Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước: Đầu tư nhiều, hiệu quả thấp

Được đầu tư nhiều song không mang lại hiệu quả cao, thậm chí thua lỗ và nợ nần chồng chất. Đó là những đánh giá mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra trong Dự thảo đề án nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước dự định sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Vinashin là một minh chứng cho sự đầu tư không hiệu quả

cũng như yếu kém trong điều hành đối với DNNN

Đầu tư nhiều, hiệu quả chẳng bao nhiêu

Dự thảo đề án nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, so với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang giữ nhiều nguồn lực hơn nhưng giá trị sản phẩm đầu ra lại thấp hơn. Số liệu thống kê năm 2009 cho thấy, DNNN chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Tương tự, năm 2010, DNNN nắm khoảng 70% tổng tài sản cố định toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chi phối 30% vốn đầu tư toàn xã hội, 60% tín dụng ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, 70% nguồn vốn ODA. Với nguồn lực lớn như vậy, nhưng theo ông Trần Xuân Lịch, Viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế trung ương (CIEM), DNNN mới chỉ đóng góp vào GDP từ 37% – 39% và chỉ tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% lao động và năng suất lao động thấp hơn khu vực tư nhân từ 10% – 14%.

Kinh doanh không hiệu quả, năng suất lao động thấp, lợi nhuận thu về thấp hơn nhiều so với nguồn vốn bỏ ra, song vì sao DNNN vẫn "ung dung” khi đầu tư ngoài ngành nhiều đến vậy? Điều đáng nói ở đây là đầu tư ngoài ngành lớn nhưng thua lỗ, nợ nần chồng chất mà cũng không hề hấn gì. Cụ thể, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11- 2010 chỉ rõ, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 813.435 tỷ đồng, đó là chưa tính số nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin. Và nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86 nghìn tỷ đồng, thì nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước đến cuối năm 2009 (không kể 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009. Những con số trên liệu có phản ánh thực trạng yếu kém trong điều hành của các nhà quản lý khu vực DNNN?

Nguyên nhân của những bất ổn nền kinh tế

Nhận định về những bất cập trong hoạt động của phía DNNN, đã và đang gây nên những bất ổn cho nền kinh tế, ông Trần Xuân Lịch cho rằng: Nguyên nhân chính là do đặc thù DNNN, vừa làm nhiệm vụ kinh doanh nhưng cũng vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, do đó, DNNN phải khoác trên mình nhiều nhiệm vụ khác nhau, bị ràng buộc bằng nhiều chế định khác nhau, đôi khi bị đeo rất nhiều vòng "kim cô” trên đầu. Bởi vậy, vướng mắc ở đây chính là cơ cấu trong DNNN không hợp lý, họ đang ôm đồm quá nhiều lĩnh vực mà lẽ ra tư nhân có thể thay thế. Rõ ràng, với những đặc thù công việc như vậy, mà DNNN vẫn không chịu nhường sân cho doanh nghiệp tư nhân, thì bức tranh kinh tế trong tương lai vẫn chưa thể sáng.

Bên cạnh đó, ở khu vực DNNN, luôn tồn tại một vấn đề lâu nay, đó là việc xác định chủ sở hữu luôn ở tình trạng mập mờ, "cha chung không ai khóc”. Ai cũng có thể quản lý, nhưng đến khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm lại chẳng thuộc về ai. Vinashin là một minh chứng cho điều này. Vinashin "ngốn” rất nhiều vốn của Nhà nước nhưng lại không xác định được ai là chủ sở hữu. Bởi vậy, theo ông Trần Xuân Lịch, nếu chúng ta không xác định cụ thể chủ sở hữu để quy rõ trách nhiệm thì trong thời gian tới việc đổi mới hoạt động của DNNN vẫn còn gặp nhiều trắc trở.

Ở một khía cạnh khác, PGS - TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trong khi tư nhân phải bỏ tiền túi ra thuê đất thì hầu hết các DNNN không phải mất chi phí này. Hiện nay doanh nghiệp tư nhân phải vay vốn với lãi suất thường từ 17%– 18 %/năm, đôi khi còn lên tới 27% – 28%/năm, trong khi DNNN vẫn ung dung kinh doanh mà không phải trả chi phí lãi suất cũng như tiền thuê đất... TS Bá nêu ví dụ, Vinashin được Chính phủ cho vay 750 triệu USD nhưng không phải trả lãi suất. Chỉ ví dụ với hai khoản nói trên, có thể thấy, DNNN được ưu ái đến mức nào. Vẫn theo ông Bá, khi xem xét hiệu quả các DNNN thì phải đánh giá hiệu quả về mặt tài chính, kinh tế, xã hội... nhưng đây cũng chính là sự "tù mù” vẫn tồn tại lâu nay. Ví dụ một doanh nghiệp chỉ bỏ ra 1 đồng làm xã hội nhưng có khi lại hô to lên là làm hết 100 đồng, và như vậy, nghiễm nhiên doanh nghiệp đó bỏ túi 99 đồng. Đây cũng là một trong những lý do để nhiều người ngụy biện cho việc phải duy trì DNNN, mặc dù thua lỗ nặng nề hết năm này qua năm khác.

Những số liệu cũng như những nhận định mà các chuyên gia thẳng thắn nêu ra cho thấy, sự ỳ trệ của các DNNN đã đến lúc cần phải thanh lọc, loại bỏ dần những yếu kém trong điều hành, quản lý. Nếu không, chính sự ưu ái, dễ dãi đối với khu vực DNNN lại là nguyên nhân của những bất ổn cho nền kinh tế.

Duy Phương

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=41031&menu=1372&style=1