Thương binh Nguyễn Cao Chí - Anh hùng lao động Thời kỳ đổi mới

Sau ngày nghỉ hưu, ngoài việc đọc sách báo, vui với điền viên cây cảnh, thương binh Nguyễn Cao Chí vẫn cống hiến cho địa phương nhiều ý tưởng trong xây dựng NTM ở phường Thượng Cát.

Thương binh Nguyễn Cao Chí - Anh hùng lao động Thời kỳ đổi mới đứng trước Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh tại khuôn viên gia đình.

Anh là một con người có cái tên khai sinh nghe thật mạnh mẽ: Nguyễn Cao Chí và điều này được cảm nhận rõ rệt hơn khi tiếp xúc với anh. Ở anh có một ý chí, nghị lực và tầm nhìn, niềm tin càng mạnh mẽ hơn trong sâu thẳm của tâm hồn. Anh không thích nói về mình nhưng lại rất say mê khi kể về những thành công nho nhỏ ở một huyện ngoại thành; trong đó có công sức đóng góp của bản thân anh.

Vâng, con người đó chính là Nguyễn Cao Chí, người chiến sỹ đặc công năm xưa, thương binh hạng 2/4 và là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ( nay là quận Bắc Từ Liêm) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động Thời kỳ đổi mới của Thủ đô, năm 2008.

Gặp anh tại công sở trước đây đã nhiều lần. Nhưng lần này, tôi tìm đến và gặp anh tại nhà riêng vào một buổi chiều với cái nắng mùa thu nhẹ êm tháng 10 năm 2016. Đương nhiên là không phải trao đổi về công việc.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp lại, anh vẫn là một con người nhanh nhẹn, cởi mở với ánh mắt đầy thân thiện. Tuy ở độ tuổi 66 - 67, nhưng vóc giáng anh trẻ trung tràn đầy nhựa sống, thể hiện dồi dào sức lực và trí tuệ. Nhân dịp kỷ niệm 62 năm giải phóng Thủ đô và 72 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2016, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhân vật Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới của Thủ đô!...

… Một thời đạn bom

Anh sinh ngày 22 tháng 9 năm 1949, tại thôn Đông Ba, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội (nay là quận Bắc Từ Liêm). Tháng 9 năm 1968, anh nhập ngũ, đơn vị của Anh trong quân đội là Tiểu đoàn 8, bộ đội đặc công, trực thuộc Bộ Tư lệnh đặc công. Đến tháng 9 năm 1969 đơn vị Anh vào Nam chiến đấu.

Kỷ niệm trọng đại nhất trong cuộc đời người lính mà anh nhớ mãi là sau một năm hành quân từ Bắc vào Nam và trong trận đánh tháng 9 năm 1970, trận chiến thử lửa của lính đặc công, anh được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận.

Như vậy, con số 9 đối với Anh như một kỷ niệm cho sự lớn mạnh và trưởng thành: Quả thực như vậy, anh sinh vào tháng 9 năm 1949; nhập ngũ tháng 9 năm 1968; vào Nam chiến đấu tháng 9 năm 1969 và tháng 9 năm 1970, anh được kết nạp Đảng tại trận địa.

Trong cuộc Tổng tiến công năm 1972, đơn vị anh được lệnh đánh chiếm căn cứ huấn luyện biệt kích Đồng Tre, tỉnh Phú Yên. Trong chiến dịch đó anh bị thương. Đơn vị anh, Đại đội C 202, được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân năm 1971. Bản thân cá nhân Nguyễn Cao Chí 3 lần được tặng danh hiệu: Dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe cơ giới và dũng sỹ quyết thắng.

Trong 2 năm 1970 và 1971, anh là chiến sỹ thi đua của tỉnh Phú Yên. Kết thúc một thời trong quân ngũ, anh được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba và Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác.... Với thương tật 71% (thương binh 2/4), năm 1974, anh chuyển ngành về công tác tại phòng Tài chính huyện Từ Liêm.

Trở về với đời thường, anh không ngừng phấn đấu rèn luyện trong học tập và công tác. Chính bằng sự nỗ lực phấn đấu, phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ mà ở bất cứ cương vị công tác nào anh đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Từ một người lính chuyển ngành, anh phấn đấu và lần lượt được đề bạt làm phó phòng Tài chính, rồi trưởng phòng Tài chính của huyện Từ Liêm. Với khả năng chuyên môn sắc bén, làm việc có hiệu quả. Năm 1998, anh chuyển từ Trưởng phòng Tài chính sang giữ cương vị Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm. Một năm sau, năm 1999, anh chính thức trở thành phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm.

