Thực hư chuyện bóng đá Việt Nam đứng hạng 3 thế giới về tiêu cực

“Gần đây, V.League đã được bầu chọn là giải đấu xếp thứ 3 trên thế giới về mặt tiêu cực”. Lời mô tả trong một bài viết được tờ The Guardian dẫn lại này khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi lăn tăn. Vậy bảng xếp hạng tiêu cực đó rốt cuộc là như thế nào?

Văn Quyến và nhóm cầu thủ "bán độ" của U23 Việt Nam năm 2005 (Ảnh: Vietnamnet)

Điều gì khiến bóng đá Việt Nam được nhắc tên?

“Ma túy, mafia và những kẻ giết người: 10 giải đấu thối nát nhất mọi thời đại”. Đó là tiêu đề của bài viết do Jon Spurling đăng trên trang Sabotage Times vào năm ngoái, cũng chính là “bảng xếp hạng tiêu cực” vừa được nhắc tới ở trên. Thật khó để xác định tiêu chuẩn mà tác giả áp dụng để đánh giá các nền bóng đá, cũng như tính chính xác của nó. Nhưng dù sao, những điều được nhắc đến trong đó về bóng đá Việt Nam cũng đều là những câu chuyện có thật.

Tác giả mở đầu phần mô tả về V.League bằng phát biểu cách dây hơn 10 năm của ông Nguyễn Trọng Hỷ, đại ý là cần phải loại bỏ những “con sâu” đang làm hại bóng đá Việt Nam. Đó là thời điểm ông Hỷ còn là chủ tịch VFF, còn bóng đá Việt Nam thì đang chìm trong nỗi ám ảnh tiêu cực.

Không lâu sau khi trọng tài Lương Trung Việt bị khởi tố vì nhận hối lộ để giúp câu lạc bộ Đông Á – Thép Pomina thăng hạng V.League, đến lượt đội tuyển U23 Việt Nam vướng vào “đại án Bacolod”. 7 tuyển thủ, trong đó có ngôi sao hàng đầu Phạm Văn Quyến, kết thúc kỳ SEA Games tại Philippines không phải với chiếc huy chương bạc như các đồng đội, mà là án tù cho tội danh đánh bạc và dàn xếp tỉ số.

Bóng đá Việt Nam được nhắc đến trong danh sách của Sabotage Times ở vị trí thứ 3 không phải vì ma túy, mafia hay giết người như tiêu đề bài viết. Tác giả Spurling cũng chỉ dừng lại ở sự kiện năm 2005, nhưng bóng ma tiêu cực thì vẫn luôn đeo bám V.League qua từng mùa giải. Câu chuyện của Đồng Nai và Xi Măng The Vissai Ninh Bình, hay những nghi án bẻ còi, nhường điểm ở giải vô địch quốc gia đều chứng minh cho nhận định trong bài viết trên The Guardian: "một giải đấu ngập tràn những bất cập từ công tác tổ chức tới chuyên môn và trọng tài".

Xi Măng The Vissai Ninh Bình đã giải thể sau vụ tiêu cực năm 2013 (Ảnh: Dân trí)

Những câu chuyện khác

Những thông tin được đưa ra trong bài viết của Sabotage Times không sai. Tuy nhiên nếu nói bóng đá Việt Nam nằm trong nhóm "thối nát nhất mọi thời đại" thì có phần hơi oan uổng. Thực tế thì với những gì được đề cập tới trong bản danh sách, sẽ là hợp lý hơn nếu gọi đây là "những vụ bê bối tai tiếng nhất ở các giải đấu". Người hâm mộ Việt Nam vì thế mà có thể bớt phần tự ái, dù rằng điều đó cũng không thể chối bỏ sự thật về tiêu cực của bóng đá nước nhà.

Trở lại với "bảng xếp hạng", V.League đứng thứ 3, vậy phần còn lại thì sao?

Chúng ta có thể nhìn thấy những cái tên mà gần như chẳng bao giờ được nhắc đến trên bản đồ bóng đá thế giới là Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Goa (một tiểu bang của Ấn Độ). Một giải đấu được nhắc đến vì nạn biển thủ tiền vé, trong khi nơi còn lại mang tai tiếng vì những trận đấu được dàn xếp kết quả với cách biệt tỉ số lên đến hàng chục bàn.

"Vùng trũng" Đông Nam Á góp thêm một đại diện là Malaysia. Bóng đá nước này trải qua vụ bê bối lớn vào năm 1994, cũng vì hối lộ và dàn xếp tỉ số. Hàng loạt huấn luyện viên và cầu thủ, trong đó có cả các thành viên của đội tuyển quốc gia Malaysia đã phải nhận những án phạt nặng. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Ba Lan và Romania (cùng năm 2008).

"Ma túy, mafia và những kẻ giết người" ứng với 3 giải đấu là Albania, Colombia, Italy. Đây đều là những nền bóng đá từng trải qua thời kỳ bị chi phối bởi các tập đoàn tội phạm. Ông trùm ở Albania, Adrian Cobo bỏ mạng vì bị bắn khi đang bàn chuyện làm ăn với một trọng tài, trong khi cái chết của tuyển thủ Colombia Andres Escobar thì đã quá nổi tiếng. Với Italy thì dù không có đổ máu nhưng vụ Calciopoli đủ khiến cho giải vô địch quốc gia nước này điêu đứng trong vài năm.

Pha đá phản lưới nhà được cho là nguyên nhân khiến Escobar mất mạng

Vị trí cuối cùng trong danh sách thuộc về bóng đá Đức, nhưng không phải Bundesliga mà là Oberliga, giải VĐQG của Đông Đức trước đây. Câu lạc bộ Dynamo Berlin, dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng an ninh CHDC Đức (Stasi) Erich Mielke trở thành đế chế độc tài ở giải đấu này. Không chỉ vậy, theo như một tài liệu đã được công bố, ngôi sao của đội bóng là Lutz Eigendorf đã bị đặc vụ của Stasi ám sát sau khi bỏ trốn sang phía bên kia bức tường Berlin.

Anh Ngọc

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-thao/thuc-hu-chuyen-bong-da-viet-nam-dung-hang-3-the-gioi-ve-tieu-cuc-128642