Thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị tại Quân đoàn 1

Bài 4: Nâng cao chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên

QĐND - Nghị quyết 51 và Nghị quyết 513 trao thêm trách nhiệm cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi tọa đàm. Vấn đề cốt lõi đặt ra là đội ngũ chính ủy, chính trị viên phải được đào tạo, bồi dưỡng như thế nào để làm tròn trách nhiệm của mình trước yêu cầu của tình hình mới.

Xác định rõ chức trách

Chúng tôi rất tâm huyết với những lời chia sẻ của Đại tá Nguyễn Minh Thao, Chính ủy Sư đoàn 3 (Quân khu 1) tại buổi tọa đàm "Thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị-Hiệu quả và những vấn đề đặt ra" do Báo Quân đội nhân dân và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 tổ chức:

- Vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên ở đơn vị cơ sở hiện nay là cùng với những phẩm chất đã xác định, cần phải làm thế nào để đội ngũ này nhận thức cho được vị trí, vai trò của mình mà cụ thể là nắm vững chức trách, nhiệm vụ trong giải quyết các mối quan hệ và có các kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT phù hợp với từng loại hình đơn vị. Khi biết mình đứng ở vị trí nào, phải làm những việc gì, yêu cầu ra sao, làm như thế nào thì chính ủy, chính trị viên mới huy động hết các phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhận định của Chính ủy Sư đoàn 3 được Trung úy Nguyễn Đình Giang, Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) cụ thể hóa bằng chính câu chuyện của mình:

- Khi mới nhận nhiệm vụ, lúc đầu, tôi khá lúng túng trong giải quyết mối quan hệ với người chỉ huy. Đôi khi tôi thấy mình thiếu chủ động trong tiến hành hoạt động CTĐ, CTCT tại đơn vị. Thế nhưng, khi nghiên cứu kỹ các nội dung của Nghị quyết 51, Nghị quyết 513, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của người chủ trì về chính trị, tôi đã chủ động trong triển khai các hoạt động CTĐ, CTCT. Tôi thường xuyên trao đổi, bàn bạc với đại đội trưởng và chủ động đề xuất với cấp ủy tổ chức nhiều hoạt động trong đơn vị. Việc xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của mình, hay nói cách khác là nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình là yếu tố quan trọng tạo nên tính chủ động trong công tác của chính ủy, chính trị viên.

Thượng tá Hoàng Văn Nam, Chính ủy Lữ đoàn 299 tâm đắc:

- Ngay từ khi triển khai Nghị quyết 51, toàn Đảng bộ Quân đoàn đã nhất quán nguyên tắc: Cán bộ chưa đủ trình độ, năng lực, uy tín thì không bố trí làm chính ủy, chính trị viên. Việc coi trọng chất lượng ngay từ đầu như vậy, giúp mỗi chính ủy, chính trị viên ý thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong đơn vị. Tôi rất tâm đắc với quan điểm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong tọa đàm: “Nghị quyết 51 trao thêm trách nhiệm cho chính ủy, chính trị viên; chứ anh nào nghĩ mình thêm quyền lực, quyền lợi là chưa thấm nhuần nghị quyết…”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 241 (Quân đoàn 1) tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phạm Trí Đính

Gắn đào tạo và tự đào tạo

Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ nhưng làm thế nào để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ ấy là điều không đơn giản. Khi nêu ra những hạn chế, bất cập của đội ngũ chính trị viên cấp đại đội trong hoạt động thực tiễn, Trung úy Lê Đức Hiệp, Chính trị viên phó Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, phát biểu thẳng thắn:

- Tôi cũng như nhiều đồng chí chính trị viên khác, khi mới nhận nhiệm vụ, do chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, cùng với sự hiểu biết “khiêm tốn” về nhiều mặt, nên thường rất rụt rè và khá thụ động trong triển khai công việc theo chức trách...

Lý giải nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chính ủy Sư đoàn 312 cho rằng:

- Nhận thức của đội ngũ chính ủy, chính trị viên nói chung về các vấn đề lý luận chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa có mặt còn hạn chế. Việc vận dụng kiến thức lý luận chính trị, quân sự đã học ở nhà trường vào hoạt động đơn vị còn lúng túng dẫn đến khả năng nắm, dự báo và xử lý một số tình huống phức tạp chưa phù hợp.

