Thực phẩm có “chứng minh thư”: Chưa phải đã an toàn tuyệt đối

Với các ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên điện thoại thông minh, nhiều bà nội trợ đã an tâm hơn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp, nhà sản xuất… phải đảm bảo chất lượng thực phẩm được xuất ra thị trường.

Theo Pháp luật TP.HCM, thời gian gần đây các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ đẩy mạnh việc áp dụng mã QR Code (mã phản hồi nhanh, mã vạch ma trận hoặc mã hóa thông tin…) nhằm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh.

Hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng khi mua thực phẩm như gạo, thịt, cá,tôm, rau… tại các siêu thị như Metro An Phú tại TP.HCM có thể sử dụng ứng dụng quick scan để quét mã QR Code có trên bao bì sản phẩm. Sau vài giây, màn hình điện thoại sẽ hiện lên “Bản đồ truy xuất nguồn gốc” có chứa các thông tin về thực phẩm muốn mua, như sản phẩm đến từ trang trại nào, chủ trang trại là ai, tiêu chuẩn chăn nuôi/trồng trọt như thế nào, thu hoạch/giết mổ ngày nào, sản phẩm được chứng nhận VietGAP, đơn vị đóng gói, thông tin về nhà phân phối…

Đánh giá đây là xu hướng tích cực cần nhân rộng, sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ thông tin tại các siêu thị và chợ với sản phẩm thịt heo, và tiến tới áp dụng với nhiều loại thực phẩm khác như gà, rau, củ quả…

Công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TP.HCM nghiên cứu, ứng dụng. Với ứng dụng trên điện thoại, người dùng có thể kiểm tra thông tin thịt. Ngoài ra, trước đó, heo nuôi tại trang trại cũng được gắng vòng nhận diện hoặc chip theo dõi – được ví như “chứng minh thư” của heo.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo hiện đã nhận được đăng ký tham gia từ gần 1.000 trang trại, 17 cơ sở giết mổ. Toàn bộ hệ thống phân phối hiện đại lớn với 338 điểm bán cũng đăng ký. Ngoài ra, tại các chợ Bến Thành, Thái Bình, An Đông và Hòa Bình, có 76 sạp hàng cũng tự nguyện tham gia chương trình.

Thịt heo truy xuất sẽ được bán với giá phải chăng, chỉ cao hơn thịt heo thường khoảng 200 đồng/kg, do đó rất dễ tiếp cận với người tiêu dùng.

Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, công nghệ này đã được sử dụng ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, nhiều quốc gia châu Âu… để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, rượu vang, với mụch đích duy trì chất lượng cũng như hình ảnh của các thương hiệu đồng thời nâng cao chất lượng và độ an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, đây cũng không phải “tấm kim bài” đảm bảo cho hàng hóa, bởi người sản xuất vẫn có thể trà trộn hàng kém chất lượng, do mã QR Code chỉ giúp người mua yên tâm về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín cho nhà sản xuất chứ không thể đảm bảo hoàn toàn chất lượng của hàng hóa khi đến tay người mua. Ngoài ý thức của nhà sản xuất và kinh doanh, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ quá trình từ sản xuất, nguồn gốc đến thành phẩm và đem bán của các loại thực phẩm. Để đảm bảo điều này, tình trạng quản lý và sản xuất cần có sự đồng bộ, tránh việc đánh tráo, trà trộn thực phẩm bẩn.

Đại diện một công ty cho biết: “Ví dụ người tiêu dùng mua thịt heo thường tin tưởng vào thương hiệu và sẽ ít có điều kiện tham chiếu, kiểm tra mã sản phẩm. Do đó phải giải quyết căn cơ bài toán này bằng cách giao trách nhiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho DN, nhà phân phối… và người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi nào nghi ngờ. Bên cạnh đó, người bán cũng phải ký cam kết bán sản phẩm đúng nguồn gốc, không sử dụng mã sản phẩm giả và cam kết này phải có giá trị pháp lý”.

Dù áp dụng công nghệ để kiểm soát và đẩy lùi vấn nạn “thực phẩm bẩn”, nhưng xét cho cùng, nếu đã muốn gian dối thì “có trời mới biết được”. Bởi vậy dù chưa phải là giải pháp tốt nhất nhưng ít ra đến thời điểm này, ứng dụng truy xuất nguồn gốc vẫn khiến người tiêu dùng an tâm hơn với thực phẩm ăn uống hàng ngày.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/thuc-pham-co-%e2%80%9cchung-minh-thu%e2%80%9d-chua-phai-da-an-toan-tuyet-doi