Thực phẩm sạch "ngơ ngác" tìm thị trường

(Toquoc)-Thị trường thực phẩm sạch vẫn đang có khoảng trống lớn giữa nhu cầu của người dân và cung ứng.

Rau an toàn len lỏi

Sau nhiều năm nỗ lực, Hà Nội đã định vị được 4.500 ha rau an toàn tại 116 xã trọng điểm. Nhưng con số này vẫn không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu tiêu thụ hiện nay.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, cả Thủ đô chỉ có hơn 60 cửa hàng bán rau an toàn theo tiêu chí của thành phố với sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50-120kg/cửa hàng/ngày và 35 siêu thị kinh doanh rau an toàn, sản lượng trung bình từ 80- 120 kg/siêu thị/ngày.

"Các điểm bán rau an toàn quá ít, giá cao hơn ngoài chợ, chưa kể, tôi vẫn chỉ muốn ra chợ gần nhà cho tiện lợi chứ không mấy khi vào siêu thị. Cũng rất sợ các thông tin rau không sạch nhưng mua được nó vất vả quá nên thôi, chợ bán rau gì thì ăn rau đó vậy" - Bà Nguyên, một hộ dân ở chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội cho hay.

Bà Nguyên còn nói thêm, hàng ngày ra chợ chỉ biết tránh các loại hoa quả trái vụ, vụ nào thức nấy, nhắm mắt mà ăn thôi, không biết phòng tránh thế nào nữa.

Thị trường thực phẩm sạch vẫn đang có khoảng trống lớn giữa nhu cầu của người dân và cung ứng (ảnh: Văn Nguyễn)

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho hay, nhằm giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm rau an toàn tới tay người tiêu dùng, sở có mở thí điểm các điểm phân phối rau an toàn tại các khu chung cư, cơ quan.

Tuy đã có 72 điểm tại khu dân cư, cơ quan, nhưng các điểm này tập trung chủ yếu ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm… và mức tiêu thụ rau an toàn cũng rất khiêm tốn: trung bình 100 – 150 kg/rau/ điểm/ tuần.

Ngoài ra, có 15 doanh nghiệp đang sản xuất rau an toàn nhưng sản lượng tiêu thụ cũng chỉ trung bình 500 – 700 kg/doanh nghiệp/ngày. Đây quả là những con số quá khiêm tốn cho thị trường cả 7-8 triệu người của Thủ đô.

Bà Phạm Thị Tuyết Mai, Giám đốc Công ty CP dịch vụ chăn nuôi thú y châu Á, đơn vị quản lý cửa hàng tự nhiên Việt Nam và Chợ phiên Tây Hồ cho biết, thực tế, nhu cầu tiêu thụ của người dân lớn nhưng để tìm được nguồn rau đảm bảo không phải đơn giản và vì thế làm cho giá rau sẽ bị "đội" lên so với mặt bằng chung thu nhập của người dân.

Được biết, công ty này hàng tuần nhập rau từ Đà Lạt về, rau được trồng theo tiêu chuẩn của rau hữu cơ của nước ngoài. Sở dĩ phải nói như vậy vì hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn về rau hữu cơ. Các doanh nghiệp và người dân có tâm huyết với việc phát triển rau sạch trong Đà Lạt làm theo hướng các tiêu chuẩn này và có kiểm tra chéo để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, tại đây còn có các loại rau lựa chọn từ nông dân trông theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp hoặc trồng theo tiêu chuẩn Thực hành Nông nghiệp tốt (GAP).

"Lấy nguồn hàng chuẩn rồi nhưng hiện chúng tôi cũng mới chỉ bán cho khách bán lẻ là chủ yếu và đa phần là khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, những gia đình Việt Nam có thu nhập cao tại Hà Nội. Công ty cũng chưa có ý định mở rộng cung ứng rau vì giá cả khó tiếp cận với đa số người dân"- bà Mai nói.

Thói quen tiêu dùng vẫn là rào cản

Trong khi thịt gia súc, gia cầm trên thị trường Hà Nội hiện nay chủ yếu do hơn 2.500 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cung cấp. Các cơ sở này chiếm tỷ lệ đến 83% sản phẩm giết mổ thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Vậy nhưng, thực phẩm sạch cũng rất khó tìm được cách để thâm nhập vào thị trường và một rào cản lớn cho thực phẩm sạch tiếp cận người dân là do thói quen tiêu dùng ở từng địa phương.

