Thực hư bí ẩn về 'hầm cổ chứa vàng' ở Hà Nam

Hầm cổ dần được lộ diện trong một lần chủ nhân đào đất. Hơn chục năm qua, những “cò mồi” đã tìm đến đòi chia chác, cùng với cả những lời đồn đại và những “chuyện lạ” đã khiến cho chủ nhân và mọi tin rằng dưới hầm có chứa vàng.

Bí ẩn chiếc hầm nằm trong lòng núi đất

Căn hầm được phát hiện tại ngọn núi sau nhà ông Lê Đình Bảng (sinh năm 1964, trú tại thôn Thong, xã Thanh Tâm, H. Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) nhiều năm qua. Điều đặc biệt là sau hơn chục năm phát hiện, căn hầm này vẫn chưa được khám phá. Với ông Lê Đình Bảng và người dân địa phương, câu chuyện về chiếc hầm cổ và mảnh đất nơi mình đang sinh sống liệu có chứa vàng hay không là cả những truyền thuyết ly kỳ và hấp dẫn.

Ngôi nhà của ông Bảng đang sống hiện tại, phía sau là ngọn đồi được xem là nơi cấu giấu kho vàng.

Vào năm 1987, ông Bảng đã lấy vợ, sinh được một người con trai. Do muốn có một mảnh đất riêng để làm ăn, nên ông Bảng quyết định mua mảnh đất này và cùng vợ và con chuyển từ nhà bố mẹ cách đấy 500m ra đây sinh cơ lập nghiệp. Năm 1993, ông Bảng có mua một chiếc xe công nông để chở đất vùng đằng sau núi nhà mình đi bán cho những người họ cần đất để xây nhà, lấp ao, hồ…. kiếm thêm thu nhập. Năm 1995, cũng như mọi ngày, ông Bảng xúc đất để mang đi bán thì phát hiện ra ở trong lòng đất núi có một căn hầm bí ẩn. Mới đầu ông phát hiện ra những viên gạch với chiều dài khoảng 30cm, rộng, to và chắc chắn. Trên những viên gạch này có khắc hình búa liềm cùng một vài chữ Hán mà ông và mọi người không thể dịch được. Những viên gạch này khá dẻo, tuy nhiên khi ông lấy thử một vài viên và mang phơi, qua ngày hôm sau viên gạch trở nên rắn chắc hơn nhất nhiều. Nghi ngờ là có gì đó ở bên trong chiếc hầm này, ông cũng đã cố tình đào sâu vào thêm. “Căn hầm rất rộng. Tôi chưa đào hết nhưng thấy thì khoảng tầm chiều ngang 8m, chiều dài và đáy thì vẫn chưa biết được khoảng bao nhiêu, vì chỉ đào được 50m sâu vào trong lòng thì dừng lại. Căn hầm này không có cửa, kín và hiện nay cây cối mọc um tùm:, ông Bảng kể.

Khi phát hiện ra căn hầm, người dân và ông Bảng hết sức hoang mang và tin rằng trong hầm này có chứa vàng hoặc kho báu. Đến lúc này, những lời đồn đại và cả những câu chuyện ly kỳ bí ẩn tưởng chừng đã vùi quên theo lớp bụi thời gian từ nhiều năm trước bỗng lại sống dậy.

Ông Bảng giới thiệu về chiếc hầm mộ mình đã phát hiện ra.

Từ khi phát hiện căn hầm này, người dân tại địa phương đã rộ lên chuyện rằng trước đây, những người giàu có tại địa phương khi mất đi hoặc do chiến tranh loạn lạc đã chôn vàng, để cất giấu vàng thật cẩn thận và không ai có thể lấy được. Ông Bảng cho biết rằng: “Theo tôi suy luận thì tôi khẳng định có vàng ở nơi này thật. Ở đây có lẽ là một thời kì phát triển rất hưng thịnh và giàu có, họ mới có thể xây những hầm to và chắc chắn như thế này. Bởi ở những năm 1930 -1945 thời kì chiến tranh, lúc đó dân ta nghèo đói, thậm chí chết chỉ có manh chiếu để quấn thì lấy đâu ra tiền mà nung gạch, xây hầm mộ như thế này. Những viên gạch rất to và chắc, chiều ngang của nó phải 30 cm có và có khắc hình búa liềm. Trải qua hàng trăm năm và vẫn không bị phong hóa nhiều".

