Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Những bất cập từ sự bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân; những thách thức mà thành phố phải đối mặt và giải quyết nhằm bảo đảm hình thành một hệ thống giao thông công cộng được vận hành có kiểm soát là nội dung chính của hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông”, do Sở GT-VT Hà Nội tổ chức ngày 30-11. Để góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ kiểm soát phương tiện cá nhân đến hạn chế lưu thông phương tiện khu vực nội thành... là hết sức cần thiết.

Kiểm soát phương tiện cá nhân

Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện giao thông cá nhân trong khi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp, dẫn tới quá tải và ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đang đặt ra những thách thức cho công tác quản lý của TP Hà Nội và ảnh hưởng tới mỗi người dân Thủ đô.

Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, phân luồng giao thông. Ảnh: Ngô Lịch

Ông Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT nhấn mạnh: Cần có các biện pháp quản lý sự gia tăng phương tiện cá nhân ngay trước khi quá muộn. Với kịch bản dự báo theo xu thế tăng trưởng tự nhiên như hiện nay thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 938.000 ô tô (trong đó có 638.000 ô tô con) và 6,2 triệu xe máy; năm 2025 là 1,3 triệu ô tô (trong đó 975.000 ô tô con) và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 là 1,7 triệu ô tô (trong đó có 1,3 triệu ô tô con) và 7,7 triệu xe máy. Kết quả khảo sát mới đây tại 21 nút giao thông cửa ngõ ra vào Thủ đô cho thấy, tỷ lệ ô tô con chiếm 14,38% về số lượng nhưng lại chiếm 42,18% diện tích mặt đường; tỷ lệ chiếm dụng mặt đường của ô tô, xe máy tại khu vực các nút giao thông xấp xỉ nhau (ô tô chiếm 42,18%, xe máy chiếm 43,62%), số còn lại là xe buýt và các loại phương tiện khác. Như vậy, phương tiện cá nhân chiếm đến 85,8% diện tích mặt đường đô thị.

Thời gian qua, nhiều cầu vượt, hầm chui, đường trên cao... được đưa vào khai thác, đã góp phần nâng cao năng lực thông qua tại các nút giao thông, giảm thiểu ùn tắc. Tuy vậy, sự phát triển kết cấu hạ tầng quá chậm nên không thể đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu 60% số phương tiện của thành phố lưu thông, trong đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng mặt đường vượt 236km/h. Con số này trong Vành đai 3 là 354% (3,54 lần năng lực hạ tầng). Tương tự, nếu kịch bản phát triển phương tiện theo xu thế tự nhiên như hiện nay, thì đến năm 2020, toàn thành phố sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng với số diện tích chiếm dụng của phương tiện vượt 3 lần; trong Vành đai 3 vượt 4,57 lần. Đến năm 2025 và năm 2030, trong khu vực Vành đai 3, diện tích chiếm dụng mặt đường của phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt so với năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị lần lượt là 7,58 lần và 10,56 lần. Tức là các phương tiện tham gia giao thông không thể di chuyển. Điều đó cho thấy, việc tăng cường quản lý phương tiện cá nhân đang hết sức cấp thiết.

Ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp của Nhật Bản, nguyên Tư vấn trưởng dự án “Cải thiện giao thông công cộng Hà Nội" cho rằng, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giải quyết ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường... là biện pháp chung mà các thành phố lớn trên thế giới đều cân nhắc. Sự cần thiết của biện pháp này là không cần bàn cãi, tranh luận.

Hạn chế lưu thông phương tiện ở nội thành

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân luôn được các chuyên gia khẳng định là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện của Hà Nội, đây là việc không dễ, thường dẫn đến những luồng ý kiến trái chiều. Đề xuất các giải pháp, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, Chính phủ, Bộ GT-VT cần sớm ban hành các chính sách quản lý niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy; thu hồi, tiêu hủy phương tiện quá niên hạn sử dụng và không đủ các tiêu chuẩn về khí thải; quy định về mức tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy hằng năm cho giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 cho từng khu vực, đặc biệt là các quận nội đô; giảm dần và tiến tới dừng cấp phép sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Việc xử phạt nghiêm đối với các phương tiện vi phạm về dừng đỗ xe phải được tăng cường; tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe ô tô con cá nhân.

Để hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân ở nội thành, giải pháp được đưa ra là một số khu vực cho phép xe ô tô đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. Việc này sẽ được triển khai theo lộ trình. Bên cạnh đó, tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ với các tuyến phố ở khu vực trung tâm; nghiên cứu các khu vực hạn chế lưu thông đối với ô tô con và xe máy, tiến dần dừng hoạt động trên một số trục chính và một số khu vực trong Vành đai 3. Trước mắt, thí điểm hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy tại các tuyến đường, khu vực có phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động tốt; giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy, tăng cường xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường các tuyến phố thuộc 4 quận nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông; thu phí xe ô tô vào khu vực nội đô giờ cao điểm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý, điều hành giao thông thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan (công an, đăng kiểm, giao thông); xây dựng hệ thống thu phí tự động tại khu vực đường Vành đai 2, Vành đai 3; lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông phục vụ tổ chức, quản lý giao thông và xử phạt vi phạm trên một số tuyến phố chính... cũng là những giải pháp sẽ được thực hiện nhằm giải bài toán nan giải - giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/856600/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap