Chống thất nghiệp bằng cách nào?

Cả nước hiện có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; so với quý I/2016 tăng 16.400 người (chiếm 2,29%). Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng 6,6% và 4%.

Việt Nam hiện có 70,85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,36 triệu. Dân số từ 15 tuổi trở lên và lực lượng lao động khu vực thành thị có xu hướng tăng khá nhanh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dân số từ 15 tuổi trở lên tăng 6,27% và lực lượng lao động tăng 7,49%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện nhưng còn chậm, chiếm 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56% so với quý II/2015. Tỷ trọng lao động khu vực nông thôn và ngành nông - lâm - thủy sản, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Cả nước có 1,0887 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp; so với quý I/2016 tăng 16.400 người (2,29%). Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là 6,6% và 4% (do nhóm lao động này đang gia tăng đáng kể). Tuy vậy, tình trạng thiếu việc làm giảm mạnh cả về số lượng và tỷ lệ (1,41 triệu người, chiếm 1,55%). Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 26,45 giờ, giảm 1,58 giờ so với quý I/2016, bằng 55,5% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (47,69 giờ/tuần).

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Lao động, Khoa học và Xã hội cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý II/2016 là 4,85 triệu đồng (quý I là 5,08 triệu). Nguyên nhân do quý I gắn với Tết cho nên người lao động được hưởng thêm tiền thưởng Tết, do đó thu nhập quý II giảm là điều tất nhiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm công ăn lương cũng giảm so với quý I (từ 41,40% xuống còn 41,26%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng lao động giảm nhiều nhất (61.000 người, chiếm trên 10%).

Theo thống kê, tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý I/2016, nhưng cao hơn quý II/2015. Nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách đối với các nhóm còn lại.

Dự báo trong những tháng cuối năm, việc làm tăng trong một số ngành như: xây dựng, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kinh doanh BĐS. Lao động trong ngành nông nghiệp giảm nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.

Trong 4 tháng cuối năm 2016, nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh từ lĩnh vực sản xuất đến bán lẻ, thương mại đến BĐS. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của nhân sự Việt khi vươn tới các vị trí này là khả năng sử dụng tiếng Anh hạn chế. Trong ngành nhiệt điện, việc tìm kiếm các vị trí quản lý nhân sự cấp cao thực sự khó khăn và có sự cạnh tranh gay gắt khi có yêu cầu rất cao về kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng tiếng Anh. “Do vậy, ứng viên tiềm năng trên thị trường chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

“Việc không thành thạo tiếng Anh đang thực sự là rào cản vô hình cho sự phát triển của nguồn nhân sự người Việt. Rất khó để người Việt có thể cạnh tranh ngay được trên sân nhà nếu như chúng ta không sử dụng được tiếng Anh một cách thành thạo. Thực tế đang chứng minh việc không giỏi tiếng Anh có thể gây ra những hệ quả tiêu cực cho đội ngũ nhân sự người Việt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay”, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết. Trong quá trình hội nhập, lao động sẽ tự do di chuyển. Khi lao động nước ngoài cũng vào Việt Nam thì phải chuẩn bị hành trang một cách chủ động, trên cơ sở đánh giá xem xét tìm hiểu nhu cầu kinh tế thị trường.

Việc định hướng cho học sinh không nên chạy theo bằng cấp, những hư danh, học cái gì thực sự phải xuất phát từ năng lực sở trường của mình và xuất phát từ yêu cầu của các nhà tuyển dụng cần được chú trọng ngay từ các cấp học phổ thông.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tich-cuc-cac-giai-phap-chong-that-nghiep.html