Những cuộc “thương lượng chia chác” hầm vàng có một không hai

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Văn Lung ( hàng xóm ngay sát nhà ông Bảng) cho biết: “Sau khi phát hiện ra hầm này, cũng có rất nhiều những người đã đến đây và đặt vấn đề khai thác. Tuy nhiên để khai thác được ngôi hầm mộ này cũng hết sức khó khăn. Còn về bản thân tôi, mặc dù còn nhiều hoài nghi nhưng tôi cũng có cùng suy đoán với ông Bảng, tôi cũng tin cũng có khả năng là có kho báu thật. Bởi ngay từ ngày xưa mà đã có khu hầm mộ chắc chắn, cùng với những miếng gạch có khắc hình hài như vậy, thì chứng tỏ đây là một trong những thời kì hưng thịnh và phát triển đỉnh cao, và việc họ xây dựng hầm mộ để cất giấu vàng bạc.”

Từ khi ông Bảng tìm ra chiếc hầm mộ đằng sau nhà mình, đã có rất nhiều những người dân ở địa phương, hay cả những người ở nơi khác tìm đến nhà ông. Khi đến đây, họ có mang theo một chiếc máy rà vàng, và ra khắp khu vực xung quanh khu vực. Theo ông Bảng thì hầu như khi rà xong, khu vực này quanh hầm mộ máy rà cũng kêu cho thấy có dấu hiêu của kim loại ở bên dưới. Họ rà xong bắt đầu đặt vấn đề với ông Bảng. Họ thuyết phục ông Bảng, nếu cho họ khai thác có thể chia với phần trằm là 50/50. Và họ nói nếu ông Bảng tự khai thác, sẽ không lấy được gì dưới đây cả, có đào lên cũng chỉ toàn đất. Bởi họ có có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, họ biết tách những hợp chất ở bên đó để lấy vàng, họ biết “giải bùa”, biết định vị nơi nào có vàng. Hoặc cũng có người đến thuyết phục và đưa ra những món lợi “hậu hĩnh” mà ông Bảng có thể được nhận khi đồng ý cho họ khai thác. Và họ cũng đặt giả định, nếu không có gì ở bên dưới, thì cũng vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên ông không chấp nhận.

Chiếc hầm cổ được cho là nơi cất giữ kho báu.

Ông Bảng cho biết rằng khu vực núi quanh nhà ông Bảng được gọi là khu núi Trọc, xung quanh đó là Núi Tháp và núi Bàn Cờ. Những vùng núi này cách đây khoảng 6 năm đã được công ty cổ phần xi măng Tràng An này mua lại. Khi đã kí kết hợp hợp đồng, đã bàn giao đất và đền bù cho người dân. Tuy nhiên không hiểu lí do vì sao khi công ty này mua mảnh đất này xong lại bị phá sản và không thi công được. Sau đó, số đất này lại được bàn giao công ty cổ phẩn xi măng Xuân Thành, tuy nhiên đến bây giờ, công ty Xuân Thành vẫn nằm trong trạng thái “bất động”, chưa tiến hành khai thác hay có động thái thi công gì.

Và khi ông Bảng phát hiện ra khu hầm mộ, nhiều đoàn khao cổ, nghiên cứu ở trên tỉnh Hà Nam cũng bắt đầu về xã làm việc và tiến hành nghiên cứu. Theo ông Bảng cho biết đã có khoảng 4 đoàn nghiên cứu về làm việc với gia đình ông. Ông cũng có nghe loáng thoáng họ trả lời rằng đây có thể là khu hầm cổ đã có được cách đây khoảng 2000 năm. Những viên gạch này, khi đưa ra phơi nắng sẽ cứng lại và vẫn còn rất chắc chắn.

(Còn nữa)

Cẩm Vân

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/thuc-hu-bi-an-ve-ham-co-chua-vang-o-ha-nam-181181/