Thương vụ tiêm kích Rafale: Pháp 'cập bến' Ấn Độ Dương

Việc sẵn sàng kí kết hợp đồng bán 36 chiến đấu cơ Rafale lên tới 7,87 tỉ euro giữa Pháp và Ấn Độ mở đường cho mối quan hệ song phương lâu dài.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hợp đồng mua bán 36 máy bay chiến đấu Rafale sẽ được bộ Quốc phòng hai nước ký kết ngày 23/9 tại New Delhi.

Mức giá trên cho 36 chiếc Rafale là mức gia thấp nhất Pháp đồng ý bán cho Ấn Độ kể từ khi 2 nước chính thức đàm phán về thương vụ máy bay chiến đấu này. Trước đó, nhà sản xuất Dassault Aviation khăng khăng rằng chỉ bán số máy bay nói trên với số tiền là 8,8 tỉ euro.

Sức mạnh đa năng của những chiếc Rafale là điều Ấn Độ nhắm tới. (Nguồn: AP)

Camille Grand, trợ lý Tổng thư ký NATO tiếp theo về đầu tư quốc phòng cho biết, các cuộc đàm phán đã vô cùng căng thẳng, phản ánh sự phức tạp trong lập trường của chính phủ Ấn Độ.

Ấn Độ củng cố sức mạnh hạt nhân

Indian Express Ấn Độ ngày 18/9 dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, dù số lượng máy bay không lớn, nhưng nhân tố mang tính quyết định để Ấn Độ mua sắm Rafale là nó "có thể dùng làm hệ thống vận tải chiến lược đường không". Điều này có nghĩa là máy bay chiến đấu Rafale sẽ được dùng để chở vũ khí hạt nhân trong chiến đấu.

Ban đầu, Dassault muốn bán tiêm kích Mirage 2000 cho Ấn Độ, tuy nhiên sau đó đã cung cấp cho New Delhi tiêm kích Rafale để phù hợp với nhu cầu mua các máy bay chiến đấu đa chức năng có thể thực hiện tấn công hạt nhân.

Hiện nay, khả năng tấn công hạt nhân của Không quân Ấn Độ do máy bay chiến đấu Mirage-2000 – đã được Pháp tiến hành điều chỉnh hệ thống chở vũ khí chiến lược thực hiện, nhưng những máy bay chiến đấu Mirage được nâng cấp này sẽ bắt đầu lần lượt bị đào thải từ năm 2030.

Trang Newindianexpress cũng cho biết, Ấn Độ đang đẩy mạnh hiện đại hóa năng lực quân sự để đối phó với sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc cũng như “người láng giềng lâu năm” Pakistan. Với Rafale, không quân Ấn Độ có thể bắn trúng các mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan và vượt qua biên giới phía bắc và phía đông nước này trong khi máy bay vẫn ở trong lãnh thổ Ấn Độ.

Cường quốc vũ khí Pháp

Việc trở thành lựa chọn của không quân Ấn Độ là một ưu thế quan trọng cho Rafale – với đơn đặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay.

Trước đó, nhà sản xuất máy bay chiến đấu Pháp đã giành được thương vụ với Ai Cập và Qatar, Camille Grand, giám đốc viện nghiên cứu chính sách về vấn đề quân sự và an ninh Fondation pour la Recherche Strategique (FRS) sẽ nhậm chức tại NATO vào ngày 4/10 nói với Defense News.

Một thỏa thuận với Ấn Độ, một cường quốc, là "điều rất đặc biệt khi Ấn Độ đã là khách hàng (của Pháp) kể từ đầu những năm 1980".

Và thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa hợp tác lâu dài, khi Ấn Độ sẽ không dừng lại ở 35 phi đoàn và đang có dự định sẽ phát triển các hạm đội máy bay chiến đấu. "Tôi vẫn lạc quan, tuy nhiên vẫn rất thận trọng về tiến độ này," ông nói.

