Thực hư về bài thuốc 'xuân dược' của vua Minh Mạng

Trong các tiệm thuốc đông y, nhiều lương y khẳng định có bản hoàn chỉnh của bài thuốc “phồn thực” của ông vua giữ kỉ lục về sức trai tráng. Chúng tôi đã có mặt tại đất kinh kỳ - quê hương của bài thuốc để tìm hiểu.

Thuốc Minh Mạng tại đường Lê Biểu và rượu ngự tửu

Dị bản quá nhiều

Trên đường Lê Biểu rợp bóng mát cây xanh, yên tĩnh, giữa các quán chè cung đình có một cửa hàng chuyên bán đặc sản Huế và không thể thiếu các thang thuốc Minh Mạng. Cô gái bán hàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc hợp mốt, liến thoắng giới thiệu về hai thang thuốc Minh Mạng của nhà thuốc y học cổ truyền Tôn Thất Nhật Phi (56 Lê Biểu, TP.Huế). Một loại lớn và một loại bé đều dùng để ngâm rượu. “Uống cái này vào thì bà nhà sẽ không cho anh đi mô (đâu). Lúc nào cũng rứa (thế) thì cô vợ nào không “yêu” chồng! Chỉ có hơn 100 nghìn đồng mà ông uống bà khen thì còn gì bằng?” - nói đoạn cô nở nụ cười bí hiểm. Sau khi mua mè xửng, tôm chua về làm quà, các quý ông thể nào cũng rút hầu bao mua “thần dược” để thể hiện sức mạnh đàn ông. Đứng bên cạnh chúng tôi, có ông sồn sồn còn giãi bày: “Ngộ (tôi) uống cái này vào thì tác dụng ghê lắm, hơn cả rượu ngâm cá ngựa vốn được dân chơi “tấn phong” cho cái danh hiệu là Viagra của đại dương”. Ngoài thang thuốc, cô em gái nhỏ còn đon đả chào mời loại rượu ngự tửu của cung đình cũng có tác dụng tương tự.

Rời đường Lê Biểu, chúng tôi tới đường Lê Huân nghe đâu khi xưa chỉ có vài căn nhà của quan lại triều Nguyễn bên ngoài đại nội nhưng nay đã biến thành phố xá đông đúc. Tại cửa hàng Thông Hương (số 97 Lê Huân, phường Thuận Hòa), chúng tôi được ông chủ giới thiệu tên cửa hàng ghép từ tên của hai vợ chồng. Ông chủ tên Thông năm nay khoảng 50 tuổi, tướng khỏe mạnh, khoe nhạc phụ là ông Nguyễn Phước Vĩnh Oai - hậu duệ đời thứ ba, thuộc nhánh thứ năm của vua Thiệu Trị (là con của vua Minh Mạng - P.V). Thang thuốc Minh Mạng này to hơn nhiều so với thang thuốc lúc nãy, mang tên người bào chế là Tôn Thất Thống.

Ông Thông khoe với chúng tôi về tên cửa hàng được lên báo và rót một ly rượu thuốc để mời khách. Giống như nhiều loại rượu thuốc khác, rượu này có màu vàng nhạt nhưng mùi thơm khó tả. Hiện các cửa hàng tại Huế đều nhận giao hàng tận nơi.

Vốn sinh ra và lớn lên tại đường Bạch Đằng, gần Tòa Khâm (phường Phú Hiệp, TP.Huế), lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư kí Hội Dược liệu TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thang thuốc Minh Mạng tại Huế hiện có rất nhiều dị bản, hơn 20 loại, chứ không phải là “loạn”. Các bài thuốc này được lưu truyền trong dân gian nhiều đời cho đến nay, được đồn là do vài vị ngự y chép được. Trong sách Nguyễn triều cố sự và huyền thoại về Danh lam xứ Huế (1996), tác giả Bửu Kế chép ra hai bài thuốc vua Minh Mạng theo tài liệu của lương y Tuệ Tâm: 24 vị thuốc trên ngâm với năm lít rượu tốt trong vòng bảy ngày. Lấy 150gr đường phèn nấu với một xị nước sôi cho tan, để nguội rồi đổ vô keo rượu thuốc, trộn đều, đến ngày thứ 10 đem dùng dần. Ngày ba lần, mỗi lần một ly nhỏ, sáng, trưa, chiều trước bữa ăn. Bã thuốc còn lại ngâm nước hai với ba lít rượu ngon - một tháng sau dùng tiếp.