Là một cán bộ có năng lực, do vậy, ở cương vị nào thương binh Nguyễn Cao Chí vẫn mạnh dạn đổi mới tổ chức hoạt động bằng những quy định cụ thể về lề lối làm việc. Là một cán bộ năng động, do vậy những suy nghĩ của anh đề ra đều được tập thể lãnh đạo đồng tình, biến thành chương trình hành động và triển khai thực hiện dần từng việc hiệu quả.

Bằng công sức đóng góp không mệt mỏi của anh, huyện Từ Liêm trước đây chỉ là huyện ngoại thành trung bình nhanh chóng vươn lên trở thành huyện dẫn đầu Thành phố Hà Nội về mọi mặt. Trong đó, nổi bật nhất trong chỉ đạo thực hiện của Từ Liêm là công tác GPMB được Thành phố đánh giá rất cao. Nội bộ lãnh đạo đoàn kết là yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Từ Liêm lúc bấy giờ năm sau luôn cao hơn năm trước, văn hóa – xã hội không ngừng được phát huy, trật tự xã hội và an ninh chính trị được giữ vững.

Chỉ riêng về công tác giải phòng mặt bằng, huyện Từ Liêm ngày ấy (nay là quận Bắc Từ Liêm) đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Từ Liêm còn được tặng thưởng 4 Huân chương lao động từ hạnh Nhất, Nhì và Ba.

Đặc biệt hơn, huyện Từ Liêm lúc đó còn vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội toàn diện. Huyện liên tục 8 năm liền được nhận cờ thi đua của Chính phủ; 2 năm liền nhận cờ thi đua xuất sắc của Thành phố. Năm 2005, huyện Từ Liêm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới.

Thay cho lời kết

Cùng với thành tích chung mà Đảng và Nhà nước khen tặng cho tập thể huyện Từ Liêm. Bản thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Cao Chí, thương binh hạng 2/4 là người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển toàn diện cả chính trị, kinh tế và xã hội của huyện.

Trong 10 năm lãnh đạo ở cương Chủ tịch UBND huyện (liên tục 2 khóa); Anh đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; Chiến sỹ thi đua Toàn quốc năm 2005; 10 năm liền là chiến sỹ thi đua cấp thành phố và được bầu chọn là Chủ tịch huyện có thành tích Quản lý giỏi. Bằng khen 20 năm là công dân lao động giỏi Thủ đô và 40 bằng khen của các cấp.

Đặc biệt, ngày 19 tháng 6 năm 2008, một vinh dự to lớn, thương binh - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm nguyễn Cao Chí được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động Thời kỳ đổi mới.

Anh Nguyễn Cao Chí cùng gia đình và đồng đội thăm lại Chiến trường xưa.

Bên cạnh những thành tích và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển; đưa huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) từ một huyện trung bình về mọi mặt trở thành huyện dẫn đầu của Thủ đô nhiều năm.

Vinh dự cá nhân anh một phần không thể không nhắc đến là tổ ấm hạnh phúc của gia đình. Đó là người vợ đảm đang, con cái chăm ngoan và thành đạt. Cả 3 người con của Anh (2 trai, một gái) đều có trình độ Thạc sỹ kinh tế. Hiện nay, một cháu đang làm là Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm. Bản thân Anh cũng là Thạc sỹ kinh tế…

Trở về với cuộc sống đời thường sau ngày nghỉ hưu, ngoài việc đọc sách báo, vui với điền viên cây cảnh, anh vẫn tiếp tục cống hiến cho địa phương nhiều ý tưởng sáng tạo trong xây dựng NTM ở phường Thượng Cát. Anh tâm sự: Dù ở hoàn cảnh và điều kiện sống như thế nào thì bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn cần phải phát huy. Chúng tôi hy vọng rằng, anh Nguyễn Cao Chí, sẽ mãi mãi gìn giữ cho đóa hoa Anh hùng lao động Thời kỳ đổi mới trong vườn hoa tỏa sáng cùng với vườn hoa của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến...

Hiện nay, anh đã xây dựng cho riêng mình một không gian bảo tàng. Theo anh, bảo tàng chỉ trưng bày các kỷ vật về đời lính, kỷ vật thời bao cấp của bạn bè, đồng đội đã sống, cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước hôm nay như hình ảnh mà chúng tôi đã ghi lại.

Thanh Bình/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/thuong-binh-nguyen-cao-chi-anh-hung-lao-dong-thoi-ky-doi-moi-p42154.html