Trước đó, hợp đồng tàu ngầm của Australia với hãng DCNS của Pháp cũng đã là một thành công lớn không chỉ đối với nhà thầu mà còn cả chính phủ Pháp tại Ấn Độ Dương. "Đây là hợp đồng lớn nhất đối với tàu ngầm thông thường trong nhiều thập kỷ qua," Grand nói.

Hải quân Australia có yêu cầu rất cao và là một trong một số ít các lực lượng hải quân muốn sở hữu tàu ngầm đại dương hạng nhất. "Quyết định của chính phủ Australia là hoàn toàn dựa trên nền tảng kĩ thuật của ngành công nghiệp Pháp," ông nói.

Khả năng xây dựng tàu ngầm tên lửa hạt nhân đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển hạm đội tàu ngầm lớn có tầm bắn xa dù những chiếc tàu ngầm mới DCNS đóng cho Australia, mang tên Shortfin Barracuda chỉ được trang bị động cơ đẩy diesel-điện thông thường.

"Điều này có thể tạo ra một sự khác biệt lớn", ông nói. Mặc dù Australia quản lí phần lớn hợp đồng đóng tàu trên, tuy nhiên, Pháp có thể nhận được khoảng một phần tư hoặc một phần năm giá trị dự án (có tổng vốn khoảng 39 tỷ USD).

Sức nặng địa chính trị

Dù phải “nhượng bộ” khá nhiều về giá, so với mức 6 tỉ euro cho 24 chiếc Rafale mà Cairo đã kí với Pháp hồi đầu năm 2015, nhưng thỏa thuận vũ khí này với New Delhi có ý nghĩa địa chính trị đặc biệt khi Pháp từ lâu đã có lợi ích an ninh quốc phòng ở Ấn Độ Dương, cũng như các quốc gia khu vực như Ấn Độ và Australia.

"Đối với Pháp, Ấn Độ có tầm quan trọng lớn" khi Paris đang nhận thấy nhiều vai trò và lợi ích ở Thái Bình Dương – điều được chia sẻ bởi người Anh – dù vẫn còn hạn chế so với các lợi ích toàn cầu của Mỹ.

Paris vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương – thông qua hai căn cứ quân sự - được trang bị bộ binh và tàu khu trục tại La Reunion và Mayotte. Sức mạnh này đang được gia tăng bởi lực lượng quân sự của Pháp tại Abu Dhabi, Trung Đông và Djibouti, thuộc vùng Sừng châu Phi.

Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba trên thế giới và có vai trò rất quan trọng đối với tương lai địa chính trị trong thế kỷ 21. Nếu châu Âu là vũ đài trung tâm của hầu hết các cuộc xung đột toàn cầu trong thế kỷ qua, Ấn Độ Dương sẽ là đấu trường cho trò chơi quyền lực trong thế kỷ 21.

Trong lịch sử, ảnh hưởng của Pháp đã vươn tới phía Tây Nam Ấn Độ Dương, đặc biệt là khu vực dọc theo kênh Mozambique - tuyến đường vận chuyển quan trọng giữa Trung Đông và Đại Tây Dương và Madagascar.

Dù Paris cách xa 5.000 km so với Ấn Độ Dương, Pháp vẫn cần bảo vệ và phát triển các vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 2.6 triệu km2 ở đây cũng như hơn một triệu công dân Pháp sống tại La Reunion và Mayotte.

Kể từ khi công bố Sách Xanh về phía Nam Ấn Độ Dương năm 2011, Pháp đã xây dựng chiến lược để thúc đẩy ảnh hưởng của mình trong khu vực này và quan hệ đối tác với Ấn Độ sẽ gia tăng “sức nặng” của Paris mạnh mẽ hơn nữa.

(Theo báo nước ngoài)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/thuong-vu-tiem-kich-rafale-phap-cap-ben-an-do-duong-211617.html