Thực hiện Chỉ thị 03 ở Lào Cai - Đánh giá của người dân (bài 2)

Bài 2: Hiệu quả từ sự nêu gương

QĐND - Cán bộ nêu gương trước nhân dân, trước quần chúng là nội dung trọng tâm trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở Lào Cai và được Tỉnh ủy xác định rất rõ tại Quy định 08. Thực tế, những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chỉ thị 03 ở Lào Cai đều bắt nguồn từ sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đảng viên đi trước

Đây là cụm từ mà suốt thời gian công tác ở Lào Cai, chúng tôi đều nghe từ chính người dân khi nói về đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương mình.

- Vậy, đảng viên đi trước là thế nào? Một câu hỏi luôn được chúng tôi đặt ra trong suốt chuyến công tác của mình đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Lào Cai.

Câu chuyện về việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của Bí thư Chi bộ thôn Làng Kim 1 (xã Quang Kim, huyện Bát Xát) là một trong những ví dụ điển hình. Trước đây, hộ nghèo ở thôn Làng Kim 1 chiếm tỷ lệ khá cao. Đường sá đi lại trong thôn chủ yếu là đường đất. Sản phẩm sau thu hoạch của người dân địa phương không tìm được thị trường tiêu thụ. Cái đói, cái nghèo vì thế cứ bám chặt vào đời sống của từng gia đình. Thực hiện Chỉ thị 03, trong bản đăng ký của mình, ông La Văn Sưn, Bí thư Chi bộ thôn Làng Kim 1 xác định 5 nội dung, trong đó có nội dung: “Mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả thành diện tích nuôi cá”. Đăng ký với chi bộ và công khai trước dân, nhưng kỳ thực nhiều đêm ông Sưn không ngủ được. Hàng loạt giả thiết được ông nêu ra; hàng loạt câu hỏi được bà con và ngay chính người thân trong gia đình chất vấn mà ông chưa tìm thấy lời giải. Thế rồi mọi chuyện được ông Sưn giải quyết gọn ghẽ chỉ sau một mùa chăn nuôi cá và giúp đỡ một số hộ dân mạnh dạn trồng loại giống lúa mới cho năng suất cao. Thế là bây giờ có hơn 80% số hộ ở thôn Làng Kim 1 biết cách làm giàu như gia đình ông Sưn.

Cán bộ, đảng viên ở tổ dân phố số 4, thị trấn Tằng Loỏng lại đi đầu trong việc đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa. Theo ông Nguyễn Văn Nông, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4 thì tổ dân phố số 4 có số người dân sinh sống đông nhất ở Tằng Loỏng, vậy mà nhiều năm qua, cả tổ dân phố chưa có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Thực hiện chủ trương trên dưới cùng làm, được lãnh đạo thị trấn Tằng Loỏng khuyến khích, ông họp chi bộ và vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước. Nhà chỉ có hai vợ chồng già, nguồn thu chủ yếu dựa vào khoản lương hưu, nhưng ông Nông vẫn tự nguyện đóng góp 1,5 triệu đồng để xây nhà văn hóa. Thấy ông làm được, những đảng viên khác cũng tự nguyện làm theo, thế là ông Đào Thế Mạnh, Tổ trưởng tổ dân phố ủng hộ 2 triệu đồng; bà Vũ Thị Nụ, Trưởng ban công tác Mặt trận cũng giúp tổ dân phố 1,5 triệu đồng; nhiều cán bộ, đảng viên khác ở tổ dân phố đều tự nguyện đóng góp từ 500.000 đến 700.000 đồng…

Đồng chí Đỗ Văn Lược (thứ hai, bên trái), Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trò chuyện với nhân dân bản Sải Ruần, xã Phìn Ngan (Bát Xát) về kết quả thực hiện Chỉ thị 03.

