Thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (NTTN) là một bệnh lý rất thường gặp và số nữ giới mắc phải nhiều hơn nam giới. NTTN thƯờng do vi khuẩn gây ra và tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào của hệ tiết niệu như: thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân:

Nguyên nhân chủ yếu (chiếm 75 - 90%) gây ra NTTN là do vi khuẩn Eschericiae coli (E coli) sống ở đường tiêu hóa, từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo lên bàng quang, thận, gây ra NTTN. Ngoài ra, các loại vi khuẩn khác như: Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus, Mycobacterium tuberculosis…, nấm Candida albicans cũng là những tác nhân gây ra NTTN.

Các yếu tố nguy cơ:

Giới tính: phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới nên thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn. Vì vậy, nữ giới thường có nguy cơ cao mắc bệnh NTTN hơn nam giới.

Tuổi tác: người cao tuổi (> 65tuổi) thường có nguy cơ cao bị NTTN.

Hoạt động tình dục: hoạt động tình dục nhiều, đặc biệt là khi có bạn tình mới, sẽ góp phần đưa vi khuẩn xâm nhập niệu đạo gây ra NTTN.

Bệnh lý: một số bệnh lý như đái tháo đường, phì đại tiền liệt tuyến, sỏi thận tiểu không tự chủ… cũng làm gia tăng nguy cơ NTTN.

Ngoài ra, người bệnh bị bí tiểu phải dùng ống thông tiểu, người đang sử dụng chất diệt tinh trùng để tránh thai, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay mãn kinh... là những yếu tố nguy cơ gây ra NTTN.

Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới nên thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn

Triệu chứng:

Viêm đường tiết niệu thường gây ra các triệu chứng sau:

- Đi tiểu buốt, nóng rát.

- Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần.

- Đau ở vùng bụng dưới.

- Sốt.

- Nước tiểu đục, có mùi hôi và đôi khi có máu…

Biến chứng:

Trong một số trường hợp, NTTN nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng viêm thận - bể thận, hẹp niệu đạo, nhiễm trùng máu…

Thuốc điều trị

Thuốc kháng sinh: trong điều trị NTTN những loại thuốc kháng sinh sau đây thường được khuyến cáo chọn lựa:

- Trimethoprim / sulfamethoxazole: sự kết hợp của hai loại kháng sinh có tác dụng hiệp đồng, giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn.

- Fosfomycin: một kháng sinh dẫn xuất từ axít fosfonic có phổ kháng khuẩn rộng.

- Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid) là dẫn chất nitrofuran có tác dụng kháng khuẩn đường tiết niệu.

- Nhóm thuốc beta-lactamin: Amoxicillin kết hợp với axít clavulanic, ceftriaxone…

- Nhóm thuốc quinolone: Levofloxacin, ciprofloxacin…

- Nhóm thuốc macrolid: Clarithromycin, azithromycin…

- Nhóm thuốc cyclin: Doxycyclin…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện nay nhiều loại thuốc kháng sinh đã bị đề kháng. Để xác định loại thuốc kháng sinh không bị đề kháng, có độ nhạy cảm cao nhất với các vi khuẩn gây ra NTTN, nên tiến hành làm kháng sinh đồ.

Thuốc giảm đau, hạ sốt: (paracetamol, aspirin) và các thuốc kháng viêm NSAID (ibuprofene, diclophenac…) thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng đau, sốt ở người NTTN.

Việc sử dụng các thuốc trên (đặc biệt là với các thuốc kháng sinh), người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc, tránh tự ý ngừng thuốc, vì sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm và nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Bên cạnh việc dùng thuốc, do NTTN là bệnh lý thường hay tái phát nên việc phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng! Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Cần uống nhiều nước mỗi ngày để giúp bàng quang lọc sạch các vi khuẩn.

- Tập thói quen lau giấy vệ sinh từ trước ra sau.

- Đi tiểu ngay khi có nhu cầu, không nên nín tiểu.

- Sau khi giao hợp, nên tập thói quen đi tiểu để đẩy vi khuẩn ra ngoài.

- Không mặc quần bó chặt, tốt nhất nên dùng chất liệu vải tự nhiên thay cho sợi tổng hợp.

- Tránh dùng nhiều các thức uống kích thích như: bia, rượu, cà phê...

DS. MAI XUÂN DŨNG

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-nhiem-trung-duong-tiet-nieu-n124379.html