Thượng tọa Thích Thanh Huân:"Một hạt gạo là con ngươi trong mắt"

(Tin tức thời sự) - "Có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, đấy là do cái phúc của mình có, nên mình phải biết tiết. Nó giống như bình nước có chứa nhiều nước đến bao nhiêu đi chăng nữa nhưng bị rò rỉ thì cũng hao tổn, hết nước trong bình mà thôi", Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.

Việt Nam lãng phí điện gấp 6 lần thế giới Bánh kẹo, chuối, xôi...chứng minh sự lãng phí của người Việt

Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Quan niệm của đạo Phật có đề cập tới vấn đề phải làm sao để bảo vệ môi sinh, môi trường. Và quan trọng là tiết kiệm trong vấn đề tiêu thụ lương thực, thực phẩm bởi “Lương thực là ngọc thực”.

Vấn đề căn bản là: tất cả các của cải vật chất của mình thì nên tiết kiệm, khi sử dụng, phân chia, phân bổ sao cho hợp lý nhất, như vậy kinh tế gia đình mới được vững vàng.

Thượng tọa Thích Thanh Huân

Thêm vào đó, của cải vật chất là do chính mồ hôi công sức của ta làm ra ta càng phải biết trân quý. Tiết kiệm là một đức tính tốt cần phải được vun bồi.

Hơn nữa, trong Kinh Phật có rất nhiều bài hướng dẫn người dân nói chung về việc tiêu thụ sản phẩm trong kinh tế gia đình sao cho hợp lý để không lãng phí tiền của.

PV: - Việc người dân không những có đủ lương thực để ăn, ngoài ra còn có cả đồ để bỏ đi, có phải minh chứng cho đời sống của người Việt đã được nâng cao nên mới dẫn đến thừa thãi, lãng phí? Đây là dấu hiệu nên mừng hay nên vui, thưa thầy?

Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Chúng ta phải nhìn vào thực tế, hiện nay, người dân Việt có thói quen với nếp sống không tiết kiệm, không biết trân quý "ngọc thực".

Nói chung trong văn hóa của mình không biết tiết kiệm sản phẩm của cải vật chất. Nhiều khi đi ra ngoài ăn uống thể hiện mình là người không thích những thứ vụn vặt, nên gọi thức ăn thì phải thật nhiều sau đó không ăn hết rồi đổ đi, đó là lãng phí, chứ không phải đời sống được nâng cao.

Gần đây, thì có một số người ý thức được nên ăn không hết thì gói mang về, cho đỡ phí phạm.

Theo đạo Phật, có điều kiện kinh tế tốt là đáng quý, nhưng vì thế mà lãng phí đồ ăn, thức uống do lao động có được là không hay. Đặc biệt, những dịp Lễ, Tết, mua sắm thì nhiều, ăn thì ít, cho nên ăn không hết là đúng.

Chính vì vậy, theo tôi dù có khá giả dẫn đến lãng phí cũng không phải là dấu hiệu đáng mừng. Phải tập làm sao tiết kiệm được cả đồ ăn, tiêu dùng, nói chung trong mọi thức, đấy mới là những điều Phật dạy.

PV: - Cứ vào đầu năm, các Phật tử thường đi đến các chùa chiền để xin đức Phật ban cho cả năm được đầy đủ, ấm no. Thế nhưng, khi vượt qua sự đầy đủ đến mức dư dả thì lại lãng phí. Thưa thầy, chúng ta phải lý giải ra sao về việc này?

Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Nói về tâm nguyện cầu mong thì ai cũng vậy, bất kì ở đâu, nơi đền, phủ, thờ thánh, thần linh, tổ tiên, chùa chiền, người dân đều mong muốn được hộ trì cho được no đủ.

Vì trong tâm thức của người Việt đến đâu cũng cầu mong được mạnh khỏe, an lành, đầy đủ.

Nhưng trái ngược lại, trong cuộc sống không biết tiết kiệm. Cứ nhìn ra các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, nền kinh tế khá như vậy nhưng người dân chi dùng rất vừa phải không để lãng phí.

Có thể nói, đến giọt nước còn không lãng phí, người dân tiết kiệm từ tài nguyên thiên nhiên cho đến môi trường xung quanh, cho tới thực phẩm, ý thức tiết kiệm trong cuộc sống rất điều hòa, điều này rất quan trọng. Chính vì vậy, mà đất nước họ mới ngày càng đi lên, phát triển mạnh mẽ.

PV: - Được biết, người Phật tử luôn được giáo dục truyền thống không được phép lãng phí lương thực và phải hết sức trân trọng đối với lương thực dù giàu có, dư ăn. Thưa thầy, tại sao chúng ta có cả những giáo dục truyền thống cụ thể như vậy, mà người Việt vẫn lãng phí, có phải vì họ chưa tiếp thu hay việc giáo dục tư tưởng chưa tốt?

Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Theo tôi, đây là giáo dục toàn dân, từ môi trường, gia đình, bố mẹ, ông bà đều có trách nhiệm giáo dục con em mình khi còn nhỏ.

