Thực hư chuyện Đà Nẵng thu tiền vé xe tại cơ sở y tế công lập

UBND TP Đà Nẵng đã chính thức lên tiếng về việc báo chí đưa thông tin TP sẽ tiến hành triển khai thu phí giữ xe tại các điểm y tế công lập.

Tại cuộc họp UBND TP Đà Nẵng chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp thứ 4 của HĐND TP vào ngày 13/6 vừa qua, do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì, có nội dung thảo luận liên quan phí, lệ phí khi chuyển sang phí dịch vụ, trong đó có bàn về phí trông giữ xe tại các cơ sở y tế công lập đã đưa vấn đề có nên tiếp tục thực hiện hay xem xét đề nghị bãi bỏ nội dung không thu tiền giữ xe đạp, xe gắn máy tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Vì mỗi năm TP Đà Nẵng phải dùng tới gần 5 tỷ đồng tiền ngân sách để hỗ trợ cho việc thực hiện miễn phí gửi xe tại các cơ sở y tế công lập.

Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện không thu phí trông giữ xe tại các cơ sở y tế công lập.

Sau khi ý kiến được đưa ra thảo luận đã xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều cho rằng, tuy chỉ vài ngàn đồng gửi xe nhưng với các bệnh nhân nghèo, hay các bệnh nhân phải nằm viện dài ngày, người thân mỗi ngày năm, bảy lượt ra vào chăm sóc thì tổng chi phí cho việc gửi xe là cả gánh nặng đối với họ, nhất là với những người thậm chí không đủ ăn để nằm điều trị bệnh.
Việc thu lại tiền gửi xe không phải là điều quá quan trọng về giá trị vật chất nhưng lại là điều rất đáng tiếc cho một chủ trương lớn mang tính chia sẻ với người bệnh trong mọi hoàn cảnh, chứ không riêng chuyện “đói nghèo”, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế người bệnh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải làm sao cho chủ trương nhân văn này được áp dụng đúng người, đúng đối tượng để không tạo gánh nặng lên ngân sách. Cần tìm ra cơ chế phù hợp để tiếp tục chia sẻ với các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo.
Theo quy định tại khoản 10, Mục IV Điều 1 Nghị quyết số 105/2010/NQ-HĐND ngày 03/12/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng và được áp dụng từ ngày 1/1/2011. Qua hơn 6 năm thực hiện, chủ trương này đã góp phần giảm chi phí cho người dân đến thăm, khám chữa bệnh tại các Bệnh viện công lập, nhất là đối với bệnh nhân nghèo, gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, cũng đã nảy sinh một số bất cập khi có một số cá nhân đã lợi dụng chính sách này đến gửi xe tại Bệnh viện, Bệnh viện bị quá tải. Ngân sách chỉ hỗ trợ kinh phí cho người lao động giữ xe, còn các khoản chi phí như điện, nước, sửa chữa nhỏ không có nguồn kinh phí để thực hiện, dẫn đến việc không đảm bảo an toàn xe của người gửi.
Trước những ý kiến trên, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có trả lời chính thức về việc này. Theo đó, thảo luận về việc xem xét lại chủ trương này của UBND TP không phải là do những bất cập nêu trên mà xuất phát từ các quy định mới của pháp luật .
Bởi lẽ, Nghị quyết trước đây của HĐND về chủ trương này thực hiện theo Pháp lệnh Phí và Lệ Phí. Đến năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Phí, lệ phí (số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 thay thế cho Pháp lệnh Phí và Lệ phí) có quy định danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá trong đó có phí trông giữ xe được chuyển sang dịch vụ trông giữ xe và thực hiện theo Luật Giá. Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 thì nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá.
Nếu không thực hiện nghiêm túc Luật Phí, lệ phí, Luật Giá và Luật Ngân sách khi kiểm toán không chỉ bị xuất toán những khoản chi không đúng quy định, mà còn phải chịu trách nhiệm đối với việc triển khai thực hiện.
Tại cuộc họp, vấn đề này đang được thảo luận để báo cáo HĐND. Theo tinh thần cuộc họp thì việc không thu phí trông giữ xe tại các cơ sở y tế công lập vẫn tiếp tục được triển khai thực hiện theo Nghị quyết của HĐND thành phố năm 2010 . Đồng thời, UBND TP sẽ báo cáo HĐND về việc thực hiện các quy định của Luật Phí, lệ phí, Luật Giá, Luật Ngân sách mới ban hành để HĐND TP Đà Nẵng thảo luận cho ý kiến quyết định.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuc-hu-chuyen-da-nang-thu-tien-ve-xe-tai-co-so-y-te-cong-lap-290694.html