Thương về rốn lũ

Đã hơn 10 ngày sau cơn lũ lịch sử đi qua, nhưng đối với người dân huyện Quảng Trạch, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Quảng Bình, sức ám ảnh của nó thật ghê gớm. Những gương mặt thất thần vì mất người thân, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài vì đói, vì rét, vì ốm đau và bệnh tật rình rập, vây bủa... Nhưng cũng chính ở nơi đỉnh lũ, nơi những nỗi đau nghẹn ngào “thấm đất”, lại là nơi ấm lên tình người, nơi có biết bao tấm lòng và những vòng tay nhân ái sẵn sàng chở che, hướng về khúc ruột miền Trung...

Nước mắt miền lũ Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình và Đoàn cứu trợ tình nguyện của Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội, ngày 14-10, 20 cán bộ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động và 40 y, bác sĩ sẽ hành quân về những xã khó khăn nhất của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình như Quảng Phương, Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Tiên. Ngay trong đêm 13-10, những chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động và các y, bác sĩ đã thức trắng để đóng gói một nghìn suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, 1 thùng nước, sách bút và 1 túi thuốc để kịp thời cấp phát cho người dân của 5 xã vào sáng 14-10. Trời gần về sáng, mưa bắt đầu đổ xuống như trút. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, nước đã ngập hết các con đường của huyện Quảng Trạch. Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động đang đưa hàng cứu trợ đến với người dân huyện Quảng Trạch. Sáng sớm 14-10, xe chúng tôi chòng chành trong mưa và bùn đất lầy lội, hai bên đường, cánh đồng lúa mênh mông được phủ lên một lớp bùn đỏ, trên đồng chỉ còn sót lại vài ruộng sắn khẳng khiu với những chiếc lá vàng chờ rơi, trông thật tang thương. Tại trụ sở UBND xã Quảng Tiên, hàng trăm người dân đã có mặt từ rất sớm. Người dân vùng lũ xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, có tới trên 40% số hộ nghèo và cận nghèo. Năm nào cũng vậy, lũ về lại cướp đi tất cả những gì người dân dành dụm, tích cóp được sau một năm làm lụng vất vả. Không biết từ bao giờ, Quảng Tiên mang tên là “rốn lũ”. Cơn lũ đi qua, để lại đằng sau nó là cái đói, cái nghèo, là những nỗi đau, những mất mát không thể bù đắp hết mà chỉ có thể san sẻ phần nào. Dẫu biết vậy, nhưng với người dân xã Quảng Tiên lúc này, những phần hàng cứu trợ, dù ít ỏi, cũng thật đáng quý và ý nghĩa. Chị Trần Thị Khuyên, thôn Trường Thọ nét mặt vẫn còn chưa hết bàng hoàng, run run kể lại: “ Suốt 1 tuần ròng (từ ngày 30-9 đến ngày 5-10), một lượng mưa lớn ào ào đổ xuống, liên tục cả ngày lẫn đêm trên khắp các huyện của tỉnh Quảng Bình. Mưa to đã làm lũ lên nhanh, chảy xiết, gây ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều vùng khiến người dân trở tay không kịp. Nhà tôi chỉ có ba mẹ con, thấy nước lên nhanh, chảy xiết quá, không kịp chạy đi mô cả. Chỉ kịp leo lên tra để tháo thân, may mà không bị lũ cuốn trôi. Nhưng giờ thì sống mà một phần hồn, chín phần xác, không biết những ngày tới, biết lấy chi mà sống răng chừ. Nhà cửa, tài sản, tất cả đều bị cuốn trôi hết cả rồi”. Còn bà Lê Thị Huệ, ở cồn Cưỡi, thôn Tiên Xuân hai bàn chân lở loét hết, bệnh khớp cũng tái phát khiến toàn thân bà đau nhức. Ôm thùng mì tôm và gạo cứu trợ, bà nghẹn ngào, thương cho con, cháu vụ này sẽ bị đói, bởi đứa thì mất đàn lợn, đứa thì mất hàng trăm con gà, thóc thì bị lên mầm. Gần đó, mấy chị luống tuổi đang ngồi chờ các bác sĩ khám bệnh, dáng vẻ mệt mỏi của những ngày chạy lũ vẫn còn hiện trên khuôn mặt, khóe mắt ướt nhèm, đỏ hoe bởi dịch đau mắt đỏ do nước bạc sau lũ còn tồn đọng. Chúng tôi vào thăm gia đình anh Hoàng Văn Uy, xã Quảng Hòa khi hai bố con anh đang cố mót tìm những ngọn rau còn sót lại trong vườn để ăn cùng những gói mì tôm cứu trợ, đứa con gái nhỏ chạy lõm bõm theo bố. Anh Uy tiếp chúng tôi trong căn nhà tan hoang đã bị lũ tàn phá gần một nửa, đồ đạc gần như không còn gì ngoài những chiếc xoong mang theo khi lên núi tránh lũ. Bố con anh vừa đi tránh lũ về mà không có sự chăm sóc của người phụ nữ. Vợ anh cùng 3 cháu lớn đã vào miền Nam làm thuê, anh ở nhà nuôi 2 cháu nhỏ. Chúng tôi hỏi khi nào thì sửa lại nhà, anh nhìn chúng tôi rồi lắc đầu, ứa nước mắt. Ngôi nhà bố con anh đang trú ngụ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, 2 bên vách đã bị lũ cuốn trôi, 2 vách còn lại bị lở loét, ngồi trong nhà có thể nhìn thẳng lên trời, cột kèo xập xệ. Lũ vừa qua, mùa đông lại sắp tới, liệu căn nhà này có thể giữ ấm cho 3 bố con anh. Không riêng gì gia đình anh Uy, hầu hết nhà dân trong xã Quảng Hòa đều bị hư hại. Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi cơn lũ đã rút nước, còn lắng lại những lớp bùn nhão nhoẹt. Quang cảnh tiêu điều, xơ xác, hàng loạt nhà cửa bị đổ chỉ còn trơ lại móng nhà. Những nhà may mắn không bị đổ thì đồ đạc, tài sản cũng bị cuốn theo lũ, họ cũng chỉ biết ngậm ngùi và bắt tay thu dọn lại nhà cửa. Các bác sĩ ĐH Y HN đang khám và phát thuốc cho người dân xã Quảng Hòa. Ông Trần Thanh Dương- Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quảng Trạch có 14 người chết, 10 người mất tích, 37 người bị thương, 34/34 xã, thị trấn đều bị ngập lụt, với tổng số nhà ngập lụt lên đến 32.000 nhà. Các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học... đều bị hư hỏng nặng, hoa màu, giống lúa, gia súc, gia cầm đều bị cuốn trôi, ước tính thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Giờ đây, người dân đang sống nhờ những thùng hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức tình nguyện, nhưng về lâu dài, cuộc sống của người dân sẽ vô cùng khốn khó, chưa kể tình trạng dịch bệnh bắt đầu bùng phát”. Cũng theo bác sĩ Đặng Thị Vân Anh, Đại học Dược Hà Nội, sau một ngày khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân huyện Quảng Trạch, thấy xuất hiện rất nhiều bệnh dịch như đau mắt, tiêu chảy, lở loét chân vì ngâm nước quá lâu. Ngoài ra, những người già thị bị khớp và nhiều người có dấu hiệu phù thũng vì 4-5 ngày không có chất tinh bột mà chỉ biết ăn thịt trâu bò chết cầm hơi. Khó khăn chồng chất khó khăn đối với người dân vùng rốn lũ. Trên mảnh đất ấm tình người Đối với các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình cũng như 20 chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, trong suốt những ngày qua đều làm việc thường xuyên, liên tục, và gần như đêm nào cũng thức trắng để hoàn thành nhiệm vụ. Trong cơn lũ, họ cấp tốc lên đường cứu dân vượt qua những giờ phút hiểm nghèo. Khi cơn lũ đi qua, họ lại chung vai, sát cánh cùng nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, xây dựng cuộc sống mới. Bất cứ nơi đâu cần, họ sẵn sàng đi ngay không một phút ngơi nghỉ, vì họ biết, ở những noi xa xôi, bà con đang cần họ biết bao. Chiến sĩ trẻ Trần Đình Hải chia sẻ: “Đến hôm nay đã là ngày thứ 10 tụi em làm nhiệm vụ sau những ngày “chiến đấu” với lũ để cứu dân, ai cũng thấm mệt, có người ốm, sốt vì dầm mưa và thức đêm lâu ngày. Nhưng người dân vẫn còn đói khổ nhiều lắm, nên chúng em nguyện đem tất cả sức mình để giúp người dân vượt qua cơn hoạn nạn. Đó là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim”. Chủ nhiệm chính trị BDBP Quảng Bình, Thượng tá Hồ Ngọc Hoàng tận tay phát hàng cứu trợ cho dân. Còn với các bác sĩ trẻ của hai trường Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội, chuyến đi này thật ý nghĩa. Dù không phải người miền Trung, nhưng nghe tin Quảng Bình “gặp nạn”, trong mỗi trái tim họ đều cảm thấy nhói đau. Bác sĩ Hoàng Văn Hồng, Bệnh viện Y Hà Nội cho biết: “Trường Đại học Y có hơn 100 bác sĩ nội trú của bệnh viện, khi nhận được thông báo của Ban giám hiệu, ai cũng xung phong lên đường. Đối với chúng em, được đến với miền Trung ruột thịt trong những lúc gian nan và khó khăn nhất thế này là một niềm vinh dự và tự hào. Chỉ có 20 người được đi nên chúng em chỉ còn cách bốc thăm, và em là người may mắn trong số đó. Trước khi đi, em đã trang bị, nghiên cứu rất nhiều kiến thức về các bệnh phát sinh sau lũ, mong rằng có thể giúp người dân được phần nào. Không ngờ đến đây, thấy nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nhiều đến vậy, sự san sẻ của chúng em chỉ là một phần rất nhỏ. Em vừa khám, vừa khóc vì thương cho những người dân Quảng Trạch”. Thượng tá Hồ Ngọc Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Bình cho biết: Trong suốt 10 ngày qua, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã tổ chức trên 200 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân phòng chống, di dời 38 hộ dân đến nơi an toàn, làm nhà tạm cho 3 hộ/16 khẩu, cấp 600 kg gạo hỗ trợ cứu đói cho nhân dân. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình còn quyên góp gần 90 triệu đồng để ủng hộ đồng bào lũ lụt”. Người dân miền Trung không đơn độc. Những chiến sĩ BĐBP cùng người dân cả nước vẫn luôn sát cánh cùng miền Trung ruột thịt, để làm ấm lại lòng người sau lũ, để cùng hướng tới một ngày mai tươi sáng hơn. Lê Thu Hà

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/xa-hoi/phong-chong-thien-tai-cuu-ho-cuu-nan/thuong-ve-ron-lu/40020.039080.html