"Chúng tôi rất hiểu nhu cầu dùng thực phẩm sạch của người dân hiện tại nhưng để tìm giải pháp cho những vấn đề này không đơn giản và riêng chuyện "văn hóa" ăn thịt gà cũng là một việc khó thay đổi"- bà Mai nói.

Lấy dẫn chứng từ việc nuôi gà sạch của công ty với quy trình rất chỉn chu, khoa học, tiêu chuẩn nuôi và giết mổ của châu Âu nhưng thực tế vẫn không tiếp cận nổi người tiêu dùng Việt.

Được biết, công ty đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chăn thả gà cho trại nuôi tại Sóc Sơn, Hà Nội và các trang trại vệ tinh bên ngoài. Nếu nông dân muốn làm việc với công ty thì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty và hàng tuần có đội kỹ thuật tới theo dõi. Những con gà hàng ngày ra vào chuồng trại, thuốc, lượng thức ăn như thế nào… tất cả đều được ghi chép. Khi dùng kháng sinh hay thuốc trị bệnh phải theo khuyến cáo của bác sỹ thú y thuộc công ty chứ không được tùy tiện đưa bất kì loại nào vào khu vực nuôi.

Bà Mai còn cho hay, trước hai tuần tới thời kỳ giết mổ, gà không được phép dùng thức ăn có kháng sinh và các mẫu thử được công ty nhập về từ châu Âu để kiểm tra xem gà có tồn dư kháng sinh hay không?

"Thi thoảng chúng tôi cũng gặp phải vấn đề khi gà vẫn còn dư lượng kháng sinh thì sẽ bỏ lô gà đó, còn đối với gà đẻ thì phải cắt nguồn lấy trứng, khiến thiếu hụt về nguồn cung và phải làm việc lại với nông dân" - bà Mai kể.

Ngoài ra, tại khu giết mổ, quy trình chia làm hai khu vực không sạch và sạch cũng được quy định rất rõ ràng cho từng công đoạn. Ví dụ: gà chờ giết mổ sẽ không được cho ăn để diều sạch sẽ, gây tê để gà không giẫy vấy bẩn máu hay phân ra ngoài, sau đó mới cắt tiết, đánh lông… rồi cho vào phòng lạnh.

"Các tiêu chuẩn, công đoạn kỹ càng như trên khiến giá thành của gà tăng nhiều so với thị trường. Chưa kể, để đảm bảo tính đồng đều cao của sản phẩm cuối cùng, công ty hiện phải sử dụng các giống gà chăn thả giống từ Châu Âu nên gà thường phát triển khá tốt và thích hợp hơn với các nhà hàng Châu Âu. Trong khi đó, khẩu vị người Việt muốn ăn gà nhỏ, giòn, da màu vàng, ăn cả nội tạng, chân, cánh, cổ…nhưng để phát triển được các giống gà này ở quy mô lớn, đàn phát triển có độ đồng đều cao thì không phải là chuyện đơn giản" - bà Mai chia sẻ.

Thành ra, tất cả quy trình trên dù có cho ra sản phẩm sạch nhưng gà của công ty này vẫn chủ yếu cung cấp cho người nước ngoài và một số khách sạn, nhà hàng cao cấp - nơi mà các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn tư kháng sinh hay truy xuất nguồn gốc là yếu tố bắt buộc . Các sản phẩm khác như vịt, sữa tươi, pho mát, bơ, cá vược, cá tra… do công ty cung cấp cũng rơi vào tình trạng như vậy.

Bà Mai cho rằng, quy mô của công ty còn nhỏ, chi phí đầu vào cao, sản xuất không bình ổn, kiểm soát chất lượng cực kỳ khó, cộng với việc phải cân bằng thị trường nên công ty vẫn chưa thể mở rộng sản xuất lẫn thị trường.

Thế là bài toán thực phẩm sạch cho cư dân Thủ đô vẫn chỉ có một lời giải tới lúc này: người dân tự "săn" đồ sạch. Báo Điện tử Tổ Quốc sẽ có bài tiếp theo về chủ đề này./.

Thái Tùng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/119424/thuc-pham-sach-ngo-ngac-tim-thi-truong.aspx