Thưởng còn là nghệ thuật!

Đằng sau việc tập trung chuyển bị chuyên môn, làm công tác tâm lý, nghiên cứu đối thủ để giành HCV tại SEA Games 29, liều doping tinh thần mang tên “tiền thưởng” cũng đang được ngành thể thao đặc biệt chú ý để giúp các tuyển thủ thực sự thăng hoa trên đất Malaysia những ngày tới đây.

Những hình thức khen thưởng kịp thời, thích hợp luôn mang ý nghĩa động viên lớn tới các VĐV. Ảnh: TTXVN

Với 1 tấm HCV giành được ở SEA Games, dù mức tiền thưởng chưa đủ nhiều để các VĐV “đổi đời” nhưng chắc chắn, nó sẽ giúp họ cải thiện đáng kể thu nhập trong năm và hiện thực hóa được những giấc mơ của riêng mình hay cả của gia đình.

VĐV - Ai ai cũng thích tiền thưởng

Không nhiều người biết rằng, đằng sau phút giây tự hào và xúc động trên bục vinh quang, sau sự lấp lánh ánh hào quang của mỗi tấm huy chương là những nỗi nhọc nhằn của mỗi tuyển thủ. Trong hành trình đến với mỗi tấm huy chương dù bất cứ ở giải đấu nào từ trong nước cho đến quốc tế là biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu đã đổ xuống sàn tập. Và cũng không nhiều người biết rằng, đằng sau khoảnh khắc vinh quang ngắn ngủi ấy, không ít những nhà vô địch khu vực, châu lục và thế giới lại trở về với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và nỗi nhọc nhằn mưu sinh.

Vì thế, trong suốt nghiệp “quần đùi, áo số” với khoản thu nhập ít ỏi hàng tháng chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống thường nhật, dù không ai thẳng thắn nói ra nhưng chắc chắn tiền thưởng luôn là một động lực quan trọng để VĐV phấn đấu giành huy chương, đặc biệt ở các đại hội thể thao lớn. Bởi tiền thưởng là khoản thu nhập tăng thêm, nó san sẻ cho gánh nặng cơm áo, nó tiếp sức cho những giấc mơ ngoài sàn đấu khi đời VĐV vốn ngắn ngủi và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nói một cách khác, tiền thưởng cho mỗi tấm huy chương cũng giống như một khoản “tiết kiệm” cho tương lai và ai cũng cần đến nó.

Dưới góc nhìn về xã hội, điều này chẳng có gì sai bởi nó là một trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo cho VĐV thể thao có thể sống được bằng nghề và yên tâm cống hiến tuổi trẻ, sức lực cho chuỗi ngày dài tập luyện, thi đấu. Tiền thưởng được ví như liều “doping tinh thần” và cũng không là ngoại lệ ở những nền thể thao chuyên nghiệp trên khắp thế giới.

Tiền thưởng là… tất cả

Những con số thống kê tạm thời lúc này cho thấy, nếu giành được 1 HCV cá nhân tại SEA Games 29, 1 tuyển thủ của đoàn TTVN sẽ nhận được ít nhất 55 triệu đồng (gồm 10 triệu đồng thưởng nóng và 45 triệu đồng theo quy định của nhà nước). Số tiền này tương đương với khoản thu nhập trong gần hơn năm của 1 tuyển thủ quốc gia với mức tiền công tập luyện là 150 nghìn đồng/người/ngày theo Quyết định 32/2011/QĐ-TTg của Chính phủ và nó sẽ giúp các VĐV giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến… tiền trong cuộc sống.

Trong những năm qua, có thể được nghe, được nhìn thấy và được chứng kiến những câu chuyện đầy cảm động liên quan đến chuyện sử dụng tiền thưởng giá trị vài chục triệu đồng của các VĐV. Tiền thưởng có thể là khoản tiền để đóng học phí nhằm theo đuổi giấc mơ đại học của đô vật Nguyễn Thị Lụa. Tiền thưởng cũng có thể là phần hỗ trợ thuốc thang cho bố chữa bệnh như trường hợp của VĐV nhảy cao Bùi Thị Thu Thảo. Hoặc tiền thưởng cũng có thể quy đổi thành chiếc TV cho bố mẹ vì cả đời chưa biết đến cái màn hình phẳng là như thế nào với gia đình của cung thủ Lộc Thị Đào. Nếu nhiều hơn một chút, tiền thưởng cũng có thể trở thành gạch, sắt, xi măng để góp phần xây nhà cho bố mẹ được ở tốt hơn như với cô gái vàng Phan Thị Hà Thanh ở môn thể dục. Hoặc tiền thưởng là khoản đầu tư cho tương lai để tiếp tục gắn bó với nghiệp thể thao như trường hợp mở phòng tập của lực sỹ khuyết tật Lê Văn Công ở môn cử tạ…

Và có lẽ ngay ở kỳ SEA Games 29 tới đây, sẽ vẫn còn rất nhiều câu chuyện cảm động liên quan tới tiền thưởng tiếp tục xuất hiện và không sai khi nói rằng: Tiền thưởng là tất cả với mỗi tuyển thủ.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho thể thao còn nhiều khó khăn, để mức tiền thưởng cho mỗi tuyển thủ của đoàn TTVN được nâng cao tại mỗi kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn thực sự rất cần tới sự chung tay của toàn xã hội và sự năng động của chính ngành thể thao trong việc kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Trước thềm SEA Games 29, quỹ thưởng nóng của đoàn TTVN cũng đã kêu gọi được hơn 2 tỷ đồng tiền mặt và con số này vẫn chưa thực sự dừng lại nếu như việc đàm phán với các đối tác thành công.

Vũ Lê

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/the-thao/thuong-con-la-nghe-thuat-n20170810001807710.htm