Thụy Điển dẫn đầu cuộc đua xã hội không tiền mặt

Tại Thụy Điển, ngân hàng, xe buýt, các cửa hàng và thậm chí cả nhà thờ đều cho thanh toán ảo hoặc bằng thẻ nhựa.

Thụy Điển đang tăng tốc để trở thành một xã hội gần như không sử dụng tiền mặt. Louise Henriksson, 26 tuổi, trợ giảng, cho biết anh không dùng tiền mặt cho bất kỳ thứ gì. “Bạn không cần đến nó. Các cửa hàng không cần nó, nhiều ngân hàng cũng vậy. Thậm chí khi mua kẹo hay giấy, bạn cũng dùng thẻ hoặc điện thoại”.

Tàu điện ngầm tại Thụy Điển không nhận thanh toán bằng tiền mặt

Đã từ lâu, xe buýt Thụy Điển không thu tiền mặt, không thể mua vé tại khu metro Stockholm bằng tiền mặt, các nhà bán lẻ được phép từ chối tiền xu và chứng phiếu, các cửa hàng trên đường phố và thậm chí cả nhà thờ ngày càng ưa chuộng thanh toán thẻ hoặc điện thoại.

Theo ngân hàng trung ương Riksbank, giao dịch tiền mặt chỉ chiếm chưa tới 2% giá trị tất cả thanh toán thực hiện tại Thụy Điển năm ngoái và con số này có thể giảm xuống còn 0,5% đến năm 2020. Tại các cửa hàng, tiền mặt chỉ được dùng cho gần 20% giao dịch, bằng một nửa 5 năm về trước và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 75% trung bình trên toàn cầu.

Đáng ngạc nhiên hơn, khoảng 900 trong 1.600 chi nhánh ngân hàng Thụy Điển không còn giữ tiền mặt hay nhận tiền gửi bằng tiền mặt và rất nhiều nơi, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không còn cây ATM nữa. Đồng krona lưu thông giảm từ 106 tỷ năm 2009 xuống còn 80 tỷ năm ngoái.

Chỉ 1/5 giao dịch tại các cửa hàng được thực hiện bằng tiền mặt

Niklas Arvidsson, phó Giáo sư chuyên về đổi mới hệ thống thanh toán tại Viện công nghệ Hoàng gia Stockholm, cho rằng trong 5 năm nữa, Thụy Điển có thể trở thành một xã hội không tiền mặt. Theo ông, Thụy Điển đã khởi động từ những năm 1960 khi ngân hàng thuyết phục các ông chủ và người lao động trả lương bằng chuyển khoản.

Thẻ đã trở thành hình thức thanh toán chính: theo Visa, người Thụy Điển dùng chúng nhiều gấp 3 lần so với một người châu Âu bình thường, thực hiện trung bình 207 thanh toán/thẻ năm 2015. Gần đây, ứng dụng di động cũng cất cánh. Swish, phần mềm được ưa chuộng do các ngân hàng hợp tác phát triển, sử dụng số điện thoại để cho phép bất kỳ ai có smartphone chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản khác theo thời gian thực. Phó Giáo sư Arvidsson nhận định Swish đã gần như triệt tiêu tiền mặt đối với đa số người dùng. Nó có điểm chung với thanh toán bằng tiền mặt là sự minh bạch, tức thời.

Được chấp nhận bởi gần một nửa dân số Thụy Điển, Swish đang được dùng để thực hiện hơn 9 triệu thanh toán mỗi tháng. Những thương gia đường phố, từ người bán xúc xích đến người bán tạp chí vô gia cư, lại say mê iZettle, hệ thống giá rẻ, đơn giản, cho phép người bán hàng nhỏ lẻ nhận thanh toán thẻ qua ứng dụng và đầu đọc thẻ mini gắn với điện thoại.

Ngay cả các nhà thờ Thụy Điển cũng hiển thị số điện thoại vào cuối mỗi dịch vụ và đề nghị giáo dân dùng Swish khi quyên góp vào Chủ nhật. Một nhà thờ Stockholm cho biết năm ngoái, chỉ có 15% khoản quyên góp là tiền mặt, còn lại đều bằng điện thoại.

Dù vậy, nó cũng đi kèm một số lo ngại: các vụ lừa đảo điện tử tăng gấp đôi trong 10 năm qua và vài người bày tỏ nghi ngờ liệu hệ thống điện tử hoàn toàn với mọi khoản thanh toán đều được lưu lại có phải nguy cơ đối với quyền riêng tư hay không.

Các tổ chức người cao tuổi, đối tượng không thành thạo công nghệ mới hay đơn giản là thấy thanh toán bằng tiền mặt đơn giản hơn để theo dõi chi tiêu, sẽ bị bất lợi, trong khi các nhà giáo dục lại lo người trẻ có xu hướng tiêu nhiều hơn số tiền mình có.

Kết hợp với các nguyên nhân xã hội khác, ông Arvidsson tin tiền mặt chưa thể “chết” ngay. “Ngay cả khi trong vài năm tới, khi người Thụy Điển gần như không dùng tiền mặt nữa, trở thành một nước 100% phi tiền mặt cần có quyết định chính trị. Ý tưởng về tiền mặt, ngay cả tại Thụy Điển, vẫn rất mạnh mẽ”.

Du Lam (Theo The Guardian)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/thuy-dien-dan-dau-cuoc-dua-xa-hoi-khong-tien-mat-144935.ict