Thương hiệu túi cao cấp định nghĩa lại “làm theo yêu cầu”

Bằng cách “kết hôn” với công nghệ cao, 1Atelier kỳ vọng sẽ xác định lại thời trang bespoke (hàng thửa độc bản) trong thời đại số.

Ngày nay, thời trang bespoke (hàng thửa độc bản, hay còn gọi là hàng may đo, sản phẩm làm theo yêu cầu) là hình ảnh thu nhỏ của sự sang trọng. Như Savile Row ở London, nơi mọi người trả hàng ngàn USD cho một vest được may chính xác theo theo yêu cầu và vóc dáng người mặc, hay các cửa hàng ở Milan, Paris, nơi phụ nữ say mê áo cưới độc đáo làm tay.

100 năm trước, quần áo may đo là bình thường. Manhattan có nhiều cửa hàng nhỏ nơi gia đình trung lưu có thể đặt quần may đo hay túi khâu tay bởi các chuyên gia, nghệ nhân, thợ thủ công. Dần dần, điều này bị thay thế bằng các công ty may mặc sản xuất hàng loạt mang lại giá bán rẻ hơn.

Nay, 1Atelier, startup ở Manhattan, đang định nghĩa lại thời trang may đo thời kỹ thuật số, kết hợp giữa thủ công truyền thống và công nghệ hiện đại một cách duyên dáng.

Trong cửa tiệm của 1Atelier, trên bàn bày đầy bu-lông và các loại da cao cấp. Bạn có thể quan sát thợ thủ công lành nghề làm ra mọi thứ với các vật liệu, như túi da (satchel), ví cầm tay, túi hobo (cỡ lớn, hơi cong hình lưỡi liềm, dáng hơi thả)… Mỗi chiếc đều được làm chính xác theo yêu cầu của khách và phù hợp với vóc dáng, phong cách của họ.

Trước đây, khách hàng cần đến tận nơi để đặt, nhưng với 1Atelier, họ có thể thực hiện qua mạng. Trang web của công ty cho phép khách hàng lựa chọn phong cách, màu sắc, kết cấu, cho đến khi ra được bản phác thảo tương đối hoàn chỉnh về sản phẩm trong mơ của họ. Tùy theo từng yêu cầu mà sản phẩm có giá 295 USD cho tới 8.400 USD, đặt 1Atelier thuộc nhóm dưới trong phân khúc túi sang trọng. Nhưng không giống Chanel hay Céline có thể mất 6 tháng hoặc hơn để giao một món hàng theo yêu cầu, sản phẩm của 1Atelier sẽ đến tay khách hàng trong vòng 21 ngày.

Tất cả nhờ vào công nghệ, từ các công cụ tùy biến trên trang web cho tới hệ thống xử lý làm cho chuỗi cung ứng và mô hình sản xuất hiệu quả. Logo của công ty cũng phản ánh điều này: số 1 được bao quanh bởi vòng tròn như biểu tượng “bật nguồn” (power-on).

Ba nhà sáng lập 1Atelier (từ trái sang): Anthony Luciano, Stephanie Sarka và Frank Zambrelli

CEO Stephanie Sarka đồng sáng lập nên 1Atelier vào năm ngoái, cùng với hai nhân vật nhiều kinh nghiệm trong làng thời trang, Frank Zambrelli và Anthony Luciano. Cô tin rằng có cơ hội nằm trong thị trường phụ kiện cao cấp theo yêu cầu, có giá trị khoảng 47 tỷ USD toàn thế giới. Theo báo cáo của Wall Street Journal năm 2015, 56% khách hàng nhóm cao cấp cho hay theo yêu cầu là nhu cầu quan trọng với họ. Nghiên cứu của Deloitte cho thấy: 36% muốn sản phẩm “cá nhân hóa” trong trải nghiệm mua sắm hàng ngày của mình. Zambrelli, người đã làm việc tại Chanel, Coach, và Judith Leiber trước khi tham gia sáng lập 1Atelier, nói: “Chúng ta đang được bao quanh bởi văn hóa khuyến khích tùy chỉnh mọi thứ, từ trang Facebook cho tới màu sắc điện thoại. Ngành công nghiệp sang trọng cũng không thể tránh khỏi xu hướng đó.”

Các nhà thiết kế biết điều đó và cố gắng pha “tùy chọn” vào trong sản phẩm của mình. Giờ hoàn toàn có thể phá cách đồ Louis Vuitton hay Gucci bằng họa tiết, phụ kiện đính lên theo sở thích, như ong, hoa, hổ… Có thể chọn gót, màu sắc và vật liệu cho đôi giày gót nhọn cổ điển của Manolo Blahnik. Jimmy Choo cung cấp một bộ sưu những phụ kiện đính lên giày hoặc ví.

Tuy nhiên, Zambrelli cho rằng đây mới chỉ là món khai vị, chứ không phải một bữa ăn “tùy chọn” thực thụ.

Cung cấp một trải nghiệm hoàn toàn theo yêu cầu, nơi khách hàng có thể can thiệp vào quá trình thiết kế, là một thách thức cho các thương hiệu lớn có chuỗi cung ứng và sản xuất ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, năm 2011, Burberry cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng thay đổi mọi khía cạnh của chiếc áo khoác đặc trưng, từ vải tới màu sắc, với giá chừng 1.800-8.800 USD. Nhưng dịch này đã không thể làm ra lợi nhuận, Burberry lặng lẽ đóng cửa vào năm 2015 và tung ra một giải pháp đơn giản hơn: Scarf Bar, nơi người mua sắm có thể chỉnh một vài chi tiết với khăn trong mức giá 475-995 USD.

