Thực hư ma túy ẩn trong con tem

Gần đây rộ lên thông tin về con tem giấy gây ra các bệnh tâm thần nguy hiểm, thậm chí tử vong, đang được giới trẻ, trong đó có cả học sinh dùng khiến nhiều người rất hoang mang...

Gần đây rộ lên thông tin về con tem giấy gây ra các bệnh tâm thần nguy hiểm, thậm chí tử vong, đang được giới trẻ, trong đó có cả học sinh dùng khiến nhiều người rất hoang mang, nhất là các bậc phụ huynh (báo SK&ĐS đã đăng bài trên số 151 ra ngày 19/9). Vậy thực chất các con tem giấy này là gì, chúng nguy hại thế nào?

Ma túy ẩn trong con tem

Có nhiều loại ma túy được mua bán và sử dụng bất hợp pháp, chủ yếu là nhóm opioid (thuốc phiện) như heroin và nhóm kích thần (ma túy đá) như ecstasy. Các ma túy này thường được dùng dưới dạng uống, hít, hút, tiêm tĩnh mạch với liều sử dụng tương đối lớn (20mg heroin, 50mg ecstasy). Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, có một loại ma túy có liều sử dụng rất thấp, chỉ 500 microgam cho mỗi liều, nghĩa là khối lượng chỉ bằng một phần trăm so với các loại ma túy truyền thống, đó chính là Lysergic Diethylamide axit (LSD).

LSD là một chất gây ảo giác cực mạnh, nó làm thay đổi hoạt động tâm thần của người dùng, bao gồm thay đổi nhận thức về môi trường xung quanh, thay đổi cảm giác và cảm xúc. Nó được sử dụng chủ yếu như một loại thuốc giải trí và cho lý do tinh thần. LSD thường được nuốt hoặc đặt dưới lưỡi. Nó thường được bán trên giấy thấm, một viên đường, hoặc gelatin. Nó cũng có thể được tiêm.

Tem giấy tẩm chất ma túy gây ảo giác.

Mặc dù LSD nhạy cảm với ôxy, ánh sáng cực tím và clo, nhưng nếu chúng được cất giữ ở nơi tránh ánh sáng, có độ ẩm và nhiệt độ thấp thì có thể bảo quản được trong nhiều năm. Ở dạng tinh khiết, LSD có màu trắng và không có mùi. Liều tối thiểu để gây ra tác dụng trên tâm thần của người dùng là 20-30microgram (phần triệu của gram).

LSD lần đầu tiên được tổng hợp bởi Albert Hofmann ở Thụy Sĩ vào năm 1938 từ ergotamine, một hóa chất có trong nấm cựa gà. Tên phòng thí nghiệm cho các hợp chất là từ viết tắt của tiếng Đức “Lyserg-säure-diäthylamid”, theo sau là một số tuần tự: LSD-25. Hofmann cũng là người phát hiện ra tính chất gây ảo giác của nó vào năm 1943. LSD được giới thiệu như một loại thuốc thương mại dưới tên Delysid cho sử dụng trong tâm thần vào năm 1947. Trong những năm 1950, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng loại thuốc này có thể có ích cho kiểm soát tâm trí, có thể sử dụng như một vũ khí hóa học làm tê liệt khả năng chiến đấu của đối phương trong chiến tranh. Trong những năm 1960, LSD được giới trẻ phương Tây sử dụng như một chất giải trí.

LSD bị các thành viên Liên hợp quốc yêu cầu cấm bán từ năm 1971, do đó việc buôn bán và sử dụng LSD là bất hợp pháp ở tất cả các nước đã tham gia công ước, trong đó có Mỹ, Úc, New Zealand và hầu hết các nước châu Âu. Tuy nhiên, việc thực thi luật khác nhau giữa các quốc gia.

