Thương hiệu Vasco có được tính khi góp vốn vào SkyViet?

'Không thể nói Vasco hay SkyViet có giá trị thương hiệu Vietnam Airlines san sẻ cho để mà mang đi góp vốn được'.

Máy bay ATR72 hiện đang do Vasco khai thác không thuộc tài sản góp vốn vào SkyViet

Máy bay ATR72 hiện đang do Vasco khai thác không thuộc tài sản góp vốn vào SkyViet

Vietnam Airlines góp gì vào SkyViet?

Trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines và các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương và Công ty CP phát triển dự án Techcomdeveloper đã hoàn thành việc thành lập doanh nghiệp với tên gọi Công ty CP Hàng không SkyViet, vốn điều lệ 300 tỷ đồng (phù hợp với mức vốn pháp định đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa).

Liên quan đến việc định giá tài sản góp vốn, ông Minh cho biết, theo quy định khi góp vốn thành lập công ty cổ phần, các cổ đông phải thực hiện định giá tài sản góp vốn và thống nhất về kết quả định giá.

Cũng theo ông Minh, Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư tàu bay ATR72 và động cơ dự phòng tàu bay ATR72 (Vietnam Airlines sẽ cho thuê lại đội bay ATR71-500, mạng bay hiện Vasco đang khai thác cũng không thuộc tài sản góp vốn, khi chính thức đi vào hoạt động, SkyViet phải triển khai các thủ tục để được khai thác các đường bay theo đúng quy định). Các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt. Giá trị tài sản góp vốn được định giá bởi Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính VN (VVFC) là công ty thẩm định giá có uy tín, chuyên nghiệp, được Bộ Tài chính cho phép.

Được biết ngày 20/1, VVFC đã phát hành Chứng thư thẩm định giá công bố giá trị tài sản của Vietnam Airlines tại Vasco là 99,248 tỷ đồng. Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là 53,7 tỷ đồng. Giá trị tài sản góp vốn sẽ được VVFC cập nhật và xác định lại tại thời điểm chính thức bàn giao tài sản góp vốn.

Có cần xác định giá trị thương hiệu Vasco khi góp vốn?

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có một số ý kiến cho rằng, cần tính đúng, tính đủ cả giá trị thương hiệu của Vasco khi góp vốn thành lập SkyViet. Trên thực tế, trong Chứng thư thẩm định giá mà VVFC công bố, cũng không tính tới vấn đề này.

Cụ thể, theo VVFC, Vasco là một đơn vị hạch toán phụ thuộc Vietnam Airlines, do đó các chi phí phát sinh về giá trị thương hiệu được thừa hưởng từ thương hiệu của Vietnam Airlines mà không thể tách riêng. Mặc khác, nếu xác định giá trị thương hiệu của Vietnam Airlines để phân bổ cho Vasco góp vốn tạo pháp nhân mới mà pháp nhân mới chưa khẳng định được việc kế thừa thương hiệu Vietnam Airlines, Vasco hay một thương hiệu khác sẽ dẫn đến bất cập cho kết quả thẩm định giá. Vì vậy, không có cơ sở để xác định giá trị thương hiệu.

Nếu được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung, SkyViet sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như: Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên... Các đường bay này có ý nghĩa phát triển chính trị, KT-XH của địa phương và hiệu quả kinh tế của đề án đã được tính toán phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh: “Không thể nói Vasco hay SkyViet có giá trị thương hiệu Vietnam Airlines san sẻ cho để mà mang đi góp vốn được. Chứng thư thẩm định giá cũng khẳng định không có cơ sở nào để xác định”.

“Về câu chuyện giá trị thương hiệu, trong quá trình cổ phần hóa Vietnam Airlines đã ghi rất rõ đây là sản phẩm giá trị tích lũy từ marketing, quảng cáo, đào tạo… Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống đó nằm ở Vietnam Airlines, Vasco không có. Về người lái, kỹ sư kỹ thuật, Vietnam Airlines cam kết trong vòng 24 - 36 tháng sẽ rút hết. Giá trị cốt lõi là lực lượng lao động sẽ rút về Vietnam Airlines, vậy giá trị thương hiệu của Vasco còn gì?”, ông Minh phân tích.

Bổ sung thêm việc xác định giá trị doanh nghiệp khi góp vốn, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán của Vietnam Airlines khẳng định, quá trình xác định giá trị DN khi góp vốn được thực hiện hết sức minh bạch. “Thậm chí, khi đàm phán chúng tôi yêu cầu DN mới phải nhận đủ lại toàn bộ kho phụ tùng, kể cả những cái chưa chắc họ đã cần dùng trong khi bình thường khi đàm phán họ chỉ nhận cái họ cần, không nhận đủ”, ông Hiền nói thêm.

Cũng về vấn đề giá trị thương hiệu, ông Hoàng Văn Thu, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nói: “Với DN Nhà nước hiện chưa có quy định nào về việc xác định thương hiệu này cả khi xác định giá trị tài sản. Hay nói cách khác, theo pháp luật thì đây không bắt buộc”.

“Ở góc độ hồ sơ và quy định của pháp luật hiện nay, hồ sơ của Vietnam Airlines góp vốn cho SkyViet hoàn toàn phù hợp. Việc xác định giá trị tài sản như nội dung thẩm định giá để đăng ký góp vốn là không có gì sai”, ông Thu khẳng định và cho biết thêm, VVFC là công ty được Bộ Tài chính cấp phép. Các thẩm định viên ký trong chứng thư đều đã được cấp giấy phép hành nghề.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thuong-hieu-vasco-co-duoc-tinh-khi-gop-von-vao-skyviet-d161180.html