Sarka và Zambrelli đã tiến hành nghiên cứu tất cả những trường hợp này. Sarka thừa nhận rất khó mở rộng quy mô sản phẩm làm theo yêu cầu, trừ khi bạn chỉ mở một cửa hàng làm thủ công. Đó là lúc công nghệ ra tay.

Theo nghiên cứu của họ, nhiều phụ nữ cảm thấy “hoa mắt”, “không thể đưa ra quyết định” khi có quá nhiều lựa chọn. Vì vậy, họ quyết định đưa ra một danh mục lựa chọn phong phú song không “áp đảo” khách hàng.

Đầu tiên, người mua bắt đầu lựa chọn 9 mẫu túi dựa trên hình dạng túi xách cổ điển: satchel (túi da xách tay), top zip clutch (ví khóa kéo), clutch (ví cầm tay), sadle, mini sadle, carry all (túi xách cỡ lớn), hobo, tote, wristlet (túi xách cầm tay có dây đeo quấn quanh cổ tay). Sau đó lựa chọn loại da, màu sắc, viền, phần cứng, tay cầm (bên phải màn hình). Tất cả sẽ được hiện lên trên hình phác thảo xuất hiện bên trái màn hình sau mỗi lựa chọn. Họ cũng có sẵn một số mẫu túi cho khách tham khảo để giúp khách có lựa chọn hài hòa và hợp thời trang.

Một khi đã hoàn tất đơn đặt và chiếc túi được đưa vào làm, 1Atelier sẽ giúp khách hàng tham gia vào quá trình thông qua email gửi tới mỗi ngày, kèm hình ảnh chụp lại công đoạn đang làm.

Về mặt xử lý thông tin, Sarka tập hợp dữ liệu người dùng, bao gồm nhân khẩu học, mẫu túi phổ biến, thời gian trung bình để làm một chiếc túi/ví, để từ đó cải thiện trải nghiệm người dùng, như đưa ra gợi ý sát nhất với chiếc túi trong hình dung của họ.

Trong khâu sản xuất, 1Atelier sử dụng phần mềm logistic để các khâu được diễn ra tuần tự, ăn nhịp và chính xác. Khi được nhận đơn đặt, nhóm sẽ biết chính xác vật liệu cần dùng, bao nhiêu giờ để hoàn thành. Sau khi đơn được tổng hợp, công ty sẽ đặt hàng từ những nguồn cung đảm bảo ở Ý và Pháp, nhờ mối quan hệ của Zambrelli trong ngành công nghiệp túi cao cấp và các xưởng thuộc da châu Âu để có được nhận trong vòng 48 giờ. Các đơn cũng được ghép với nhau để giảm thiểu thời gian thực hiện. Chẳng hạn, nếu có hai khách hàng cùng đặt một loại da đen, thì những người thợ có thể cắt da cùng một lúc.

Vậy ai quan tâm đến những chiếc túi xách tay này? Một nhóm người tiêu dùng đặc biệt, thích thú các sản phẩm cao cấp, có thu nhập khá, trả giá hào phóng cho những sản phẩm không có tên Hermès hay Louis Vuitton. “Đó là những phụ nữ đã mua túi xách Chanel và không còn muốn là biển quảng cáo cho thương hiệu này nữa”, Sarka nói. Facebook và Google giúp công ty kết nối với những vị khách này. Chưa đầy một năm, công ty đã bán được hàng trăm túi, 25% khách hàng quay lại để mua thêm ít nhất một chiếc nữa.

Đó là sự khởi đầu đầy hứa hẹn. Nhưng doanh nghiệp không thể bền vững nếu 1Atelier không thể duy trì được chi phí thấp. Nhiều thương hiệu cao cấp khác quản lý chi phí bằng cách hợp nhất sản xuất ở những nhà máy lớn, 1Atelier làm túi tại chỗ trong một xưởng khá nhỏ. Theo Zambrelli, điều này cho phép công ty tính phí thấp hơn 30% so với các thương hiệu khác. Zambrelli nói đó là tính bền vững bẩm sinh: không mất phí cho kho hàng, không mất phí để vật liệu, không mất phí cho sản phẩm không tiêu thụ được… Không có rác thải, không làm nên bãi rác.

Các nhà sáng lập tự tin vẫn duy trì được điều này ngay cả khi 1Atelier phát triển hơn. Sarka cho hay: Nhiều khách hàng phản hồi là chúng tôi nên tăng kích cỡ logo trên túi. Đó là dấu hiệu cho thấy mọi người công nhận chúng tôi đang làm điều đúng đắn.

Xem thêm:

Cẩn trọng để không bị mắc lừa khi mua túi da cũ

Cà phê đồ da: một góc đam mê cho giới trẻ Hà thành

Chơi mô tô phải đóng bộ áo da đúng kiểu

Bảo quản đồ da thật luôn như mới

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/thuong-hieu-tui-cao-cap-dinh-nghia-lai-%e2%80%9clam-theo-yeu-cau%e2%80%9d