Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đổi mới

Trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ, bất trắc, khó lường của tình hình thế giới trong những thập niên cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, cùng với đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội VI năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung trí lực hình thành và ngày càng hoàn thiện đường lối đối ngoại đổi mới.

Cơ sở hình thành đường lối đối ngoại đổi mới Nếu Đại hội VI trong tư duy lý luận về đối ngoại Đảng ta chủ trương phải xóa tình trạng bao vây cấm vận, thêm bạn bớt thù để mở cửa và hội nhập quốc tế thì đến Đại hội VII Đảng đã thấy rõ cách thức mở cửa hội nhập là đa dạng hóa, đa phương hóa, trở lại với tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, Việt Nam là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Cùng với việc dựa chắc vào tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và không ngừng theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã dần dần bổ sung và hoàn chỉnh đường lối, xác định rõ nhiệm vụ, phương châm, phương hướng cho hoạt động đối ngoại trong những đại hội tiếp theo. Có thể khẳng định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam là chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì những mục tiêu chung của nhân loại, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Phát huy những truyền thống tốt đẹp trong đối ngoại Việt Nam của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh là: Hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác, nhân ái, văn minh, đường lối đối ngoại đổi mới của Việt Nam trong gần 1/4 thế kỷ qua đã đạt những thành tựu to lớn, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của công cuộc đổi mới ở Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, rộng mở, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, lần đầu tiên Việt Nam đã có quan hệ rộng rãi với tất cả các nước lớn, các chủ thể quan trọng nhất trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 172 nước, là thành viên của các tổ chức quốc tế, là đối tác thương mại, tham gia đầy đủ và tích cực vào tất cả các diễn đàn của quốc tế và khu vực; thu hút đầu tư và có quan hệ với hơn 600 tổ chức phi chính phủ tham gia trong sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam. Việt Nam từ một nước thuộc địa – phong kiến trở thành một quốc gia thống nhất, độc lập, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Thực lực của đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ví von một cách hình ảnh như “cái chiêng” đã không ngừng lớn mạnh, đó là cơ sở để “cái tiếng” của nó vang xa, đưa Việt Nam có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và được tín nhiệm hai lần là chủ tịch trong một nhiệm kỳ. Ba chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc thế kỷ XX do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là: Thứ nhất, giành chính quyền về tay nhân dân lao động bằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng tổ chức và lãnh đạo duy nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX, mở đầu trào lưu phi thực dân hóa trên thế giới năm 1945. Thứ hai, đánh thắng nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh, kết liễu chủ nghĩa thực dân cũ, đánh sập một bước quan trọng chủ nghĩa thực dân mới, được thế giới thừa nhận như chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống đế quốc, làm cho thế kỷ XX là thế kỷ thắng lợi của các dân tộc bị áp bức giành toàn thắng trong cách mạng giải phóng dân tộc. Thứ ba, kịp thời phát hiện, đề ra và thực hiện thắng lợi một bước quan trọng đường lối đổi mới, giữ vững định hướng, giữ vững ổn định kinh tế xã hội đi vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là điểm tựa tạo niềm tin cho toàn dân tộc vào Đảng trong hành trang quý báu để vững bước đi vào thế kỷ XXI. Trong bối cảnh mở cửa hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, trước những tác động mạnh mẽ từ sự phát triển nhảy vọt với những thành tựu to lớn của khoa học – công nghệ và nhiều thách thức đặt ra từ kịch biến dẫn đến sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, “con tàu” Việt Nam vươn ra thế giới đang đón nhận nhiều thời cơ lớn và cũng không ít nguy cơ, cần bình tĩnh, chủ động xử lý trong các mối quan hệ chính trị quốc tế. Với thế giới, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là rõ ràng, nhất quán, trước sau như một. Việt Nam là một bộ phận của thế giới. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Chủ trương trước sau như một của đối ngoại Việt Nam là hòa bình, hợp tác, hữu nghị và cùng có lợi. Việt Nam chủ trương trong quan hệ với các nước, các dân tộc phải bảo đảm độc lập, tự chủ, kiên quyết bảo vệ lợi ích dân tộc chân chính, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ở trong nước, khu vực và trên toàn thế giới. Đường lối đối ngoại của Việt Nam phải trực tiếp góp phần vào đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cụ thể là làm cho thực lực đất nước vững mạnh đủ sức đề kháng trước mỗi mưu toan xâm lược của các thế lực thù địch. Đồng thời, đường lối đối ngoại Việt Nam khẳng định nhiệm vụ phải góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì mục tiêu chung của loài người cho ba cuộc giải phóng lớn: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của đối ngoại Việt Nam là thực lực, là tinh thần độc lập tự chủ, tự cường. Sức mạnh của Việt Nam là chính nghĩa và quan hệ với các nước trong sáng, thủy chung giúp đỡ lẫn nhau hợp tác cùng có lợi. Lịch sử dân tộc Việt Nam trên hành trình dựng nước và giữ nước đã kiểm chứng một bài học sáng giá là không “nhất biên đảo”, nghĩa là không dựa vào một bên để chống lại một bên. