Thực trạng phát triển bê tông khí tại Việt Nam

Bê tông khí (Autoclaved aerated concrete-AAC) là một hỗn hợp của vôi, cát (7,7%), tro bay (60 - 65%), xi măng (5,7%), bột nhôm (0,1%) và một tác nhân tạo khí được dưỡng bằng hơi nước.

Quá trình dưỡng bằng hơi nước được thực hiện ở áp suất cao trong nồi hấp làm cho sản phẩm ổn định về tính vật lý, tính hóa học với tỷ trọng xấp xỉ trung bình 1/5 bê tông thường. Bê tông khí chứa vô số bong bóng rất nhỏ nằm tách biệt, tạo cho nó tính chất ưu việt: Trọng lượng nhẹ bằng 1/3 so với gạch sét nung, kích thước lớn gấp 3 lần làm tăng tiến độ thi công, không tốn vữa nhưng lại có thể gia công khoan, bào, cưa, đóng đinh như gỗ. Ứng dụng của bê tông khí linh hoạt và đa dạng, vừa làm gạch để xây, vừa sử dụng làm các kết cấu như mái, sàn, tường, ban công, panel tấm lớn lắp ghép mặt đứng cho tường… Bê tông khí được phát minh vào năm 1923 tại Thụy Điển, phát triển sang Đức và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng thế giới. Gạch bê tông khí được đưa vào thị trường Việt Nam khoảng năm 2004 thông qua các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan. Giá thành nhập khẩu phải chịu thêm 30% thuế cộng thêm phí vận chuyển nên cao gấp 2 lần so với gạch sét nung ở thời điểm đó nhưng gạch bê tông khí vẫn được tiêu thụ ngày càng tăng, chủ yếu là ở khu vực Hà Nội, TP.HCM. Nhận thức được tiềm năng của thị trường, chủ trương phát triển của Chính phủ (tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg quy hoạch tổng thể phát triển VLXD không nung đến năm 2020 đưa ra lộ trình: Sản lượng VLXD không nung thay thế VLXD có nung chiếm tỷ lệ 10 - 15% năm 2012, 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020); chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN, miễn tiền thuê đất, được vay vốn đầu tư… đã hấp dẫn một số nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Năm 2008, có một vài nhà đầu tư tư nhân xây dựng nhà máy có quy mô nhỏ lẻ nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa khai thác hết thị trường. Nhà máy sản xuất bê tông bọt được Cty CP Bê tông xây dựng Vinaconex Xuân Mai đang thử nghiệm. Như vậy, có thể thấy chưa có DN nào sản xuất được bê tông khí ở thời điểm này. Nguyên nhân chậm phát triển bê tông khí là do tâm lý truyền thống của người tiêu dùng và thợ xây thủ công; thói quen đánh giá chất lượng VLXD qua màu sắc mà không đánh giá qua các chỉ tiêu kỹ thuật; giá thành cao hơn gạch đỏ; công tác tuyên truyền chưa tốt và hệ thống tiêu chuẩn, đơn giá nhân công và vật tư cho vật liệu này chưa hoàn chỉnh gây khó khăn khi áp dụng định mức đối với công trình lớn. Theo Ban xây dựng (TCty VINACONEX), hiện nay mỗi năm, cả nước sử dụng trên dưới 22 tỷ viên gạch, năm 2012 không dưới 25 tỷ viên. Chủ trương của Chính phủ phát triển VLXD không nung thay thế gạch sét nung năm 2012 là 3,75 tỷ viên, tương đương 4,5 triệu m2. Đây là những chỉ số ấn tượng tương đương với 20 nhà máy sản xuất gạch bê tông khí công suất lớn đạt 200 nghìn m3/năm, là thị trường lớn cho nhà đầu tư có thương hiệu tốt, thi công nhiều công trình tham gia. Hiện nay, Hội VLXD cho biết các đại gia ngành Xây dựng Việt Nam là TCty Xây dựng số 1 và TCty VIGLACERA, TCty VINACONEX đang xúc tiến khảo sát nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất bê tông khí. Tháng 2/2010, Nhà máy bê tông khí VIGLACERA đã khởi công tại Bắc Ninh dự kiến tháng 10 sẽ đi vào hoạt động. Với yêu cầu cấp bách của thị trường, thế mạnh về mọi mặt của các TCty, cùng với ưu đãi từ chế độ chính sách, bê tông khí hoàn toàn có thể nhanh chóng được sản xuất hàng loạt và chiếm lĩnh thị phần tiêu thụ trong thời gian tới. Nếu được sử dụng bê tông khí trong thi công xây dựng, tòa nhà 24T1 KĐT Trung Hòa - Nhân Chính sẽ giảm được 30% tải trọng đứng, 14% trọng lượng công trình, khối lượng sắt, thép, cọc móng giảm 199 nghìn đồng/m2/tổng số 30.000m2, tiết kiệm 6 tỷ đồng. Hiện nay, thị trường xây dựng Việt Nam có nhu cầu gần 4 tỷ viên gạch bê tông khí, tuy nhiên sản phẩm nhập khẩu đang chiếm trên 90% thị phần cung cấp. Phải mất bao nhiêu thời gian nữa các nhà sản xuất trong nước mới đảo ngược lại số phần trăm trên? (Theo baoxaydung)

Nguồn Dothi.net: http://dothi.net/news/vat-lieu-xay-dung/vat-lieu/2010/10/3b9af7a2/