Thượng đỉnh G7 'vật lộn' với thiếu vắng tinh hoa Mỹ

Sự chuẩn bị của Italy trong việc tổ chức các cuộc họp của nhóm G7 năm nay đang gặp nhiều trở ngại do tiến trình chuyển giao chậm chạp tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Sự chuẩn bị của Italy trong việc tổ chức các cuộc họp của nhóm G7 năm nay đang gặp nhiều trở ngại do tiến trình chuyển giao chậm chạp tại Bộ Ngoại giao Mỹ - điều đã gây ra sự chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định, các nguồn tin ngoại giao của châu Âu cho biết

Italy sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay giữa các nguyên thủ và mục tiêu của thượng đỉnh được đưa ra trong tuần này dường như đã đặt Rome vào một cuộc xung đột với Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng cách thúc đẩy các chủ đề nhạy cảm như biến đổi khí hậu, thương mại tự do và các sáng kiến nhập cư.

Các bộ trưởng ngoại giao G7 sẽ gặp nhau tại Tuscany từ ngày 10 - ngày 11/4 để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh của các nguyên thủ G7 ở Sicily vào cuối tháng 5.

Trì trệ ngoại giao bất thường

Tuy nhiên, các quan chức, những người chia sẻ thông tin với điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề, cho biết các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận về tuyên bố và chiến lược trước thời điểm diễn ra các hội nghị G7- tiến trình ngoại giao thông thường của nhóm G7 trước cuộc họp - đã đi chậm lại.

Những mối quan ngại trước mắt đặt ra với Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi tân Ngoại trưởng Rex Tillerson còn bỏ trống nhiều vị trí, đang được xem là rất quan trọng đối với việc soạn thảo các hiệp định của hội nghị thượng đỉnh.

Sự thiếu vắng nhân sự trong Bộ Ngoại giao Mỹ đang khiến tiến trình chuẩn bị cho G7 chậm lại. (Nguồn: Reuters)

"Rất khó để nói chuyện với ai đó có thể đưa ra câu trả lời thẳng thắn do những người phụ trách chỉ đang tạm quyền và thậm chí họ không phải là quan chức cao cấp", một quan chức cao cấp của chính phủ Italy có liên quan đến hoạt động ngoại giao G7 nói.

Nhà Trắng vẫn chưa đề cử ứng cử viên cho hai phó Ngoại trưởng, cấp dưới của ông Tillerson. Tiếp nối sự trống vắng này, cả sáu văn phòng khu vực của Bộ Ngoại giao Mỹ đều do các trợ lý ngoại giao của tiểu bang chỉ đạo, trong khi ông Trump vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Italy hay Vatican.

"Điều này đã khiến chúng tôi rất khó để chuẩn bị cho cuộc họp," quan chức chính phủ này nói thêm.

Một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng một số vị trí vẫn chưa được lấp đầy, nhưng nói rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc họp G7 thành công.

"Chúng tôi tiếp tục có một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, có khả năng làm việc tại các vị trí chủ chốt và đang làm việc chặt chẽ với các đối tác của G7, bao gồm các đối tác Italy", viên chức này nói.

Một nhà ngoại giao khác ở châu Âu cũng tham gia vào các hoạt động của G7 cho biết người đứng đầu các bộ phận trong Bộ Ngoại giao là rất quan trọng để có thúc đẩy sự thông qua của chương trình nghị sự, lập kế hoạch và diễn đạt chính xác các tuyên bố chính sách.

Ông nói, "Chúng tôi không còn biết tìm ai để nói chuyện nữa, và điều này làm chậm lại mọi thứ", ông nói, và cho biết thêm rằng bất kỳ đề án đầy tham vọng nào cũng phải gặp khó khăn.

Một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU cũng cho biết: "Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, rất khó để làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc lên kế hoạch và chúng tôi vẫn đang học cách làm việc đó".

Đi ngược chiều gió

Ông Raffaele Trombetta, một nhà ngoại giao cấp cao Italy dẫn đầu cuộc thảo luận về G7, tuần này cho biết châu Phi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự tại Italy và bảy nhà lãnh đạo châu Phi đã được mời tham gia các cuộc hội đàm ở Sicily.

Tuy nhiên, theo một dấu hiệu cho thấy Rome đã hạ thấp kỳ vọng vào sự kiện năm nay, chính phủ Italy dường như không thể khởi động bất kỳ sáng kiến tài trợ lớn nào vào thời điểm ông Trump đang tìm kiếm để giảm bớt viện trợ nước ngoài của Mỹ.

"Thông thường, G7 dành tiền cho một vấn đề đặc biệt, nhưng lần này thì không có ý gì để làm. Đó không chỉ là do người Mỹ, và người Nhật cũng không muốn", nguồn tin của chính phủ Italy nói.

Ông Trombetta nói "sự tin cậy" là khẩu hiệu của các tổng thống - sự tin tưởng giữa các chính phủ, giữa công dân, và giữa các quốc gia. Hiện tại, "cũng cần phải có sự tin tưởng mới giữa các nhà lãnh đạo sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh", ông nói, Thủ tướng của nước Anh và Italy cũng như các tổng thống Pháp và Mỹ sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 lần này.

Các nhà lãnh đạo EU đang lo ngại Trump có thể làm suy yếu 70 năm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ và đã bị báo động bởi những lời chỉ trích của ông về NATO, sự ủng hộ của ông về chủ nghĩa bảo hộ thương mại, việc ông bác bỏ các chính sách về thay đổi khí hậu, và chống lại những người di cư.

Nhằm chống lại làn gió ngược này, ông Trombetta cho biết Italy muốn G7 khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 – văn bản đã yêu cầu các nước phải kiềm chế sự nóng lên toàn cầu – điều các cố vấn cao cấp Nhà Trắng kêu gọi Trump từ bỏ.

Ông Trombetta nói rằng Rome cũng mong muốn có một cam kết "chống lại mọi hình thức bảo hộ". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng điều này có thể khó thực hiện khi Mỹ tháng này đã đi ngược truyền thống về thúc đẩy mở cửa thương mại trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Đức.

Ông nói: "Đó là một vấn đề chính trị cấp cao, tôi mong đợi nó sẽ được các nhà lãnh đạo đề cập, và sẽ được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh Taormina ... Đây sẽ là một trong những điểm chính căng thẳng trong nhiệm kỳ chủ tịch của chúng tôi.

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni sẽ tới Mỹ vào tháng tới, một phần để tìm hiểu quan điểm của ông Trump về chương trình G7 trước Hội nghị thượng đỉnh Sicily. Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang đến gần trong khi chưa có một tín hiệu rõ ràng nào được đưa ra. Là chuyến thăm châu Âu đầu tiên được lên kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức, sự kiện này cũng làm rõ thêm những chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump về những chủ đề quan trọng.

(Theo Reuters)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/thuong-dinh-g7-vat-lon-voi-thieu-vang-tinh-hoa-my-233654.html