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đổi mới Từ khi thành lập Đảng và lập nước, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất quan tâm đến công tác đối ngoại, coi đối ngoại là sự tiếp tục của đối nội. Tư tưởng đối ngoại của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ khi trả lời nhà báo Mỹ Mây-si tháng 9-1947: Đường lối đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Lịch sử hiện đại của Việt Nam đã khẳng định điều này. Là bạn với tất cả các nước, không tìm chỗ dựa là tư tưởng nhất quán trong chủ trương đối ngoại của Việt Nam. Lịch sử đấu tranh giành chính quyền đã cho thấy việc đi tìm cho mình một chỗ dựa (cách của Phan Chu Trinh tìm ở Pháp; Phan Bội Châu tìm ở Nhật Bản và Bùi Viện tìm ở Hoa Kỳ) những năm đầu thế kỷ XX đã không thực hiện được. Hồ Chí Minh cũng đi ra nước ngoài như các bậc cha anh, nhưng là để học cái hay, cái tốt của các nước về giúp dân, giúp nước chứ không tìm chỗ dựa. Nhờ tư tưởng này, Việt Nam đã chủ động chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong suốt 30 năm, trong bối cảnh có bất đồng lớn trong phong trào cộng sản quốc tế, chúng ta một lần nữa, với bản lĩnh Hồ Chí Minh và bản lĩnh của một đảng Mác – Lê-nin chân chính đã xử lý hết sức đúng đắn các mối quan hệ. Là tiền đồn của phong trào cộng sản, của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, tự lực tự cường, tranh thủ sự đoàn kết quốc tế của tất cả các lực lượng, chúng ta không ngả vào một bên để chống một bên. Thắng lợi của cuộc chiến đấu 30 năm một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, sáng ngời chính nghĩa. Đánh giá đúng diễn tiến của lịch sử thế giới, nhận rõ bạn – thù và đồng minh ở mỗi thời điểm lịch sử cụ thể, tương quan lực lượng cụ thể trên trường quốc tế để đặt chủ trương, đề ra các quyết sách thực hiện mục tiêu của dân tộc và góp phần thực hiện những mục tiêu của nhân loại tiến bộ là một thành công lớn của đối ngoại Việt Nam. Trước những mưu toan "diễn biến hòa bình" hết sức cấp tập, hết sức tinh vi xảo quyệt của chủ nghĩa đế quốc đối với nước ta hiện nay, mà R.Nichxơn đề xuất phải dùng “bốn đột phá khẩu: dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo” để tiêu diệt chủ nghĩa xã hội… Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bình tĩnh và giải quyết tương đối chính xác để không lẫn lộn, đánh giá những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thành mâu thuẫn địch ta và ngược lại. Thành công này đã làm cho các mưu đồ gây rối, gây bạo loạn, gây chia rẽ của các thế lực thù địch không thực hiện được. Các thế lực đế quốc không có cơ hội để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Trong bối cảnh thế giới đang vận động để hình thành một trật tự mới thay thế cho trật tự hai cực tan rã, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trên đường ra biển lớn hội nhập quốc tế, bên cạnh thời cơ và vận hội, chúng ta cũng gặp không ít nguy cơ, thách thức, đối mặt với không ít những tác động mặt trái của cơ chế thị trường. Chúng ta thẳng thắn thừa nhận có một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những người có chức có quyền giảm ý chí, sa sút niềm tin, tha hóa, Đảng ta cũng đã chỉ rõ tham nhũng trở thành một nguy cơ, đã và đang tập trung để phòng, chống, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là nhằm khắc phục những biểu hiện suy thoái đó. Tình trạng đó lại được đặt ra trong bối cảnh những tranh chấp về biển Đông, những chủ trương khai thác tài nguyên cho sự phát triển đã làm cho không ít những người mác-xít chân chính, những công dân con cháu Lạc Hồng ở trong nước hay ở nước ngoài lo lắng. Đã có nhiều người thể hiện sự lo lắng đó bằng nhiều cách để bày tỏ ý kiến đóng góp với Đảng và Nhà nước. Đây là một điều đáng quý và rất đáng trân trọng thể hiện trách nhiệm công dân. Tuy nhiên, có thể do quá lo lắng, bức xúc hoặc vì một lý do nào đó, đã có những kiến nghị với Đảng và Nhà nước Việt Nam không thể hiện được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng hiện nay, thậm chí còn đi ngược lại, như một số kiến nghị: Lúc này Đảng phải “tìm cho mình một chỗ dựa” để đối phó với các tranh chấp ở biển Đông, Đảng phải từ bỏ ý thức hệ, từ bỏ con đường đi lên CNXH... Với tư tưởng là bạn của các nước, không gây thù oán với ai, với tư tưởng hòa bình, độc lập, tự chủ, rộng mở, trong những tranh chấp quốc tế Đảng ta luôn chủ trương giải quyết thông qua con đường thương lượng song phương và đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc luật lệ của Liên hợp quốc. Giải quyết các vấn đề trong quan hệ quốc tế phải trở lại quan điểm của Hồ Chí Minh theo hướng biến những vấn đề đại sự thành trung sự, tiểu sự đến vô sự, mà không làm ngược lại. Quan hệ với các nước trong đường lối đối ngoại của Việt Nam cần tránh “nhất biên đảo”. Sức mạnh của đối ngoại Việt Nam là thực lực đất nước mạnh, là chính nghĩa, là đường lối hòa hiếu, hợp tác, nhân ái, văn minh với tất cả các nước để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Đây là bài học từ lịch sử và có ý nghĩa cho hiện tại. Trong quan hệ với các nước láng giềng, trong khu vực và trên thế giới phải hết sức tránh không để cho các thế lực thù địch, các thế lực chống đối lợi dụng những sai lầm trong xử lý để có cớ can thiệp, gây bạo loạn lật đổ, gây mất ổn định, đưa cách mạng Việt Nam đi chệch con đường mà Đảng ta và Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Lúc này hơn lúc nào hết, chính sách đối ngoại Việt Nam phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. PGS.TS TRÌNH MƯU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/92111/Default.aspx