Thượng viện Mỹ quyết siết chặt trừng phạt Nga

Bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Trump, các nghị sĩ Mỹ đã đạt được thỏa thuận mở đường cho Thượng viện sớm phê chuẩn dự luật về các lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với Nga.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker. Ảnh: EPA

Ngày 26/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker nói: "Tôi vui mừng thông báo chúng tôi đã nhất trí gửi dự luật trên tới Tổng thống để ký phê chuẩn".

Theo ông, Thượng viện sẽ thông qua các dự luật về các lệnh trừng phạt mới áo đặt với Nga và Iran, vốn đã được phê chuẩn từ trung tuần tháng 6 vừa qua, cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên theo đề xuất của Hạ viện trong dự luật vừa được viện quốc hội này bỏ phiếu tán thành với số phiếu áp đảo 419 - 3.

Theo thông cáo từ Đồi Capitol, các nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga với lý do nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như hành động của Moskva tại Ukraine và Syria.

Trong khi đó, Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố.

Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt.

Giới quan sát cho rằng việc Hạ viện Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức cấp cao của Nga để trả đũa cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 sẽ cản trở chính quyền Trump dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, gây phức tạp cho những nỗ lực của ông Trump nhằm cải thiện quan hệ với Moskva.

Trong khi đó, giới chức tại Nga và châu Âu cảnh báo quan hệ giữa Washington với Moskva và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu ông Trump ký ban hành dự luật này.

Điện Kremlin đã gọi đây là một hành động "rất không thân thiện" và là "tin buồn" đối với quan hệ giữa hai nước cũng như cản trở sự phát triển của mối quan hệ này, là một đòn giáng vào luật lệ và thương mại quốc tế.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu “bày tỏ quan ngại đặc biệt do những tác động tiềm tàng của dự luật tới sự độc lập về năng lượng của các nước thành viên Liên minh châu Âu”.

Trong một phản ứng đầu tiên, Iran tuyên bố dự luật là "một biện pháp thù địch" chống lại nước CH Hồi giáo Iran, đi ngược lại những nghĩa vụ mà Mỹ phải thực hiện được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhà ngoại giao Iran khẳng định Tehran sẽ có biện pháp đáp trả./.
>>> Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thuong-vien-my-quyet-siet-chat-trung-phat-nga/52176.html