Những hạn chế kể trên được các đại biểu tham gia buổi tọa đàm tập trung thảo luận, đề xuất không ít biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Hầu hết các giải pháp đưa ra đều đề cập đến mối quan hệ biện chứng giữa đào tạo và tự đào tạo đối với đội ngũ chính ủy, chính trị viên.

Đại tá Vũ Công Hòa, Trưởng phòng Cán bộ Quân đoàn 1, khẳng định:

- Tôi cho rằng, kết quả đào tạo ở nhà trường giữ vai trò rất cơ bản, quyết định đến chất lượng công tác của cán bộ chính trị. Tuy nhiên, cũng phải thấy vai trò quan trọng của việc tự đào tạo, tự học tập rèn luyện thì chính ủy, chính trị viên mới nâng cao được năng lực, trình độ toàn diện. Thực tế, đơn vị nào quan tâm đến việc bồi dưỡng, rèn luyện chính ủy, chính trị viên và bản thân chính ủy, chính trị viên chịu khó lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, chịu khó học tập rèn luyện thì nơi đó đội ngũ chính ủy, chính trị viên có phẩm chất và năng lực công tác tốt.

Trung úy Lê Đức Hiệp bày tỏ quan điểm đồng tình: “Đúng là sau khi ra trường, việc tự học, tự rèn có vai trò rất quan trọng. Tôi nghĩ, nhà trường trang bị cho chúng ta nền kiến thức cơ bản, phương pháp, kỹ năng công tác là chủ yếu, còn việc vận dụng vào thực tiễn, đòi hỏi mỗi người phải hết sức chủ động, linh hoạt và sáng tạo. Và để có được sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo ấy không có con đường nào khác là người chính trị viên phải nỗ lực tự học, tự rèn”.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng phân tích: “Chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên là kết quả tổng hợp của cả quá trình thực hiện một cách thống nhất và đồng bộ các khâu từ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển, chính sách cán bộ… Nhưng trong đó, công tác giáo dục - đào tạo là giải pháp quan trọng hàng đầu...

Minh chứng cho những nhận định nêu trên của các đại biểu, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chính ủy Sư đoàn 312 cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên; từ năm 2006 đến nay, Sư đoàn đã cử 151 lượt cán bộ chính trị đi đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ CTĐ, CTCT thường xuyên được cấp ủy các cấp tổ chức định kỳ hằng năm, tập trung vào thời điểm trước giai đoạn huấn luyện hoặc trước các nhiệm vụ đột xuất. Nhờ vậy, trình độ đại học của đội ngũ chính ủy, chính viên đến nay đạt gần 80%; tăng gần 16% so với trước khi thực hiện Nghị quyết 51. Quan trọng hơn, qua đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, năm 2012, 100% chính ủy, chính trị viên hoàn thành chức trách được giao, trong đó 76% hoàn thành nhiệm vụ từ khá trở lên. Tỷ lệ này tăng 13% so với trước khi thực hiện Nghị quyết 51.

Từ những nhận định, đánh giá nêu trên; đồng thời thông qua những con số cụ thể về chất lượng đội ngũ chính ủy, chính trị viên ở Sư đoàn 312 đủ để đi đến sự thống nhất: Phải kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại các học viện, nhà trường với việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng ngay trong thực tiễn công tác, mới bảo đảm cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên hoàn thành được nhiệm vụ của mình theo yêu cầu mà Nghị quyết 51 đã xác định.

“Nghị quyết 51, Nghị quyết 513 đặt lên vai đội ngũ chính ủy, chính trị viên những trách nhiệm nặng nề hơn. Kết hợp tốt giữa đào tạo và tự đào tạo sẽ là “cẩm nang” giúp đội ngũ chính ủy, chính trị viên thực hiện tốt chức trách của mình”- Thiếu tướng Mai Văn Lý, Chính ủy Quân đoàn 1.

Bài và ảnh: ĐÀO HỒNG THẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/90/90/245905/Default.aspx