Thực trạng sạt lở ở ĐBSCL và giải pháp xử lý

Trước tình trạng sạt lở tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp nói riêng đang diễn ra rất phức tạp, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất một số giải pháp xử lý.

Hiện nay, tình trạng sạt lở tại vùng ĐBSCL nói chung, 2 tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đang diễn ra rất phức tạp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong vùng có 393 khu vực ven sông bị sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở gần 600km, sạt lở xâm lấn sâu vào trong bờ sông từ 1-20m/năm, hàng năm khu vực này bị sạt lở trung bình 500ha đất. Riêng tỉnh An Giang, từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 1.224m, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản khác; tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 4 vụ sạt lở với chiều dài 210m, chỉ còn cách QL30 gần nhất là 15m, phải di dời khẩn cấp 32 hộ dân cùng 1 đài nước và trụ sở HTX nông nghiệp Bình Hòa.

Theo số liệu quan trắc tỉnh An Giang, hiện có 51 đoạn với chiều dài khoảng 162km nằm trong vùng cảnh báo sạt lở, gây ảnh hưởng đến khoảng 2 vạn hộ dân, trong đó có 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở; tỉnh Đồng Tháp, có 4.077 hộ nằm trong vùng cảnh báo sạt lở, trong đó có 2.290 hộ dân khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.

Tình trạng sạt lở tại vùng ĐBSCL đang diễn ra rất phức tạp.

Trước tình hình khẩn cấp nêu trên, các địa phương trong vùng đã chủ động tập trung khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực nên các địa phương (trong đó có 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn cấp hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở và xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân; đồng thời phê duyệt Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2 kéo dài; về hỗ trợ kinh phí, tỉnh An Giang đề nghị hỗ trợ 116 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp đề nghị hỗ trợ 82,56 tỷ đồng.

Trên cơ sở thực trạng sạt lở hiện nay và các quy định pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất một số giải pháp xử lý như sau:

Về việc khắc phục sạt lở và di dời chỗ ở cho người dân, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của các địa phương trong vùng (trong đó có An Giang và Đồng Tháp) về chủ trương đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư để di dời các hộ dân tại khu vực bị sạt lở, bảo đảm cuộc sống ổn định, lâu dài. Các địa phương cần rà soát nhu cầu cụ thể về chỗ ở của người dân khu vực bị sạt lở và chủ động bố trí vốn trong cân đối ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư này theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trường hợp địa phương còn lô nền trống trong các cụm tuyến dân cư được đầu tư xây dựng theo các Quyết định 173/2001/QĐ-TTg và 1151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phải rà soát để bố trí các hộ dân khu vực bị sạt lở vào ở, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Về hỗ trợ các hộ dân xây dựng nhà ở, đối với các hộ gia đình trong vùng bị sạt lở mà thuộc diện hộ có công với cách mạng thì giải quyết hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đối với các hộ gia đình khác trong vùng bị sạt lở thì áp dụng cơ chế hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Theo đó, các hộ dân được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa 25 triệu đ/hộ để xây dựng ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m 2 , tuổi thọ là 10 năm trở lên; thời hạn trả nợ 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất 3%/năm.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội thực tế trên địa bàn, đề nghị các địa phương chủ động cân đối ngân sách và tăng cường huy động, các nguồn lực khác để đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng nhà ở.

Thư Kỳ

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/thuc-trang-sat-lo-o-dbscl-va-giai-phap-xu-ly.html