cách rút giấy phép kinh doanh. Khi những hàng quán này xin giấy phép kinh doanh mới, thành phố Vũng Tàu phải xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi cấp phép. Đây là cuộc chiến khó khăn và lâu dài, đòi hỏi các sở, ban, ngành phải phối hợp chặt chẽ để có giải pháp phù hợp ngăn chặn những biến tướng, tiêu trừ tận gốc rễ loại hàng quán này nhằm phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng bền vững./..

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=431527&co_id=30692