Thủy sản nhiễm kháng sinh, người tiêu dùng biết độc nhưng vẫn phải ăn

Nhiều thủy sản được bày bán tại TP.HCM được xác nhận là nhiễm chất cấm kháng sinh, nhưng cơ chế giám sát chưa chặt chẽ, người tiêu dùng phải chấp nhận.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM vừa cho biết, số liệu mới nhất mà cơ quan này vừa thực hiện, công bố cho thấy, hàng loạt cá chim trắng, cá điêu hồng, basa, cá bống, cá trê, cá rô, cá sặc, lươn, chạch, ếch…được xác nhận là đã nhiễm kháng sinh chất cấm sử dụng.

Đây là các chất bị nghiêm cấm sử dụng trong thủy sản như: Trichlofon, chlorampheniol, ciprofl oxacine, enrofl oxacin.

100% số mẫu cá trê, cá lăng, cá kèo, cá chim trắng, cá điêu hồng, cá điêu hồng, basa lấy từ đầu mối các thương lái đem đi kiểm nghiệm đều cho kết quả tồn dư hai chất cấm là enrofl oxacin, leucomalachite.

Thủy sản được bày bán ở các chợ tại TP.HCM hầu hết đều nhiễm chất cấm kháng sinh - ảnh minh họa.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc cho biết, sở dĩ có tình trạng mẫu tồn dư chất cấm cao, là do cơ quan chức năng tập trung lấy mẫu ở nhóm có nguy cơ cao, chứ không thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên, đại trà.

Cách đây chưa lâu, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều có sử dụng kháng sinh, trong đó có cả chất kháng sinh bị cấm.

Lý do được cơ quan này đưa ra là do, môi trường nuôi ô nhiễm, vật nuôi sẽ đối diện với bệnh tật, nên các trang trại chăn nuôi sử dụng bừa bãi các chất này để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Thế nhưng, nếu sử dụng bừa bãi, tràn lan các chất cấm này, rõ ràng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dùng.

Nhiều nhà khoa học đã chứng minh cho thấy, nếu các chất cấm kháng sinh này được nạp vào cơ thể, sẽ sớm tiêu diệt vi khuẩn có lợi và có hại trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, tổn thương gan, tăng cân, gia tăng các bệnh về hen suyễn, dị ứng, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, tạo ra những siêu vi khuẩn kháng lại thuốc điều trị.

Bằng cảm quan thông thường, người tiêu dùng không thể nào phát hiện ra được thủy hải sản có nhiễm chất cấm kháng sinh hay không, mà bằng mắt chỉ có thể phân biệt được thủy hải sản còn tươi hay không.

Đại diện Chi Cục quản lý chất lượng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM chai sẻ: Cơ quan này vẫn thường xuyên lấy mẫu tại những khu vực chợ đầu mối, khu vực kinh doanh có nguy cơ nhiễm cao về để xét nghiệm.

Dù tôm cá có nhiễm chất cấm kháng sinh hay không, thì hàng chắc chắn vẫn được lưu thông bán ngoài thị trường bình thường, do luật chưa quy định buộc phải thu hồi, mà chỉ lấy kết quả xét nghiệm làm căn cứ để xử phạt hành chính.

Từ kết quả này, TP.HCM cũng sẽ tiến hành làm văn bản, báo về địa phương gốc, nơi đã nuôi trồng thủy sản, tuyên truyền và khuyến cáo những hộ, cơ sở này không được phép sử dụng chất cấm kháng sinh.

Các cơ quan chức năng TP.HCM khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn các loại thủy sản được nuôi, có nguồn gốc đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, thực tế thì người tiêu dùng rất khó có thể kiểm tra được điều này, do thủy sản được bán tại chợ đa số là không có bao bì, nhãn mác để chứng minh nguồn gốc, nên không thể nào nhận biết được.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thuy-san-nhiem-khang-sinh-biet-doc-nhung-van-phai-an-d104973.html