Thương hiệu Việt và chiến lược “Đại dương xanh”

86 triệu dân, dân số vàng ở độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm 60%, tăng trưởng bán lẻ 30%/năm, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hàng đầu thế giới. Không cần phải mất sức để cạnh tranh, đấm đánh đâu xa, chỉ cần cày tốt trên mảnh đất sân nhà cũng có thể sống tốt.

Tiềm năng tại thị trường nội địa quá rõ! Tuy nhiên, vì lệch pha trong bước phát triển so với phần lớn các nước trên thế giới (nước ngoài: đầu tư phát triển mạnh ở nội địa mới xuất khẩu ra nước ngoài, còn Việt Nam thì ngược lại), nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù buôn bán giỏi ở bên ngoài lại đang gặp nhiều khó khăn khi tìm cách kinh doanh tại quê nhà. Và việc quay lại sân nhà cũng là con đường tất yếu đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Các tập đoàn kinh tế, nhà bán lẻ thế giới đi trước đón đầu, ùn ùn kéo vào Việt Nam canh tác trên mảnh đất nội địa màu mỡ và họ đã có được chỗ đứng trên thị trường Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh khai thác tại thị trường nội địa; doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu quay lại thị trường nội địa. Từ đây, mảnh đất tại thị trường nội địa trở nên có giá và cuộc chiến cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Chọn cách “ăn thịt” nhau, cá lớn nuốt cá bé hay chọn đường đi riêng để tồn tại? Chiến lược kinh doanh “Đại dương đỏ” của ông vua về chiến lược kinh doanh Michael Porter và chiến lược “Đại dương xanh” của 2 chiến lược gia tiếp thị W.Chan Kim và Reneé Mauborgne được xem là 2 chiến lược kinh doanh tiêu biểu nhất để doanh nghiệp lựa chọn. Thực tế, 2 chiến lược kinh doanh này không đối lập nhau. Tuy nhiên, hiệu quả thành công của việc tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh mang lại ấn tượng lớn. Và “Đại dương xanh” đang được xem là chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất hiện nay. Và điều này đã mang lại thành công cho nhiều thương hiệu Việt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vụt sáng khiến những đối thủ cạnh tranh tên tuổi sừng sỏ của thế giới phải thèm thuồng! Một điển hình tiêu biểu nhất ở thị trường nước uống chính là sự thành công của Công ty Tân Hiệp Phát với sản phẩm trà xanh O°. Nếu Tân Hiệp Phát chọn sản xuất sản phẩm nước ngọt có gas chắc chắn không bao giờ sống nổi với những “ông lớn” như CocaCola, Pepsi. Nhưng ngược lại, với việc làm mưa làm gió trên thị trường trong nước hiện nay, trà xanh O° đã làm cho CocaCola, Pepsi phải đau đầu về thị phần. Tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh cùng loại sản phẩm, nghiên cứu và tận dụng tốt văn hóa tiêu dùng của người dân Á Đông, thuốc đông y Kim tiền thảo của Công ty Dược phẩm OPC cũng đã rất thành công trong tiêu thụ dùng chữa bệnh thận, hiện là một sản phẩm cạnh tranh đối với các loại thuốc trị thận tây y. Và cuộc lật đổ ngoạn mục của dệt Thái Tuấn ở thị trường vải áo dài trắng cho học sinh cách đây hơn 10 năm vẫn là bài học cạnh tranh đắt giá với các doanh nghiệp dệt trong nước. Thời đó, nhiều doanh nghiệp dệt lớn đang hoan hỉ thắng lớn với vải trắng trơn, đột nhiên vải gấm Thái Tuấn xuất hiện. Áo dài trắng may bằng vải gấm tràn ngập trường học cả nước trong năm học đó. Vải gấm Thái Tuấn đã hạ “đo ván” loại vải trắng trơn của các doanh nghiệp dệt khác và đứng vững đến ngày hôm nay. Hà Nhai

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhte/2010/10/239084/