Thực phẩm bẩn đang “giết” chúng ta

Hàng triệu người chết mỗi năm có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn tự bản thân nó đã đáng giật mình. Nhưng điều giật mình thực sự là nó quen thuộc đến nỗi người ta dẫn lại câu của người xưa để tự an ủi mình: “Ăn bẩn sống lâu”, như sự bất lực đến đành thỏa hiệp của con người khi thực phẩm chứa đầy hóa chất độc hại vẫn ngang nhiên đi vào mâm cơm người Việt.

Từ những sự kiện thực phẩm bẩn gây bức xúc cộng đồng

Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có không ít các vụ việc thực phẩm bẩn, thực phẩm làm giả đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt như vụ 200kg thịt heo ôi thiu, heo bệnh chết giả làm thịt rừng phân phối tại các quán nhậu ở Bình Thuận; 3.000kg nội tạng hôi thối được vận chuyển qua biến giới tỉnh Quảng Trị; 30 thùng carton giấm gạo làm từ axit ở Tp.Vinh (Nghệ An), ruốc nhuộm đỏ bằng chất nhuộm vải công nghiệp ở Phú Yên; măng, rau củ nhuộm hóa chất để có màu sắc tươi đẹp và lâu bị hỏng ở Tp.HCM và hàng hà vô số các vụ thực phẩm bẩn khác liên tục bị phát hiện trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Liệt kê ra như thế để thấy rằng, bất cứ loại thức ăn nào, bất cứ khu vực nào cũng đã và đang tồn tại nguồn thực phẩm bẩn mà dù ai có kỹ tính đến đâu cũng ít nhất một vài lần “dính” phải chúng.

Đến những nguy hại do thực phẩm bẩn gây ra

Nói “bẩn” theo cách dân dã thực chất được hiểu là thực phẩm không an toàn, tức không đạt được tiêu chuẩn chất lượng kiểm định, thực phẩm chứa nhiều dư lượng hóa chất độc hại, đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng.

Chỉ có điều, dường như khả năng phát hiện của ta còn lắm vấn đề, khi mà lượng người chết, ốm đau bệnh tật có liên quan đến “đường miệng”, “đường dạ dày” ngày càng nhiều. Tiêu biểu như căn bệnh ung thư có nguyên nhân lớn nhất đến từ thực phẩm bẩn .

Nôn ói là một trong những dấu hiệu ngộ độc do ăn phải thực phẩm bẩn

Những nguy hại của thực phẩm bẩn có thể chia ra thành 3 cấp độ: cấp độ bệnh cấp tính, cấp độ bệnh bán cấp tính và cấp độ bệnh mạn tính.

Thực phẩm bẩn gây bệnh cấp tính có biểu hiện lâm sàn nói chung là ngộ độc thực phẩm như nôn ói, tiêu chảy, đau bụng (âm ỉ hoặc dữ dội), rối loạn thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mệt lả, liệt chi, hôn mê, tụt huyết áp, bí tiểu,…

Cấp độ bệnh bán cấp tính do thực phẩm bẩn gây ra cũng có biểu hiện ngộ độc như ở cấp độ cấp tính nhưng có mức độ nhẹ hơn, có thể tự khỏi hoặc tự chữa khỏi mà không cần đến bệnh viện.

Thực phẩm bẩn gây bệnh mạn tính là tình trạng bệnh tái phát nhiều lần, các triệu chứng bệnh thường xuyên lặp lại và trở nên khó chữa, hoặc không chữa khỏi được nữa.

Theo BS. Nguyễn Duy Tài, Chuyên khoa 2, PGĐ Bệnh viện Quận 2 ,cho biết việc sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc trong thời gian dài ngoài việc gây ra một số triệu chứng lâm sàn về tiêu hóa và thần kinh tự phát, tự hết trên cơ thể thì việc tích tụ các độc chất lâu ngày có thể gây ra các tổn thương nặng nề đến gan, mật, thận, thần kinh như vô sinh, ung thư, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hậm chí tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển về thể chất và trí não của thai nhi, gây sinh non, sinh trẻ thiếu cân, chậm lớn, suy dinh dưỡng,…

Trẻ em sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn và ô nhiễm, làm thiếu hụt chất dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất lẫn trí não. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu sẽ khó đào thải những hóa chất độc hại có trong thực phẩm bẩn, dẫn đến việc tích tụ lâu ngày trong cơ thể gây tổn thương hệ thần kinh, suy gan, suy thận, suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, ung thư, thậm chí tử vong.’

Có thể thấy, thực phẩm bẩn chí nguy hơn Zika nhiều lắm. Nhưng tại sao con người có xu hướng sợ hãi Zika mà vẫn chặc lưỡi “không ăn thì chết”, “ăn đâu cũng vậy” để nhắm mắt làm ngơ? Tương tự như lý do chết vì khủng bố ít hơn nhiều lắm so với chết vì tai nạn giao thông hay bệnh tật (ở các nước đã không còn chiến tranh), nhưng người ta có thể đổi màu avatar vì khủng bố, nhưng thường không có động tĩnh gì với chuyện “chết vì ăn”. Theo các nhà kinh tế Mỹ, đó là bởi tâm lý con người thường sợ cái chết cận kề, hậu quả trước mắt, hơn là những hậu quả có xu hướng ở thì tương lai tương đối xa, những cái chết gần như không thể đo lường thực sự nguyên nhân. Những lời “nước đến chân mới nhảy”, “mất bò mới lo làm chuồng”, không phải gánh hậu quả thì còn “chưa đổ lệ”… ra đời âu cũng vì vậy.

Anh Duy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/thuc-pham-ban-dang-%e2%80%9cgiet%e2%80%9d-chung-ta