Tỉ lệ sử dụng thuốc nội ở Việt Nam đang tăng lên

Tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến huyện đã tăng từ 61% lên 69,3%, nhưng con số đó ở các bệnh viện tuyến trung ương còn khá khiêm tốn, chỉ 11%.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đến tháng 10 vừa qua, sau hơn 3 năm triển khai, đề án đã đạt được những thành công ban đầu đáng khích lệ, tỉ lệ sử dụng thuốc Việt tại các bệnh viện đã tăng lên.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, người dân chưa tin dùng thuốc nội và thói quen kê thuốc ngoại của các bác sĩ đã và đang là rào cản để tỉ lệ sử dụng thuốc nội tăng lên.

Từ khi Bộ y tế triển khai đề án, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện đã tăng lên rõ rệt. Ở tuyến huyện, trước khi triển khai đề án, bệnh viện sử dụng khoảng 61% thuốc nội, sau khi triển khai thì tăng lên 69,3%, xấp xỉ 70%. Đây là con số rất đáng khích lệ.

Trước khi triển khai đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến tỉnh chỉ đạt 31%. Sau khi triển khai, con số này đã lên 35%. Riêng tuyến trung ương thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội còn khiêm tốn, mới đạt trung bình 11%. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện trung ương, tỉ lệ sử dụng thuốc nội khá cao như bệnh viện Việt Đức là 30%, bệnh viện chợ Rẫy 40% và đặc biệt là bệnh viện Thống Nhất ở TP. Hồ Chí Minh lên đến 65%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở các bệnh viện tuyến trung ương chưa cao, lý do chính là do tâm lý các bác sỹ. Tuyến trung ương là tuyến cuối. Nếu tuyến huyện, tuyến tỉnh chưa chữa được thì đến tuyến trung ương cần dùng nhiều biệt dược nhập ngoại hơn.

Con số 11% thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện trung ương là tỷ lệ thấp. Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình nếu có chính sách tốt và tuyên truyền tốt.

Thực ra, trong thời gian triển khai đề án đã nảy sinh một số khó khăn. Đó là thói quen của người dân, kể cả các bác sỹ, chưa tin dùng thuốc nội và thói quen kê thuốc, dùng thuốc của nước ngoài vẫn còn phổ biến.

Thực hiện triển khai Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, đặc biệt là Nghị định 63 năm 2015 và Luật Dược 2016, Cục Quản lý Dược đã tham mưu cho Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10. Tôi cho rằng, thông tư này sẽ có hiệu quả rất cao trong thời gian tới.

Thông tư số 10 công bố 146 sản phẩm thuốc mà doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thì chúng ta sẽ không nhập khẩu. Và, nếu 146 sản phẩm này được đưa vào sử dụng thì đây sẽ là một cú huých cho nền công nghiệp dược của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục cũng tham mưu cho Bộ ký ban hành Thông tư số 11 để hướng dẫn đấu thầu, trong đó đưa ra chủ trương, chính sách để khuyến khích và đặc biệt ưu tiên sử dụng thuốc trong nước. Nếu chúng ta sử dụng nguyên liệu trong nước và quan tâm hơn đến y học cổ truyền và dược liệu thì đây chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Qua đó, thuốc nội sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong thị trường.

Chúng ta làm thuốc tốt, chất lượng tốt nhưng truyền thông không tốt thì người dân không hiểu, thậm chí bác sỹ cũng chưa hiểu. Một trong những biện pháp quan trọng đó là sự vào cuộc của hệ thống truyền thông với thông điệp “Thuốc Việt Nam có chất lượng tốt và giá cả phù hợp”. Tất nhiên, “hữu xạ tự nhiên hương”, chắc chắn các doanh nghiệp trong nước phải phấn đấu để chất lượng thuốc thực sự tốt và hiệu quả trong điều trị bệnh.

Trong thời gian tới, Cục sẽ cố gắng triển khai các biện pháp để đẩy mạnh nâng cao chất lượng thuốc, để chứng minh bằng thuốc nội tương đương sinh học với thuốc ngoại nhập. Đây cũng là biện pháp chính mà chúng tôi phải triển khai.

Hiện nay, không chỉ người bán thuốc mà kể cả người dân cũng có quan niệm sính ngoại và có tư tưởng là thuốc nội mà giá thành rẻ thì chắc chắn là chất lượng không thể bằng với thuốc ngoại. Từ góc độ cơ quan quản lý, ông đánh giá thế nào về chất lượng của các loại thuốc trên thị trường nhưng có tương đương sinh học?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải căn cứ vào cơ sở khoa học. Bằng chứng tốt nhất của một loại thuốc tốt là phải có tương đương sinh học với thuốc biệt dược. Sau khi Luật Dược ra đời, Cục đang sửa đổi thông tư về thử thuốc tương đương sinh học.

Đây là thông tư rất quan trọng vì Cục tăng số lượng thuốc phải thử tương đương sinh học lên và tăng cơ sở thử tương đương sinh học và những thuốc có chứng minh tương đương sinh học sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc.

Con số 69,3% thuốc sử dụng trong nước là thuốc nội là một con số đáng khích lệ. Để tăng tỉ lệ này trong các bệnh viện, việc cần làm là phải sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, ưu tiên cho các loại thuốc trong nước. Thuốc nào sản xuất trong nước từ dược liệu truyền thống, phát huy được thế mạnh của y học truyền thống thì nên được ưu tiên. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh vai trò và hiệu quả của truyền thông để các bác sỹ thay đổi tư duy kê đơn thuốc và bệnh nhân thay đổi quan niệm về chất lượng thuốc.

Theo tôi, với những chính sách và công tác truyền thông như hiện nay, với việc rút kinh nghiệm từ kết quả của việc triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc nội hoàn toàn có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Chẳng hạn như hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU, có thể cạnh tranh với các nước châu Âu. Hiện Việt Nam cũng đã có hơn 100 nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế với chất lượng ngang bằng.

Nguồn: Thế giới và Việt Nam

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/tieu-dung/ti-le-su-dung-thuoc-noi-o-viet-nam-dang-tang-len-655468.html