Làng nước theo sau

Dành cả nửa buổi sáng không đi nương, anh Lý Phù Sinh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chính mình. Nhà anh Sinh ở bản Lâm Sinh-một bản xa nhất của xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn). Trước khi đến nhà anh Sinh, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã Liêm Phú cho biết, anh Sinh là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình. Ấy vậy, khi vào nhà, mọi vật dụng sinh hoạt trong gia đình anh đều hết sức bình thường; thậm chí ngay bộ bàn ghế tiếp khách cũng khá giản dị. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi hết sức nể phục là dãy bằng khen, giấy khen và tấm Huân chương Lao động hạng ba được anh treo trang trọng, ken dày trên tường nhà. Thủng thẳng nói như đếm từng từ, anh Sinh tâm sự:

- So với nhiều gia đình khác thì mình không giàu đâu. Ở đây có nhà, mỗi năm người ta thu về vài tỷ đồng ấy chứ. Tiền thì mình không nhiều, nhưng mình được người dân ở đây nói là người giàu cái bụng.

Trò chuyện với anh Sinh, chúng tôi được biết anh luôn ủng hộ chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, anh tự nguyện giúp đỡ nhiều hộ ở bản và trong vùng thoát nghèo, mà tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Văn Toán. Việc giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo của anh được tiến hành bằng nhiều cách, như cho vay tiền làm vốn không tính lãi và không hẹn ngày trả; tìm vùng đất canh tác phù hợp, hỗ trợ cây giống để bà con phát triển sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… Đặc biệt, tuy gia đình đông con, lại phải chăm sóc bố già, nhưng anh vẫn nhận nuôi bốn đứa con mồ côi cả cha và mẹ. Nói về những việc làm của mình, anh Sinh tâm sự:

- Mình thấy cán bộ nó nói đúng, nó lại làm trước nên mình cũng làm theo. Nhiều việc, cán bộ ở xã này nó làm nó có tính gì cho nó đâu. Mình thấy thế, mà nghe nó nói cũng đúng thì mình làm thôi. Bây giờ trong bản, trong xã nhiều người cũng làm giống mình rồi.

Câu chuyện về những thầy cô giáo ở Trường THCS Liêm Phú (Văn Bàn) là một ví dụ điển hình. Ông La Văn Pà, người dân bản Khuổi Mèo nhận xét:

- Cách đây 5 năm, Liêm Phú là xã mà tỷ lệ học sinh bỏ học khá nhiều, nhất là chất lượng giáo dục luôn nằm ở vị trí “tốp cuối” của huyện. Về làm hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Trang Nhung hết sức trăn trở. Thế rồi, bằng kinh nghiệm của mình, cô giáo Nhung phát động phong trào tự nguyện quyên góp xây dựng trường và giúp đỡ học sinh nghèo khó. Những năm đầu, hiệu quả của phong trào mang lại không cao, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, mọi chuyện đã có sự đột phá. Đến nay, 100% học sinh trong xã đều được đến trường đi học. Nhà trường với sự giúp đỡ của đội ngũ thầy cô giáo, cùng những gia đình có điều kiện đã có diện mạo khang trang. Đặc biệt, vài năm gần đây năm học nào nhà trường cũng có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Trò chuyện với chúng tôi, em Đinh Thị Đoàn, học sinh đạt giải ba môn Lịch sử cấp tỉnh nói:

- Thứ bảy, chủ nhật hằng tuần các thầy cô đều không nghỉ. Hôm thì các thầy cô giúp chúng em ôn bài, hôm lại cùng chúng em lao động. Noi gương các thầy cô, chúng em đều thầm hứa với nhau nỗ lực học phấn đấu trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Trở lại câu chuyện làm nhà văn hóa ở tổ dân phố số 4, thị trấn Tằng Loỏng, hoặc thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Văn Sơn (huyện Văn Bàn), hay xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) là những minh chứng rất cụ thể được khởi nguồn từ sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở những địa phương chúng tôi nói trên, cán bộ, đảng viên không chỉ gương mẫu, đi đầu trong đóng góp kinh phí, mà còn trực tiếp thu xếp công việc dành thời gian ra công trường lao động cùng nhân dân. Sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Lào Cai không phải trước đây không được nhắc đến, nói đến, nhưng hiệu quả thực sự chỉ mang lại kể từ ngày cấp ủy các cấp triển khai viết bản đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Tỉnh ủy Lào Cai cụ thể hóa bằng Quy định 08.

Bài và ảnh: NGỌC LONG, HỒNG HẢI, NGUYÊN THẮNG

Thực hiện Chỉ thị 03 ở Lào Cai - Đánh giá của người dân (bài 1)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/90/90/216658/Default.aspx