Tác hại của LSD

LSD không được sử dụng trong y học. Sau khi hấp thu vào cơ thể, LSD tác động lên các tế bào thần kinh hệ dopamine, gây tăng tiết dopamine ở các tế bào này, tạo ra các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng và ảo giác. Thuốc được hấp thu dễ dàng khi được ngậm trong miệng, thời gian đạt nồng độ tối đa trong máu của LSD là 3 giờ, thời gian bán thải của chất này là 5 giờ. LSD được thải chủ yếu qua nước tiểu nên để tìm chất này trong cơ thể, người ta có thể xét nghiệm huyết tương hoặc nước tiểu.

Ảnh hưởng của LSD đối với cơ thể.

LSD không gây nghiện như các loại ma túy khác. Tuy nhiên, chỉ một liều rất nhỏ (từ 40-500microgam) chất này cũng đủ gây ra hoang tưởng hoặc ảo giác cho người sử dụng. Hoang tưởng hay gặp là hoang tưởng tự cao và có thể có hoang tưởng bị hại. Ảo giác của người dùng thường là ảo thị giác (nhìn thấy những hình ảnh không có thật) hoặc ảo thanh (nghe thấy tiếng người nói bên tai). Các triệu chứng này thường kéo dài vài giờ rồi hết. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao hoặc sử dụng kéo dài, các hoang tưởng này sẽ rất bền vững và có thể tồn tại nhiều năm mặc dù không còn sử dụng LSD.

Do chỉ cần một lượng nhỏ LSD đã đủ gây ra ảo giác, hoang tưởng nên LSD thường được tẩm vào các mẩu giấy thấm nhỏ, trông giống như những con tem, đặt trên lưỡi để ngậm. Vì vậy, chúng rất khó bị phát hiện trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ.

Việc điều trị người bị loạn thần do LSD gây ra cần được tiến hành tại khoa tâm thần. Bệnh nhân cần được sử dụng thuốc an thần (haloperidol, olanzapine, quetiapine) tương tự như điều trị tâm thần phân liệt. Do hoang tưởng và ảo giác của người sử dụng LSD dài ngày là rất mạnh và bền vững nên quá trình điều trị cho bệnh nhân thường mất nhiều thời gian và rất tốn kém.

Sự thật về các con tem giấy chứa ma túy lưu hành hiện nay

Tuy nhiên, do LSD là một loại vũ khí hóa học bị cấm trên toàn thế giới, khó chế tạo nên giá thành của chúng không rẻ và không quá phổ biến. Hiện nay, nhiều kẻ đã sử dụng các chất khác thay thế cho LSD, tẩm vào giấy thấm (con tem) để bán, nói cách khác, đó là hàng nhái LSD.

Từ năm 2005, tại Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới, người ta đã thu giữ một số hóa chất và sự hỗn hợp của các chất hóa học trong giấy thấm đã được bán như là bắt chước LSD. Các chất này bao gồm DOB, hỗn hợp của DOC và DOI, 25I- NBOMe và một hỗn hợp của DOC và DOB. Người dùng quen LSD sẽ nhận ra rằng giấy thấm LSD gây ảo giác mạnh hơn rất nhiều lần so với các loại chất nhái LSD nêu trên. Các chất ma túy nhái này có tác dụng tương tự như LSD, nhưng chúng rẻ hơn và gây hoang tưởng, ảo giác kém hơn rất nhiều. Khi làm ra con tem nhái LSD chúng sẽ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất: Lợi dụng cái mác của LSD để bán hàng giá cao, thu nhiều lợi nhuận hơn. Không phải ai sử dụng ma túy cũng phát hiện ra đó là hàng nhái, chỉ những người có kinh nghiệm sử dụng LSD mới biết. Tác dụng của các chất hàng nhái này chủ yếu là gây phấn khích, sảng khoái cho người sử dụng trong vài giờ. Tình trạng hưng phấn nhẹ này khiến người sử dụng cảm thấy hết mệt mỏi, vui vẻ, lạc quan, tăng tự tin, giảm buồn ngủ... Chúng tuy không độc hại bằng LSD, nhưng thực chất thì vẫn là ma túy, vẫn rất độc cho hệ thần kinh trung ương. Nếu dùng thường xuyên, bệnh nhân vẫn bị trầm cảm, sa sút về trí nhớ và trí tuệ.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-ma-tuy-an-trong-con-tem-n122690.html