Thực hư vụ phá mộ tổ ở Yên Ninh (Ý Yên, Nam Định)

Ở Việt Nam, một di tích khi đủ các điều kiện sẽ được công nhận theo thứ tự: di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt…

Phá mộ: Người trong họ nói “có”

Theo đơn thư phản ánh của dòng họ Nguyễn Tất: Khu cấm địa an táng các vị Tổ tướng của dòng họ Nguyễn Tất tại xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định dã được ghi trong các sắc phong mà dòng họ Nguyễn Tất còn lưu giữ. Thế nhưng, cuối năm 2013, trong quá trình xây dựng khu sản xuất, kinh doanh đồ mộc, một công ty tư nhân đã làm thay đổi hiện trạng của khu nghĩa trang.

Theo đơn thư, khu nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Tất và khu mộ phần của các vị Tổ tướng vốn là nơi yên nghỉ của Lê triều Tiến phụ Quốc Đại tướng quân, Tào Xuyên hầu Nguyễn tướng quân và Lê Triều Đô đốc Đồng chi quận công Nguyễn tướng quân. Ông Nguyễn Tất Tố (913-984, là cao tổ của dòng họ Nguyễn Tất) được Ngô Quyền giao chỉ huy đội chiến thuyền chống lại mũi tiến công của quân Nam Hán và cùng các tướng lĩnh khác làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Đương thời, vua Lê đã thân chinh đến thăm viếng lăng mộ ông và ban cho một đặc ân là cấm phạm địa bàn khu lăng mộ. Đến thời hậu Lê, con cháu của ông là Nguyễn Tất Khang (1674 – 1754) cũng lập đại công. Sau khi dẹp giặc Minh ở biên giới và phiến loạn trong nước, được phong vượt bậc 5 cấp lên Đặc tiến phụ quốc đại tướng quân, tước Tào Xuyên Hầu.

Theo phản ánh, dự án xây dựng khu sản xuất, kinh doanh đồ gỗ của công ty Sơn Lâm - một doanh nghiệp địa phương, khu mộ đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Công ty Sơn Lâm đã cưỡng chế, san lấp mặt bằng và di dời các ngôi mộ của dòng tộc đi nơi khác mà không thông báo cho dòng họ Nguyễn.

Doanh nghiệp nói “không”

Để làm rõ hơn sự việc, chúng tôi đã buổi trao đổi với ông Dương Văn Sơn, Giám đốc công ty cổ phần đồ gỗ Cường Thịnh (là chủ đầu tư của Công ty Sơn Lâm).

Khu mộ tổ dòng họ Nguyễn Tất vẫn được giữ nguyên trạng với tường xây bao quanh

Ông Sơn cho biết: Về mặt thủ tục pháp lý, phí công ty đã làm chu đáo và đẩy đủ theo đúng trình tự nhà nước quy định. Từ quyết định 852/QĐ-UBND ký ngày 24/5/2013 của UBND tỉnh Nam Định về việc cho phép Công ty cổ phần đồ gỗ Cường Thịnh xây dựng Xưởng chế biến, sản xúat đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại khu đất ngoài đê sông Sắt thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Tiếp đó là quyết định số 841 của UBND tỉnh Nam Định giao đất cho Công ty cổ phần đồ gỗ Cường Thịnh. Diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là 21.270,2 m2.

Điều đáng ngại là ngôi mộ nằm trong phần sổ đỏ (diện tích 160m2). Để tạo điều kiện cho dòng họ Nguyễn Tất, đích thân ông Nguyễn Viết Hưng - Phó chủ tịch tỉnh Nam Định đã yêu cầu mở con đường 1,2m dẫn vào khu mộ. Đồng thời yêu cầu phía Công ty Cường Thịnh: “không được xây dựng thêm bất cứ hạng mục nào khác hoặc mở rộng quy mô công trình khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép”.

Ông Sơn khẳng định: “Chuyện mồ mả là vấn đề linh thiêng với mỗi gia tộc. Ai cũng vậy, gia tộc tôi cũng vậy, thế nên chúng tôi rất trân trọng. Trước khi thi công, xã, huyện đã nhiều lần mời hai bên lên xã để trao đổi nhưng phía họ Nguyễn Tất vẫn không có thái độ hợp tác”.

“Chúng tôi chỉ làm theo bản đồ quy hoạch cũng như sổ đỏ về phần đất mà công ty được cấp. Hiện trạng khu mộ Tổ (160m2) vẫn được giữ nguyên. Vậy mà họ căn cứ vào những bản sắc phong để đòi đến 3 sào đất là điều vô lý” – ông Sơn nói thêm.

Ông Sơn khẳng định đã chụp ảnh khu mộ và giữ nguyên hiện trạng. Những hài cốt mới được di dời là ở vị trí khác (vì sau chiến tranh, nới đây là nghĩa trang chung cả xã).

Trao đổi với ông Phạm Cao Quý: Cán bộ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa) ông Quý cho biết: Xét về mặt ý nghĩa: Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên, tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử như quê quán, công trạng và xếp hạng (nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng tôn thần), biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó; nó chứa đựng một số thông tin có thể bổ sung thêm lịch sử và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian.

Không thể phủ nhận những giá trị lịch sử nhưng mỗi thể chế chính trị đều có hệ thống pháp luật, pháp chế riêng. Thế nên không thể áp dụng những đạo sắc phong từ thời Lê cho thế kỷ 21.

Được biết, ở Việt Nam, một di tích khi đủ các điều kiện sẽ được công nhận theo thứ tự: di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

Và, hiện tại khu đất này không thuộc bất cứ cấp độ di tích nào.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/658482/thuc-hu-vu-pha-mo-to-o-yen-ninh-y-yen-nam-dinh