Thực phẩm sạch thì phải đắt? Startup Thrive Market nói rằng Không!

Quan điểm chung thường thấy là: Muốn có thực phẩm “sạch”, thực phẩm hữu cơ thì phải chịu đắt, hay nói cách khác, thu nhập thấp thì đành chấp nhận số phận. Tuy nhiên, có một startup đang chứng minh cho mọi người thấy: thực phẩm có phải chăng hay không không nằm ở cụm từ “hữu cơ”, mà là có tâm và có tầm để làm hay không.

Hầu hết người Mỹ đều có thể tiếp cận thực phẩm lành mạnh, bao gồm trái cây tươi, rau củ, và các sản phẩm hữu cơ. Song thực tế, còn hàng triệu người sống chung với thực phẩm “bẩn”, thực phẩm kém chất lượng hay dùng quá nhiều hóa chất.

Những người không thể/khó tiếp cận đó thường sống ở vùng khá xa xôi hẻo lánh với các trung tâm thành phố, nơi có nhiều cửa hàng thực phẩm tươi sống và hữu cơ, hay những người có thu nhập thấp, gọi chung là nhóm “sa mạc (khan hiếm) thực phẩm”.

Ở nhóm này, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp cho thấy: béo phì và tiểu đường là khá phổ biến khi họ hiếm khi được tiếp cận các thực phẩm lành mạnh (tương ứng 32,6% và 12,2%). Trong khi đó, cộng đồng thu nhập cao có tỷ lệ thấp hơn (24,4% và 8,2%).

Một công ty đang tìm kiếm giải pháp cho những người ở “sa mạc thực phẩm”. Đó là Thrive Market, một chợ trực tuyến là trao đổi và bán thực phẩm hữu cơ với giá bán tương đương thực phẩm “phi hữu cơ” thông thường.

“Sứ mệnh của chúng tôi là giúp cho mỗi hộ gia đình Mỹ đều có thể tiếp cận cuộc sống khỏe mạnh với giá cả phải chăng. Cách chúng tôi làm là mô hình câu lạc bộ bán buôn, một mô hình Costco trong thế giới trực tuyến, và đánh phí thành viên hàng năm”, Nick Green, đồng sáng lập, đồng CEO của Thrive Market.

“Nếu không thể làm thế với một bên thứ ba, thì chúng tôi phải tự làm nhãn riêng thôi”, anh nói thêm. Green cho biết Thrive sẽ phát triển những nhãn hàng riêng (ước tính có thể làm ra 100 dòng sản phẩm trong năm nay) cho các danh mục sản phẩm mà bên thứ ba không thể giảm giá, có thể do vận chuyển đòi hỏi cao hơn. Ví du, bột bánh hay rượu táo tạo ra lợi nhuận thấp trong khi lại tốn kém để vận chuyển bởi trọng lượng lớn. Green cho biết hai mặt hàng nằm đầu danh sách tạo ra nhãn hiệu riêng.

Các thành viên bị đánh phí 60 USD năm, tương đương với trở thành thành viên Costco, nhưng công ty cũng tuyên bố đưa ra gói giảm giá 25-50%. Mỗi thành viên trả tiền sẽ mang lại cơ hội ủng hộ cho một thành viên “nghèo” cần miễn phí. Điều này cho phép “chợ” tiếp cận được với nhiều người hơn, và giúp họ thực hiện được sứ mệnh của mình. “Chưa đầy 2 năm kinh doanh, chúng tôi có 300.000 thành viên trả tiền và tặng tài khoản cho 300.000 người khác”, Green tự hào cho biết.

Sứ mệnh của Thrive Marketangt được đặt ra từ đồng sáng lập, đồng điều hành Gunnar Lovelace.

Thực phẩm hữu cơ bấy lâu vẫn được gắn với mác “giá cao”, không thể nào rẻ như thực phẩm thông thường. Ảnh: Getty Images

“Tôi lớn lên trong cái nghèo với người mẹ đơn thân vốn là dân Latinh nhập cư. Tôi đã chứng kiến mẹ mình chật vật thế nào để có được thực phẩm lành mạnh. Mẹ đã tái hôn với một người quản lý cửa hàng thực phẩm và trang trại hữu cơ ở Ojai, California. Tôi biết rằng minh cần làm gì đó để đưa thực phẩm về mức giá phải chăng hơn và xây dựng cộng đồng”, Lovelace giải thích.

Cơ hội đó đã đến sau khi Lovelace thiết lập mối giao dịch “bán buôn” với các nhãn hiệu anh thường dùng. Anh “tuyên truyền” trong những người quen biết, tích trữ lại những cái tên và bắt đầu mở sự kiện mua sắm trên Facebook.

Ngành thực phẩm hữu cơ không nghi ngờ đang là một lĩnh vực rất nóng. Bán sản phẩm hữu cơ ở Mỹ tăng trưởng 11% từ năm 2014-2015, đạt doanh số 43,3 tỷ USD.

Khi thực phẩm hữu cơ phát triển, mặt hàng đóng gói bán trực tuyến cũng tăng trưởng theo. Năm 2015, giá trị thương mại điện tử từ sản phẩm đóng gói đã tăng 42%. Đó là lý do Thrive Market tập trung làm những mặt hàng không dễ bị hỏng, có thể đóng gói (tức là không thịt, cá, trái cây), trong khi các thương hiệu thực phẩm hữu cơ khác thường bán đồ tươi sống.

Dầu dừa là một trong những nhãn hàng riêng của Thrive Market. Ảnh: Thrive Market

“Chúng tôi nhìn thấy cơ hội rất lớn. Không nhất thiết phải đến cửa hàng mua granola (thực phẩm dinh dưỡng kiểu Mỹ - PV). Chúng tôi có thể cắt ngắn chuỗi cung ứng. Chúng tôi có thể giúp mọi người dễ dàng tiếp cận hơn. Chúng tôi có thể bán với giá thấp hơn”, Green chia sẻ.

Một trong những điểm quan trọng với công ty là làm sao để là một nhà hoạt động xã hội với tư cách một doanh nghiệp. Tem phiếu thực phẩm (dành cho những người thu nhập thấp) đã được chấp nhận. “Thật điên là thế kỷ 21 rồi vẫn có người phải dùng đến tem phiếu. Nhưng càng khó hiểu là người ta có thể đến cửa hàng tiện lợi mua đồ với tem phiếu, lại không thể làm như vậy với môi trường trực tuyến và thực phẩm lành mạnh”, Green trăn trở.

Nằm trong một ngành đang phát triển, Thrive sẽ còn tiến xa. Với sứ mệnh đặt ra, Green và Lovelace tự tin công ty là một doanh nghiệp bền vững. “5 năm tới là cuộc chơi khốc liệt cho những người ai muốn gia nhập ngành sản phẩm hữu cơ đóng gói online hàng tỷ này. Ai sớm sẽ nắm được tiên cơ. Chúng tôi đã bắt đầu được hai năm rồi.”

Xem thêm:

Làm startup thực phẩm: Chỉ “tâm hồn ăn uống” thôi là chưa đủ

Startup thực phẩm sạch: giàu tiềm năng, nhưng không dễ làm

Startup chia sẻ thực phẩm: Giữa dòng nước xoáy

Bài học cho startup từ khủng hoảng TinyOwl

Thực phẩm Việt: Nguy cơ từ sự yêu thích hiện tại và nỗi ưu tư tương

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/thuc-pham-sach-thi-phai-dat-startup-thrive-market-noi-rang-khong