Thực phẩm đông lạnh phải chờ 7 ngày mới có mã số tạm nhập tái xuất

Theo quy định tại Thông tư 11 của Bộ Công Thương, hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất phải chờ 7 ngày mới được cấp mã số tạm nhập tái xuất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa.

Thông tư này ra đời nhằm thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.

Thông tư áp dụng đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh phải chờ 7 ngày mới có mã số tạm nhập tái xuất - ảnh minh họa/ nguồn Thucpham.com

Thông tư 11 quy định, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước.

Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quy định tại Khoản 2 Điều này do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công Thương về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và công bố danh sách doanh nghiệp được lựa chọn.

Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì cửa khẩu tạm nhập để gửi kho ngoại quan và cửa khẩu xuất khẩu, tái xuất hàng hóa qua các tỉnh biên giới thực hiện theo quy định

Trường hợp hàng hóa bị ách tắc trên địa bàn, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giải tỏa, điều tiết trên địa bàn để tránh ùn tắc tại cảng, cửa khẩu và phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu tạm nhập có biện pháp điều tiết lượng hàng tạm nhập từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.

Điểm nổi bật của Thông tư 11 là việc, Bộ Công Thương sẽ cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa (gọi tắt là mã số tạm nhập, tái xuất) khi doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Để được cấp mã số tạm nhập, tái xuất doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp mã số tạm nhập, tái xuất theo mẫu quy định; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận về việc doanh nghiệp nộp số tiền ký quỹ theo quy định tại Điều 3, Điều 4 hoặc Điều 5 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP;

Tài liệu chứng minh doanh nghiệp sở hữu kho, bãi hoặc hợp đồng thuê kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh;

Văn bản của cơ quan điện lực nơi doanh nghiệp có kho, bãi xác nhận về việc kho, bãi có đủ nguồn điện lưới để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa: 1 bản chính.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ gửi qua đường bưu điện, theo quy định của Thông tư 11 trong vòng 7 ngày Bộ Công Thương sẽ kiểm tra và cấp mã số tạm nhập, tái xuất cho hàng thực phẩm đông lạnh cho doanh nghiệp.

Đối với mã số tạm nhập, tái xuất hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt và mã số tạm nhập, tái xuất hàng đã qua sử dụng, Bộ Công Thương cũng quy định trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét cấp mã số tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.

Được biết Thông tư 11 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/9/2017.

Mai Anh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/thuc-pham-dong-lanh-phai-cho-7-ngay-moi-co-ma-so-tam-nhap-tai-xuat-post178748.gd