Thủy điện Sông Tranh 2 hạ mực nước hồ chứa sẵn sàng đón lũ

Căn cứ tình hình nước về hồ Thủy điện Sông Tranh 2 cũng như ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, Công ty Thủy điện Sông Tranh xả nước qua tràn để hạ mực nước hồ, tạo dung tích đón lũ.

Ông Vũ Đức Toàn – Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết: Vào lúc 14h ngày 24.11.2016, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Công ty Thủy điện Sông Tranh về việc vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ.

Theo đó lúc 13h ngày 24.11, mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 173,14 mét, dự báo lưu lượng nước về trong thời gian tới 200-250 m3/s, đồng thời theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cảnh báo có mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra.

Chính vì vậy, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty thực hiện xả tràn với mục đích đưa mực nước hồ về cao trình 172 mét để đón lũ. Khi mực nước hồ về cao trình 172 mét thì Công ty Thủy điện Sông Tranh vận hành Nhà máy với lưu lượng nước xả bằng lưu lượng nước về (Qxả = Qvề).

Trong quá trình điều tiết hồ chứa căn cứ vào lưu lượng nước về hồ thực tế Công ty sẽ có những bản tin thông báo tiếp theo.

Trong một diễn biến khác, theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 24.11, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 - 6 mét, hạ lưu từ 2 - 4 mét, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 – báo động 2, riêng sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) có khả năng lên trên mức báo động 3; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, Văn phòng Thường Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố, các Bộ, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc.

Chỉ đạo kiểm tra các hồ chứa, chủ động xả lũ theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho đập và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước sau 2 đợt mưa, lũ vừa qua và các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý; kiểm tra các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối, đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động.

Các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình nhất là các công trình giao thông, hồ đập. Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có các tình huống xấu xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thuy-dien-song-tranh-2-ha-muc-nuoc-ho-chua-san-sang-don-lu-725880.html