'Thực tế còn dư địa để giảm lãi suất'

Đây là khẳng định của TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính - tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

TS. Nguyễn Thạc Hoát: "Thực tế cho thấy còn dư địa để giảm lãi suất" . Ảnh minh họa

Chia sẻ tại hội thảo “Chính sách tài chính – tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 14/7, các chuyên gia nhấn mạnh, chính sách tài chính – tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục là một trong những lực đẩy quan trọng để tạo ra sự bứt phá của tăng trưởng.

PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển nhận định, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, mức lãi suất điều hành hiện nay là mức được điều chỉnh giảm mạnh mẽ nhất. Đây là tín hiệu tích cực giúp cho các TCTD giảm lãi suất cho vay nói chung và các chương trình ưu tiên nói riêng. Nhờ đó doanh nghiệp có hy vọng giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trong nước.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thạc Hoát, lãi suất vẫn còn dư địa giảm. Cụ thể, lãi suất huy động và lãi suất cho vay 2 năm trở lại đây ở mức thực dương cao so với lạm phát thực. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và phát triển, hệ số NIM của ngân hàng ở mức trung bình khá, có ngân hàng lên tới 9%, còn bình quân thì ở mức phù hợp, trừ các ngân hàng tái cơ cấu. Với Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu mới được Quốc hội ban hành thì khả năng hệ số NIM năm nay của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đi lên. Vì thế, ông Hoát cho rằng vẫn còn cơ sở thực tiễn để giảm lãi suất, điều hành lãi suất ở mức thấp, và không có cơ sở thuyết phục nào để tăng lãi suất.

Đóng góp tham luận trong buổi hội thảo, Học viện Chính sách và phát triển cũng đặt ra vấn đề có nên đặt lại cách tính chỉ số CPI để linh hoạt hơn cho điều hành chính sách? Đâu là ngưỡng lạm phát mục tiêu để lấy làm chuẩn? Vì theo kinh nghiệm các nước thì lạm phát quá thấp hay quá cao đều ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam không thể dùng tỉ giá để kích thích tăng trưởng

Theo PGS-TS. Đào Văn Hùng, tỉ giá được coi là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất khi điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng tỉ giá ở Việt Nam có đặc điểm khác với nhiều nước. Cụ thể như Trung Quốc đã từng dùng tỉ giá làm công cụ để thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy xuất nhập khẩu, nhưng Việt Nam không thể lạm dụng tỉ giá để thúc đẩy tăng trưởng, nó có thể phản tác dụng.

Đánh giá về tác động của tỷ giá tới tăng trưởng, ông Hoát cho biết thêm, khác với nhiều nước trên thế giới, khi đồng nội tệ mất giá, thường kích thích tăng trưởng thông qua gia tăng xuất khẩu. Nhưng ở Việt Nam sự mất giá của VNĐ tác động tới tăng trưởng không đáng kể do đặc điểm của cơ cấu xuất nhập khẩu và các yếu tố khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khi tỷ giá tăng sẽ làm lạm phát tăng ngay vào tháng sau. Với kết quả này, nếu Việt Nam không kiểm soát và để tỷ giá tăng cao thì sẽ gây tác động rất tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Dự báo thị trường tài chính – tiền tệ 6 tháng cuối năm 2017, TS. Cấn Văn Lực cho biết, chúng ta còn đối diện nhiều rủi ro ở mức cao. Theo đó, đối với môi trường quốc tế, FED có thể tăng lãi suất 1 lần nữa vào năm 2017 và 2 lần vào năm 2018. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương các nước vẫn trên đà thắt chặt thêm. Chính sách bảo hộ thương mại tăng và chính sách thuế mới của Mỹ có tác động đến thương mại, đầu tư… Đối với môi trường trong nước, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu đi động lực tăng trưởng bền vững sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính – ngân hàng trong trung và dài hạn. Trong lúc đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế (bao gồm cả xử lý nợ xấu) vẫn còn nhiều thử thách. Năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá yếu.

Trước bối cảnh đó, ông Lực khuyến nghị điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm cần tiếp tục theo hướng thận trọng, chặt chẽ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; đồng thời tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững hệ thống các TCTD. Các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu này là mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý (16-18%) trong năm 2017; tổng hợp các giải pháp đảm bảo thanh khoản hệ thống cuối năm, nhất là trong bối cảnh huy động vốn chậm hơn so với tín dụng; xem xét điều chỉnh nhẹ Thông tư 06 về áp dụng tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD và triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu.

NIM (Net Interest Margin) là chỉ số được sử dụng để xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu. (Wikipedia)

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/thuc-te-con-du-dia-de-giam-lai-suat-201825/