Thương binh nặng báo công dâng Bác

QĐND - Ngày 10-7, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, 120 thương binh, bệnh binh nặng thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cùng người thân, gia đình và cán bộ, nhân viên của trung tâm đã làm lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kính yêu Bác Hồ, vâng lời Bác dạy trở thành lẽ sống và chiến đấu của nhiều thương binh nặng, nhưng có người trong số họ, đây là lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác.

QĐND - Ngày 10-7, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, 120 thương binh, bệnh binh nặng thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cùng người thân, gia đình và cán bộ, nhân viên của trung tâm đã làm lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kính yêu Bác Hồ, vâng lời Bác dạy trở thành lẽ sống và chiến đấu của nhiều thương binh nặng, nhưng có người trong số họ, đây là lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác.

Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Quảng trường Ba Đình, nắng vàng óng mật. Chúng tôi len lỏi trong đoàn người để tìm những góc ảnh, ghi lại những hình ảnh đẹp nhất của những thương binh. Qua ống kính máy ảnh, tôi thấy ánh sáng lung linh phản chiếu từ những bộ huân chương dưới nắng hè. Những bộ quân phục còn mới mà các cụ, các bác thương binh nặng để dành mặc viếng Bác hôm nay là quà tặng của đồng chí Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi về thăm trung tâm năm 2011. Có bộ quân phục còn nguyên nếp gấp, gương mặt ai cũng hân hoan và lộ rõ "chất lính" phong trần dày dạn, tuy nhiên với nhiều người nó không thể vừa vặn được, vì nhiều ống tay, ống chân thiếu rỗng, phơ phất trong gió. Mắt tôi nhòa lệ. Tôi giơ máy ảnh, nhá điểm lấy độ nét vào cổ áo họ - vùng tương phản cao giữa màu da người và màu quân phục. Chiếc máy ảnh liên tục kêu lên “tin tít” báo lỗi, tiếng động cơ lấy độ nét lạo xạo, không chịu bắt nét. Tôi hướng ống kính thẳng vào gương mặt các thương binh, nơi tôi nhiều lần muốn lẩn tránh. Điểm nét của ống kính sáng đỏ, cửa chập lật mở. Nhỏ bé khiêm nhường mà sừng sững uy linh trên quảng trường lộng gió.

Các thương binh của Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Duy Tiên trên đường đến thăm Lăng Bác.

Đã bao lần tôi lẩn tránh gương mặt của cha tôi, một thương binh hỏng cả hai mắt. Đôi kính đen phủ lên gương mặt ông hai hố đen sâu thẳm. Ông bước ra cuộc chiến với thương tật 91%, mọi sinh hoạt đều cần người thân giúp đỡ. Trong ký ức tuổi thơ sâu thẳm của tôi, hình ảnh người cha hỏng mắt ngồi khoanh chân trên giường ôm cây đàn măng-đô-lin khoan nhặt phát ra những âm thanh buồn bã, rời rạc là một hình ảnh buồn, đè nặng lên tâm trí. Cả chuyện thời bao cấp, có một thứ “đặc sản” là nhà vệ sinh công cộng, đó là nơi mẹ tôi, tôi và em tôi thường phải đứng chờ ông... Hình ảnh này cứ ám ảnh tôi suốt thời thơ ấu, nó đã từng là nỗi bức bối, khó chịu của riêng tôi. Thế nhưng, lớn lên một chút, hiểu một chút về những mất mát của cha và đồng đội, tôi thấy lòng nhẹ nhõm.

Hôm nay, sau bao năm cuộc sống cuốn đi, tôi lại gặp những đôi kính đen đó, bộ quân phục đó, dáng đi dò dẫm đó... kỷ niệm bỗng ùa về ngập hồn tôi. Tôi giữ vai một em học sinh quàng khăn đỏ đang làm “cây gậy” cho một thương binh bị hỏng mắt. Em tên là Lê Tiến Thế, là một trong nhiều con, cháu của những thương binh nặng đang điều dưỡng tại Duy Tiên. Em kể rằng, vẫn cùng những bạn Quang, bạn Thắng giúp đỡ các ông, các bác, các chú thương binh theo cách này, đó là chuyện thường ngày ở trung tâm điều dưỡng. Chuyện chiến tranh các em chưa được nghe nhiều nhưng cũng đủ để hiểu rằng, thương binh là người có công với đất nước, là những người đã hy sinh tuổi thanh xuân và nhiều phần thân thể cho độc lập tự do của Tổ quốc. Các em thấy tự hào khi được giúp đỡ thương binh. Tôi thấy gương mặt của những người thương binh đang đứng xung quanh chợt rạng rỡ khi nghe những lời nói chân thật đó.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Đào bị thương sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Một quả đạn pháo còn sót lại trên chiến trường phát nổ khi ông cùng đồng đội thu nhặt tử sĩ. Đôi mắt ông mất đi ánh sáng từ khi đó. Cô du kích Phạm Thị Minh Thao mất đôi tay ở tuổi hai mươi trong một trận công đồn trong kháng chiến chống Pháp năm xưa, nay đã trở thành bà thương binh. Cựu chiến binh Trần Đức Giang bị đạn địch bắn trúng xương sống khiến ông bị liệt nửa người... còn nhiều thương binh nữa có hoàn cảnh rất thương tâm không bút nào kể xiết. Tất cả họ lặng lẽ, trang nghiêm hướng vào nơi đặt di hài Bác - Người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang, Người là chỗ dựa tinh thần vững chắc để những con người bất khuất trước mặt tôi đây xông pha trăm trận. Tôi đã nghe trong tim họ nức nở báo công dâng Bác về chiến công của họ và cả đồng đội họ - những người đã hóa vào cây xanh đất đai trên khắp các chiến trường.

