Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của tất cả mọi người

(VEN) - Báo cáo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT), khu kinh tế… vừa qua cho thấy: Luật Bảo vệ Môi trường (2005) đã thể chế hóa những nguyên tắc, chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước và là một đạo luật cơ bản về hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) ở nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả tích cực còn có những hạn chế, tồn tại chủ yếu trong công tác thực thi pháp luật về BVMT nói chung và xử lý ô nhiễm nói riêng. Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, hiện nay, nhiều Bộ, ngành như Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đã ban hành các quy định, kế hoạch hành động về BVMT trong ngành. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề môi trường mang tính liên ngành, liên vùng (ví dụ vấn đề quản lý môi trường các lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai, sông Thị Vải…) còn kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân trong đó có việc quy định về trách nhiệm còn chồng chéo hoặc một số nhiệm vụ quản lý còn bị bỏ trống. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã của các địa phương đã được kiện toàn một bước. Ở cấp tỉnh có Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); ở cấp huyện đều đã thành lập Phòng TN&MT, còn ở cấp xã đã có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về môi trường. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực BVMT của các Bộ, ngành, địa phương nói chung còn thiếu và yếu về chuyên môn, nhiều người trong số đó còn hoạt động kiêm nhiệm, tỷ lệ người được đào tạo cơ bản về lĩnh vực môi trường còn thấp. Trên thực tế, lực lượng chuyên trách về BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hiện nay nước ta chỉ có khoảng 7 người làm công tác BVMT/1 triệu dân; trong khi đó con số này ở các nước cao hơn nhiều (Trung Quốc 20 người, Thái Lan 30 người, Malaysia 100 người, Singapore 330 người, Canada 155 người, Anh 204 người…) Ngay cả trong cơ cấu, tổ chức của các Sở TN&MT thì mảng công tác BVMT cũng yếu so với mảng quản lý đất đai và tài nguyên khác. Về công tác quy hoạch KĐT và KCN vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều KCN được quy hoạch sát KĐT, các dòng sông, trục giao thông và các khu vực nhạy cảm về môi trường; quy hoạch chưa có đủ cơ sở khoa học, chưa tính đến các yếu tố tự nhiên và xã hội nên tính khả thi thấp. Nhiều quy hoạch bị phá vỡ do thiếu kiên quyết trong việc thực hiện quy hoạch nên đã gây ra hậu quả khó khắc phục, lãng phí. Các địa phương đều đã có quy hoạch KĐT, KCN nhưng chưa đủ nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhất là việc huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các KCN, KĐT và công trình thu gom xử lý nước thải, rác thải. Một số địa bàn có mật độ dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh cao chưa có công trình xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tập trung. Đa số KCN chưa thiết lập hệ thống thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại. Một số KCN đã có quy hoạch khu xử lý chất thải rắn nhưng không thực hiện quy hoạch. TSKH. Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, các chính sách, văn bản pháp luật hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc xử lý ô nhiễm và BVMT tại các KCN, KĐT trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các KCN, KĐT còn rất phức tạp, có nhiều nơi là nghiêm trọng, đang gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với hiệu quả tăng trưởng kinh tế cũng như đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình nêu trên là việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT chưa nghiêm. Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp do chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời chức năng, nhiệm vụ đã được quy định cụ thể trong Luật BVMT và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, ông Khải cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội và BVMT là 3 nhiệm vụ để phát triển bền vững của quốc gia cũng như của mỗi địa phương. Hoạt động xử lý ô nhiễm và BVMT không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà còn là nhiệm vụ của mọi tổ chức, cá nhân, và phải kết hợp giáo dục song song với xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động trong BVMT của mọi tầng lớp trong xã hội./. Khắc Hiếu

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/13947/seo/thuc-hien-chinh-sach-bao-ve-moi-truong-la-nhiem-vu-cua-tat-ca-moi-nguoi/language/vi-vn/default.aspx