Dựa vào kiến thức y học, câu chuyện “lục giao sanh ngũ tử” có lẽ là ngoa ngôn hay phóng đại. Chỉ ở trong thần thoại Hy Lạp, mới có thần Hercule trong một đêm gần... 50 cô gái đã làm thụ thai 49 cô. Dẫu sao, xét về số con của vua Minh Mạng thì hậu thế phải công nhận ông thuộc vào loại có khả năng tính dục tuyệt luân. Theo sử sách, hằng đêm, vua thức khuya để coi chương sớ từ các phiên trấn gửi về đến canh ba (11 giờ khuya) mới đi ngủ. Hoạt động chăn gối về đêm hăng như thế mà ban ngày vẫn thiết triều, cưỡi ngựa không biết mệt chứng tỏ Minh Mạng là một người có một “thể chất tiên thiên” bẩm sinh cường tráng. Những toa thuốc mà vua dùng chỉ là trợ lực cho đường sinh lý chứ không phải là chủ trị quyết định.

Theo lương y Phan Tấn Tô - Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có ít nhất là 25 dị bản “Minh Mạng thang” khác nhau được sưu tầm, phát hiện và công bố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các lương y ở Huế và cả nước chưa ai tìm thấy xuất xứ, nguồn gốc của bài thuốc. Nguyên nhân được lý giải rằng, bài thuốc thuộc loại tối mật của triều đình nhà Nguyễn do các ngự y trong thái y viện bốc riêng cho vua, không ai được phép bắt chước. Không chỉ là những câu chuyện truyền miệng, từ cách đây khá lâu có một nhóm lương y tại Huế (Lê Quý Ngưu, Phan Tấn Tô, Nguyễn Thanh Thọ...) đã âm thầm sưu tầm các tài liệu cổ để nghiên cứu các bài thuốc còn lưu trữ tại các gia đình hoàng tộc, hay các ngự y của triều đình Huế.

Hé mở sự thật

Là người sở hữu nhiều bài thuốc quý, lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Trưởng phòng khám Tuệ Lãn, quận 3, là học trò của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, cây cao bóng cả của ngành dược liệu Việt Nam - nói rằng, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành đều có công khai bán thuốc Minh Mạng nhưng nên mua tại Huế thì tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần lương y khám và chẩn đoán trước khi dùng thuốc Minh Mạng cho phù hợp với cơ địa của từng người.

Nhiều năm trong nghề bốc thuốc Nam, lương y đa khoa Nguyễn Thái Bình (Trưởng phòng khám Hoa Đà dược phòng, số 41/4E KP3 đường Tân Thới Hiệp 007, phường Tân Thới Hiệp, quận 12) cho biết: “Từ lâu, bài thuốc Minh Mạng còn vượt trội so với bài thuốc tráng dương của hoàng đế Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa. Cả hai bài trên có tác dụng đại bổ thận, bồi bổ thần kinh, gia tăng khí huyết, tăng cường sinh lực, mạnh gân cốt, bán thân bất toại, dương sự kém, tăng tuổi thọ”. Theo đó, bài thuốc gồm 22 vị, có hướng dẫn cách ngâm rượu và cách dùng cũng như mô tả sáu công dụng đặc biệt: đại bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, bồi bổ thần kinh; ngăn ngừa bệnh tật, trị khỏi đau lưng, nhức mỏi và bồi bổ cho sản phụ; người liệt dương (uống từ 1 - 2 tháng có thể có con); người khản tiếng, nói không to, uống thuốc nói được to tiếng; thận yếu lâu, bán thân bất toại, đi đứng không được...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bài thuốc thần dược chốn phòng the của vua Minh Mạng là có thật, nhưng đã có quá nhiều “dị bản”, chưa biết đâu là thật. Tuy nhiên, với cách nhìn và nghiên cứu của các lương y tại Huế, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... thì biệt dược này hoàn toàn tăng cường sức khỏe nhưng có tác dụng khác nhau với từng độ tuổi.

Vị vua của nhiều cái nhất

Vua Minh Mạng (ảnh, sinh năm Tân Hợi 1791, mất năm Tân Sửu 1841) có cả thảy 43 người vợ (gồm các bà hậu và phi được ghi danh đầy đủ trong “Thế phả Nguyễn phước tộc”) và 142 người con (gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Theo nhà nghiên cứu Huế - ông Phan Thuận An, trong số 13 đời vua nhà Nguyễn thì chỉ có hai vị vua tỏ ra quan tâm nhiều nhất đến tổ chức, hoạt động và hiệu quả của Thái y viện, đó là vua Minh Mạng (trị vì từ 1820 - 1840) và vua Tự Đức (trị vì 1847 - 1883). Là đấng anh quân, Minh Mạng chủ mệnh sử dụng hiền tài, tổ chức xây dựng và thiết kế kinh thành Huế và cả Hiếu Lăng nơi ông yên nghỉ sau khi qua đời.

Theo An Hòa (CATP)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/thuc-hu-ve-bai-thuoc-xuan-duoc-cua-vua-minh-mang-139232