Thực hư những bộ phận cơ thể này sẽ biến mất trong tương lai?

Có phải con người chuẩn bị tiến hóa thêm một bước, cái gì không cần thiết thì bỏ bớt cho đỡ vướng?

Theo miêu tả của Charles Darwin, có vô số bộ phận trên cơ thể người hầu như là vô dụng, không có chức năng gì đáng kể, và có lẽ trong giai đoạn tiến hóa kế tiếp, chúng sẽ biến mất chăng?

1. Lông cơ thể

Tất nhiên, có những vùng lông trên cơ thể vẫn đóng những vai trò nhất định, chẳng hạn lông mày giúp cho mồ hôi không chảy vào mắt, hay râu trên mặt đàn ông giúp họ trở nên cuốn hút hơn đối với người bạn đời tiềm năng... Còn đa số các loại lông khác trên cơ thể đều không có chức năng nào khác ngoài việc làm giàu cho các nhãn hiệu dao/kem cạo và dịch vụ tẩy lông.

2. Xoang mũi

Không ai biết rõ vì sao chúng ta vẫn còn giữ lại những khoang đựng nước nhầy đầy rắc rối này, có lẽ là để làm giảm trọng lượng của phần phía trước hộp sọ, tăng cường độ vang của giọng nói, và đóng vai trò là tấm đệm bảo vệ cho khuôn mặt khỏi các chấn động. Tất nhiên, khi bạn bị cảm thì chúng không còn dễ thương như thế đâu.

3. Cơ tai ngoài

Ở một số loài động vật như chó và thỏ, những chiếc cơ tai ngoài này giúp chúng cử động tai để lắng nghe âm thanh rõ hơn. Con người cũng có cơ tai ngoài, nhưng chỉ một số rất ít người có thể điều khiển được chúng để làm tai cử động, tất nhiên là để cho vui rồi, vì chúng không có chức năng hỗ trợ thính giác.

4. Răng khôn

Để tồn tại, tổ tiên của chúng ta ngày xưa phải ăn cả những loại thức ăn rất cứng và dai, chẳng hạn cây, rễ, hạt, thịt… khiến cho bộ răng của họ rất mau mòn, vì thế họ cần thêm những chiếc răng bổ sung vào một giai đoạn nào đó trong đời. Còn ngày nay, hàm răng của chúng ta không phải làm việc cật lực như vậy nữa nên chúng ta không còn cần đến chúng nữa. Có điều chúng vẫn chưa chịu hiểu ra điều đó và vẫn cứ xuất hiện trong nỗi đau đớn không sao tả xiết.

5. Xương sườn cổ

Đây là chiếc xương mọc ra từ đốt sống cổ thứ 7, tức là nằm ngay phía trên cặp xương sườn đầu tiên. Chỉ có 0,2-0,5% dân số mắc khuyết tật bẩm sinh này, ở một bên hoặc cả hai bên. Đây là đặc điểm bình thường của loài bò sát, nhưng nếu xuất hiện ở người, nó sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh và mạch máu xung quanh.

6. Cơ gan bàn tay

Đây là sợi cơ nhỏ kéo dài từ cổ tay đến khuỷu tay, và hiện tại chỉ còn xuất hiện ở 11% dân số. Sợi cơ này từng rất quan trọng đối với tổ tiên của chúng ta ngày xưa khi chúng giúp cổ tay linh hoạt hơn trong việc leo trèo và chiến đấu. Còn hiện tại, trừ khi bạn là vận động viên leo núi hay võ thuật, bạn hầu như không cần đến những sợi cơ này.

7. Đầu ti của đàn ông

Vì đàn ông không thể sinh con và không có khả năng tiết ra sữa nên đầu ti của họ cũng không có chức năng nào khác ngoài việc trang trí (và để cho người khác nghịch).

8. Cơ dựng lông

Ở động vật, cơ dựng lông giúp chúng xù lông trên cơ thể để hình thành cơ thế tự bảo vệ, tự làm ấm, hoặc đe dọa kẻ thù. Còn ở con người, chúng ta chỉ có thể dựng tóc gáy hoặc nổi gai ốc mà thôi, và vì có rất ít lông nên nó không đóng vai trò gì cả.

9. Ruột thừa

Dù gọi là ruột thừa nhưng nó không hẳn chỉ là khúc ruột thừa thãi mà thực chất, đây lại là nơi dự trữ nguồn vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa gặp rắc rối, chẳng hạn bị tiêu chảy, một số lượng lớn vi khuẩn có lợi trong đường ruột bị thất thoát, và nguồn vi khuẩn chi viện từ ruột thừa sẽ ngăn không cho các vi khuẩn có hại lợi dụng thời cơ xâm nhập. Tất nhiên, đó chỉ là giả thuyết của một số nhà khoa học. Cứ đợi đến khi họ bị viêm ruột thừa mà xem.

10. Xương sườn thứ 13

Các họ hàng gần của con người như tinh tinh và khỉ đột đều có một cặp xương sườn thứ 13, còn ở người, chỉ có 8% dân số có thêm chiếc xương thứ 13, mọc ra từ đốt sống ở thắt lưng. Nó không những không đóng vai trò gì mà còn gây đau ở thận.

11. Ngón chân

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trong khi ngày xưa, con người phải dựa vào các ngón chân để giữ thăng bằng trong khi đi lại, thì hiện tại, chúng ta giữ thăng bằng ở giữa lòng bàn chân nhiều hơn. Điều đó có nghĩa đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không cần dùng đến các ngón chân nữa.

12. Xương cụt

Đây là chiếc xương còn sót lại trong quá trình tiến hóa của con người, ở chỗ trước đây vốn là cái đuôi mà chúng ta thường thấy các loài động vật có vú sử dụng để giữ thăng bằng, giao tiếp, hay thể hiện tình cảm. Tất nhiên, chúng ta đã có thể làm tốt tất cả những điều đó mà không cần đến chiếc đuôi hay bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chiếc xương cụt.

13. Mi mắt thứ ba

Ở một số loài chim và động vật có vú, đôi mắt chúng có một tấm màng mỏng để bảo vệ mắt và gột sạch bụi bẩn cũng như vật thể lạ. Dù vậy ở người, chúng ta chỉ còn một nếp gấp nhỏ nằm ở khóe trong của mắt, và nó không có chức năng nào cả.

14. Chóp nhọn vành tai

Đây là một phần da nhọn nằm phía trên vành tai, thỉnh thoảng xuất hiện ở một số người. Có lẽ đây là vết tích còn sót lại của một vành tai nhọn hơn, giúp con người cổ xưa nghe rõ hơn những âm thanh ở xa.

15. Cơ dưới đòn

Hai sợi cơ mảnh nằm phía dưới vai này chỉ có tác dụng khi con người chúng ta còn đi lại trên bốn chi vì nó giúp xương vai hạ xuống và tiến về phía trước trong khi di chuyển. Hiện tại thì chỉ có một số ít người còn sót lại sợi cơ này, có người có một, có người có cả hai.

Theo Thao D/Thethaovanhoa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/thuc-hu-nhung-bo-phan-co-the-nay-se-bien-mat-trong-tuong-lai-232386/