Thuốc Việt

Ngày 29/10, Đoàn kiểm tra liên ngành do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã khảo sát việc này tại Bộ Y tế và một số cơ sở y tế. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở y tế chủ yếu kê đơn thuốc ngoại cho người bệnh, còn thuốc bào chế trong nước vẫn chưa được chú trọng, trong khi nguồn thảo dược Việt Nam hết sức dồi dào.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc - Viện Dược liệu.

Thật đáng chú ý khi Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, chỉ có 11/24 BV Trung ương được lãnh đạo bệnh viện quan tâm chỉ đạo, xây dựng một số chính sách cụ thể cho việc ưu tiên dùng thuốc nội.

Nói như Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Phạm Công Tạc thì vị trí của Bộ Y tế rất quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Với nhiều quốc gia khi tranh cử, người ta “lại” đưa chuyện sức khỏe người dân vào chương trình tranh cử.

Ông Tạc cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng người dân không thể lúc nào cũng biết được mình sẽ dùng thuốc gì trong y tế, cái đó hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thầy thuốc.

Quả là giữa cái sống và cái chết, thầy thuốc bảo sao chẳng phải nghe. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nói, đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc.

Mua xe hơi thì có thể dễ, nhưng mua thuốc thì khó. Người Việt mua thuốc Việt tùy thuộc vào thầy thuốc. Người bệnh không nghe người bán hàng, mà nghe thầy thuốc. Y tế là ngành đặc thù, là ngành chữa bệnh cứu người, vì thế vấn đề “chỉ” cho người dân mua thuốc gì là hết sức quan trọng.

Ngành y tế nước ta hoàn toàn có thể tự hào về mình. Từ thuở xa xưa, những danh y của Việt Nam như Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đã nức tiếng gần xa.

Thiên hạ cũng bái phục trước những ông lang, bà lang, trước những bài thuốc gia truyền và mẹo chữa bệnh độc đáo của người Việt Nam ta.

Sau này, thời hiện đại, dù trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nhưng Y học Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu to lớn, trong nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn rất sâu.

Các bác sĩ mổ tim, ghép tạng, chữa bỏng, chữa bệnh dại, thụ tinh nhân tạo Việt Nam được thế giới thừa nhận. Ngay đến châm cứu, Việt Nam cũng không thua kém ai. GS BS Nguyễn Tài Thu với mấy cây kim đã đi khắp năm châu bốn biển, làm rạng danh nền Y học Việt Nam.

Việt Nam cũng từng được thế giới biết đến là nơi có nguồn thảo dược dồi dào. Trong khắp các cánh rừng Việt Nam, kể cả chốn thôn dã đồng bằng, cũng có nhiều cây làm thuốc.

Nói một cách hình ảnh thì người Việt Nam “sống trên núi thuốc”. Nhưng cũng thật buồn là ngành bào chế thuốc của ta chưa phát triển tương xứng với những gì thiên nhiên hào phóng ban tặng.

Không chỉ những loại thuốc đặc biệt mà ngay cả những thứ thuốc chữa bệnh thông thường cũng lại nhập ngoại, khá hơn một chút thì liên doanh sản xuất.

Tâm lý vọng ngoại đã đành khiến người ta tìm đến thuốc ngoại (kể cả mang tiền ra ngoại quốc chữa bệnh), nhưng quan ngại hơn là việc kê đơn của thầy thuốc: kê quá nhiều loại thuốc đồng thời lại rất thích kê thuốc ngoại, còn thì thờ ơ với thuốc nội- trong khi thuốc nội nào có kém cạnh gì.

Tâm lý vọng ngoại đã có ngay ở những vị “lương y như từ mẫu” thì làm sao có thể tạo thành thói quen dùng thuốc ngoại trong người dân cho được.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, điều đó rất đúng. Trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh điều đó lại càng cần hơn. Từ chỗ sính ngoại, coi thường thuốc sản xuất trong nước, đến việc coi thường cả Y học dân tộc- cách nghĩ, cách hành xử như vậy là không đúng đắn.

Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đến một lúc nào đó thảo dược của Việt Nam bị nước ngoài mua hết, bào chế ra thuốc rồi quay ngược lại bán cho người Việt. Và, ngành Dược của đất nước sẽ teo tóp dần.

Đã đến lúc phải nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt; các thầy thuốc phải tin vào thuốc Việt. Chỉ có như vậy chúng ta mới có một nền Y Dược thật sự vững mạnh.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/thuoc-viet/131238