Cha tôi mất đi đôi mắt, có thời gian ông suy sụp, nhiều lần muốn tự vẫn. Những tháng ngày nằm ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ông bỗng nghe tiếng cười của một người đồng đội có chất giọng Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Người thương binh này bị đạn pháo tiện đứt tứ chi, mảnh đạn còn vô tình vạt đi một nửa khuôn mặt ông. Ông “sờ” đứa con trai đầu lòng bằng nửa đôi môi còn sót lại. Ông cười vì “thấy” con giống mình. Sự lạc quan của người thương binh này đã "cứu sống" cha tôi. Sau này tôi đã có lần được cùng cha đi gặp người thương binh lạc quan đó, ông tên là Vũ Đình Phơn, nhà ở đảo Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông Phơn có 4 người con, đã trưởng thành.

Các thương binh nặng báo công dâng Bác.

Gặp nhiều thương binh, chứng kiến không ít gia đình, con cái họ thành đạt, tôi có một suy nghĩ rằng hầu hết con, cháu đều được hưởng cái gen can đảm, cái phẩm chất tận trung tận hiếu của người chiến sĩ. Phải chăng đó là chất men xúc tác cho sự thành đạt của con em thương binh, bộ đội sau này? Và nếu điều ấy là sự thật thì đó là một diễm phúc "lớp cha trước lớp con sau" của đất nước mình.

Tháp tùng các cụ, các bác thương binh hôm ấy, tôi gặp giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Duy Tiên Nguyễn Sỹ Lương. Vốn là một sĩ quan quân đội nhiều triển vọng đang công tác ở Trường Đại học Chính trị (ngày ấy là Sĩ quan Chính trị - Quân sự), không hiểu nguyên cớ gì mà Nguyễn Sỹ Lương một mực xin chuyển ngành để về trung tâm điều dưỡng thương binh. Hơn mười năm qua anh đã gắn bó và để lại tình cảm tốt đẹp với các thương binh nặng lúc đầu là Thuận Thành (Bắc Ninh), bây giờ là Duy Tiên. Nói về điều kiện hiện tại, anh cười vui cho biết, khó khăn của trung tâm thì vẫn còn nhiều, song sự nhiệt tình, lòng yêu mến, tâm huyết với công việc của toàn thể cán bộ, nhân viên trung tâm đã giúp san bằng những khó khăn trở ngại này. Thêm nữa là sự động viên cả về tinh thần lẫn vật chất của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Anh nói chậm, rành rẽ từng từ: “Đến giờ tôi có thể khẳng định, mọi bữa ăn, giấc ngủ của thương binh đang được điều dưỡng tại trung tâm đều được chăm lo chu đáo”. Tôi được biết thêm về phương châm hoạt động của trung tâm là phải thể hiện được tình cảm gia đình giữa mọi người. Tình cảm gia đình đó khiến việc chăm sóc giữa cán bộ, nhân viên với thương binh trở nên thật ý nghĩa. Tình cảm gia đình này đã trở thành truyền thống của trung tâm hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều gia đình nhỏ đã được ươm mầm từ gia đình lớn. Lòng kính trọng, tình thương mến, nghĩa thủy chung đã được nhiều nhân viên điều dưỡng của trung tâm thể hiện bằng “mối tình trăm năm” với thương binh nặng. Tình yêu đó quả có sức lan tỏa mạnh mẽ, để rồi nhiều người dân sống quanh trung tâm cũng có hành động tương tự.

Tôi được biết những gia đình “dễ thương” như vậy, đó là các gia đình của thương binh Nguyễn Văn Lục, vợ chồng Nguyễn Thị Mai - Chu Văn Liên, Lê Tiến Lợi - Nguyễn Thị Bình, Trần Đức Giang - Nguyễn Thị Chung... Đến giờ, trong ánh mắt người thương binh nặng Trần Đức Giang còn long lanh tình yêu khi nhớ lại buổi giao lưu với chi đoàn thanh niên xã mấy chục năm về trước. Cô gái Nguyễn Thị Chung đã nặng lòng yêu thương anh ở tuổi 19. Tôi háo hức hỏi chuyện tình của họ, ông Giang chỉ cười dí dỏm nói rằng, “Cô ấy bảo thương mình. Mà thương là yêu rồi nhỉ...”. Ông Giang bị thương từ năm 1970 phải ngồi xe lăn từ bấy đến giờ. Lúc về điều dưỡng tại trung tâm, chiến sĩ thương binh nặng Trần Đức Giang mới chỉ 22 tuổi. Anh đã tưởng mất tất cả, nhưng đâu ngờ sau đó hai năm anh lại có được một gia đình riêng. Rồi gia đình bên ngoại (ở ngay gần trung tâm) cắt đất cho hai vợ chồng ra ở riêng. Để rồi ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng son trẻ cứ ngày ngày bát ngát niềm vui. Đến nay, người con trai đầu của hai vợ chồng người thương binh nặng Trần Đức Giang - Nguyễn Thị Chung là anh Trần Đức Nghiệp đã 40 tuổi, có con cháu đuề huề. Đúng là một sự tiếp nối thế hệ diệu kỳ trên mảnh đất thân yêu hình chữ S. Tôi nghĩ, có được sự tiếp nối bất diệt ấy, ngoài sự quan tâm chăm sóc thương binh của toàn xã hội, thì trời cũng đã động lòng thương họ. "Đạo trời" đã đứng về phía thiện nhân để cứu giúp, bù đắp cho những người xả thân vì nghĩa lớn!

Bài và ảnh: Lê Đông Hà

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/197577/Default.aspx