'Thuốc' nào 'chữa dứt căn bệnh' ngập lụt ở Hà Nội?

Thời gian gần đây, những trận mưa kéo dài khiến nhiều con đường, tuyến phố Hà Nội ngập sâu trong nước, giao thông ách tắc. Đáng nói, tình trạng cứ mưa là ngập đã diễn ra suốt nhiều năm bất chấp những nỗ lực 'giải cứu' của các cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, để chữa trị tận gốc 'căn bệnh' ngập lụt ở Hà Nội, trước hết các nhà quản lý cần sớm khắc phục tình trạng phát triển đô thị tùy tiện, thiếu quy hoạch như hiện nay.

Cách đây không lâu, những trận mưa lớn kéo dài như ngày 13/6, 19/6… đã khiến nhiều cung đường ở Thủ đô Hà Nội ngập lụt nghiêm trọng. Một số trục đường mới như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng… nước dâng tràn như sông khiến ôtô, xe máy qua lại hết sức khó khăn, gây ức chế lớn cho người dân. Thậm chí, nhiều điểm ở các trục đường trên, nước dâng tới cả yên xe, xe đang lưu thông trên phố bị chết máy hàng loạt.

Đô thị mới cũng bì bõm sau mưa

Có một thực trạng đáng buồn là, tình trạng ngập úng tương tự cũng xảy ra tại nhiều khu đô thị, cao ốc mới – những khu vực được đánh giá là đầu tư xây dựng với công nghệ và hệ thống tiêu thoát nước hiện đại. Minh chứng dễ thấy nhất là khu dự án cao cấp Keangnam, theo đó, từ khi triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, khu dự án 72 tầng này luôn được xếp vào hàng hiện đại nhất Thủ đô nhưng sau mỗi trận mưa, hình ảnh hàng chục ô tô chết máy la liệt ở đoạn đường thuộc khu dự án cũng đã trở nên không mấy xa lạ với người dân.

Mới đây nhất, sau trận mưa kéo dài, dân cư khu Keangnam phải lội nước bì bõm đi làm. Mưa tạnh, trời hửng nắng, đoạn đường nằm sát khu chung cư – cửa ngõ ra vào của người dân vẫn chìm trong biển nước với độ ngập sâu hơn 60cm. Tương tự, các khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội… cũng là “điểm đen” về úng ngập. Khu đô thị Dương Nội là một trong những “điểm nóng” về ngập lụt mỗi khi mùa mưa về, nước rút chậm thậm chí 3, 4 ngày sau nước mới rút hết.

Dẫn như vậy để thấy, hệ thống hồ điều hòa và hạ tầng thoát nước ở nhiều khu đô thị mới đang tồn tại nhiều điểm bất cập, hoạt động kém hiệu quả. Vậy phải chăng, cơ sở hạ tầng ở các đô thị chưa được phát triển tương xứng với mức độ gia tăng dân số nên không đáp ứng nhu cầu phát triển?

Theo một đại diện của Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hiện trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chỉnh trang đô thị, dự án xây dựng lớn... ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước của TP Hà Nội. Ví dụ như khu vực công viên hồ điều hòa Nhân Chính; hồ điều hòa Phùng Khoang (Thanh Xuân); Dự án cống nối thông hồ Đầu Băng - hồ Vục - hồ Tư Đình (Long Biên)… làm mất không gian thoát nước của thành phố.

Dù đơn vị cấp thoát nước đã phối hợp, yêu cầu các nhà thầu ký cam kết có phương án đảm bảo dẫn dòng khi úng ngập xảy ra, nhưng nhiều đơn vị không thực hiện khiến mỗi khi xảy ra mưa lớn, công tác tiêu thoát nước ở các khu trên luôn trong cảnh bị động.

Nhìn nhận ở góc cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, việc các đô thị thường chịu cảnh úng lụt còn bởi yếu tố chủ quan. Vấn đề biến đổi khí hậu hoặc chưa được cân nhắc, lồng ghép triệt để trong quy hoạch phát triển đô thị, hoặc việc thực hiện quy hoạch không tốt, từ đó làm giảm khả năng chống chịu của các thành phố, đồng thời làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu.

“Sống chung” với úng ngập?

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong mùa mưa bão năm 2017, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa theo vùng và trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hàng năm, trong đó các tháng cao điểm có xu hướng tăng dần, từ 5% đến 10%. Trong khi đó, Sở Xây dựng thống kê, chỉ với các trận mưa từ 50mm/2 giờ đến 100mm/2 giờ, trên địa bàn thành phố đã xảy ra khoảng 18 điểm úng ngập, trong đó có 13 điểm cố hữu…

Để giảm thiểu tình trạng úng ngập của Hà Nội, ngay từ đầu năm các ban ngành chức năng đã thực hiện hàng loạt giải pháp khá tích cực như: đưa vào vận hành một số trạm bơm tiêu mới và huy động người, phương tiện ứng trực tiêu thoát nước; lập đường dây nóng tiếp nhận các sự cố liên quan đến thoát nước mùa mưa; kiểm tra, xử lý các công trình, tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ tiêu thoát nước… Theo tìm hiểu, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3 vùng tiêu chính gồm: tả Đáy, hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Tuy nhiên, các nguồn góp phần tiêu thoát nước chính trên lại thường xuyên chịu cảnh ách tắc vì rêu rác và đất mùn bồi lắng.

Để giải quyết triệt để ngập úng ở Hà Nội bên cạnh các giải pháp ngắn hạn như mở rộng kênh mương, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước… các đơn vị quản lý cần sớm xử lý phần “gốc” là thắt chặt công tác quy hoạch phát triển hạ tầng. Về lâu dài, thời gian tới Hà Nội cần sớm đào thêm hệ thống các hồ điều hòa, kết nối đồng bộ hạ tầng thoát nước để nâng cao năng lực tiêu thoát, xây dựng trung tâm điều hành chống ngập và hệ thống quan trắc, cảnh báo.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm 2017 sẽ phức tạp khó lường. Do ảnh hưởng của El Nino, dự báo mùa mưa bão năm 2017 sẽ đến sớm, số lượng có khoảng 13-15 cơn bão trên biển Đông, nhiều hơn trung bình nhiều năm. Dự báo mùa lũ năm 2017 trên các sông ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn. Đỉnh lũ trên các sông Bắc Bộ phổ biến nhỏ hơn trung bình các năm. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2016.

Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/thuoc-nao-chua-dut-can-benh-ngap-lut-o-ha-noi-344286.html