Lúc 2 đến 3 tuổi, từ khi biết nghe, biết nói, cho đến các trường lớp mẫu giáo, tiểu học, suốt quá trình tiếp thu kiến thức trong quá tình giáo dục, tùy theo độ tuổi mà giáo dục nhân cách, đạo đức, trách nhiệm tiết kiệm về tiêu dùng, thời gian, sức lực của mình.

Có nghĩa là trong suốt quá trình nhỏ đến lớn đến trưởng thành, thậm chí còn cần giáo dục cho tuổi già.

Ở chùa chúng tôi cũng có những buổi giảng, đề cập đến vấn đề tiết kiệm trong cuộc sống, trong tiêu dùng gọi là "Tiết Phúc" của mình để giảng giải cho Phật tử.

Đồ ăn lãng phí vứt bừa bãi

Có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, đấy là do cái phúc của mình có, nên mình phải biết tiết kiệm. Nó giống như bình nước có chứa nhiều nước đến bao nhiêu đi chăng nữa nhưng bị rò rỉ thì cũng hao tổn, hết nước trong bình mà thôi.

Phúc của mình cũng vậy nếu không biết tiết sẽ lãng phí một chút phúc dần dần đi hết lúc nào không biết.

Hơn nữa, việc này chính là bà con biết cách tiết cái duyên, cái phúc của mình, hướng cho lớp trẻ các cháu ngồi nghe kinh phật, thường xuyên hướng dẫn các cháu tiếc đồ ăn thức uống hàng ngày.

Tiết kiệm từng mẩu giấy, mẩu phấn, gia đình tiết kiệm điện, nước. Hướng cho quần chúng các cháu nói chung dùng hai từ tiết kiệm cho đúng nghĩa.

Nhưng một số bộ phận vẫn còn lãng phí, cũng bởi vì một ngôi chùa không thể phổ cập được hết cả, ở trong chùa giáo dục nhưng toàn xã hội chưa được lưu tâm vì thế nên cộng đồng hướng được đến đâu thì hay đến đó thôi. Nhưng phải cố gắng làm sao để cái giáo dục tiết kiệm nó là tổng thể toàn dân, toàn hệ thống giáo dục của xã hội, hơn nữa lan rộng đến hệ thống ban ngành, như Hội phụ nữ, Hội thanh niên...

Theo tôi, điểm mấu chốt quan trọng là nên đưa giáo dục ý thức tiết kiệm vào hệ thống giáo dục toàn dân để các cháu nhỏ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học bậc mẫu giáo, tiểu học đã có ý thức tiết kiệm. Đó là góp phần hình thành nhân cách cho trẻ từ khi còn nhỏ và tạo thành những con người chuẩn mực cho xã hội.

PV: - Nhìn nhận ở một góc độ khác, ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chưa dám nghĩ đến ăn no mà chỉ cần đủ, thì có những vùng phát triển như thành thị, đồ ăn được vứt bừa bãi, phung phí. Nghịch cảnh này có đáng đau lòng không, thưa thầy?

Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Trong hệ thống giáo dục của mình, trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, công giáo đều phải quan tâm giáo dục ý thức tiết kiệm.

Một quốc gia, một gia đình có mạnh hay không, có ổn định hay không là do xã hội, quốc gia, toàn dân đều có ý thức tiêu pha, sử dụng về mọi mặt như: lương thực, thực phẩm, gia dụng, quần áo ..v..v...

Nếu không đất nước không mạnh được, mỗi công dân có ý thức thì sẽ giữ gìn, phát triển được, mỗi gia đình có ý thức sẽ gom góp được, cộng đồng có ý thức sẽ tích lũy được, dư thừa thì giúp đỡ cho người nghèo. Đúng là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, thiếu lương thực, thiếu gạo, thiếu nhiều lắm.

Với những gì đang phung phí, chúng ta có thể đi làm từ thiện giúp đỡ được biết bao con người, lại còn để phúc cho con cháu sau này: "Tích phúc, tích đức". Chúng ta không thể hình dung ra được, hàng năm lãng phí, lương thực, thực phẩm khắp các nơi của người có điều kiện cũng lên tơi hàng chục tỷ đồng.

PV: - Thầy có lời khuyên răn nào dành cho những người cũng có tên trong Hội đồng Phật tử, đang lãng phí hàng ngày?

Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Trong Kinh Phật, các vị Thầy, các vị Tổ, cũng đã răn dạy, tiết Duyên cũng là tiết phúc, chân quý cái Duyên, cái Phúc của mình để đừng lãng phí, thì sẽ không mất đi cái Duyên, cái Phúc.

Ở chùa coi chúng tôi luôn coi một hạt gạo như là con ngươi mắt, không được lãng phí dù chỉ một hạt gạo, người trong chùa ăn cơm xong phải tráng nước để không còn hột cơm nào trong bát.

Có nghĩa là lấy nước lọc tráng uống hết để không lãng phí từ cơm đến thức ăn. Khi rửa bát cũng không lãng phí nước, rồi nhiều điều nữa, tiết kiệm từng tí một, tích lũy từng chút một trong cuộc sống.

Thanh Huyền

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thuong-toa-thich-thanh-huanmot-hat-gao-la-con-nguoi-trong-mat-3000901/