'Thúc đẩy tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số'

Tại hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện châu Á-Thái Bình Dương 2017 với chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số”, các chuyên gia ngân hàng đã đặt ra nhiệm vụ phải tìm được giải pháp tài chính toàn diện bởi đây là một trong những trọng tâm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: H.Dịu

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Quỹ Citi và Quỹ vì hợp tác phát triển (FDC) tổ chức hội nghị trên.

Đây là năm thứ 2 hội nghị này được tổ chức. Năm nay, hội nghị lấy chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số” nhằm chỉ ra những cơ hội và thách thức của thể chế tài chính toàn diện trong tương lai, trình bày những công nghệ cũng như sáng tạo mới nhất trong sản phẩm và dịch vụ tài chính cho những người chưa được hưởng thụ hoặc chưa được tiếp cận toàn diện với dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực; ngày càng có nhiều tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính mới xuất hiện làm thay đổi hình thức và tính chất thị trường, định hình ra xu hướng phát triển mới của tài chính toàn diện trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro về bảo mật thông tin, an toàn hệ thống.

“Việt Nam có hơn 60 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 52% lực lượng lao động toàn xã hội. Đây là nhóm đối tượng cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là thông qua tài chính toàn diện”, bà Hồng phát biểu.

Từ nhận thức trên, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm và nguồn lực cho thúc đẩy tài chính toàn diện và xem đây là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, dự kiến được ban hành vào năm 2020 làm cơ sở để triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện.

“Chính phủ đang tập trung nguồn lực vào nhiều nhiệm vụ thúc đẩy tài chính toàn diện như: Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính. Đặc biệt, Nhà nước cũng danh sự quan tâm, ưu tiên nhiều hơn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, người nghèo, phụ nữ…”, Phó Thống đốc NHNN nêu rõ.

Mặc dù có nhiều sự phát triển trong những năm qua, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế tại hội nghị, vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, mà hơn nửa trong số đó thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chính vì thế, bà Brandee McHale, Chủ tịch Quỹ Citi và Giám đốc mảng trách nhiệm xã hội của Citi cho rằng, hệ sinh thái tài chính toàn diện không chỉ bao gồm những nhà cung cấp dịch vụ truyền thống mà còn là những nhà cung cấp dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán qua di động và nhà quản lý tiền điện tử. Hơn nữa, việc thúc đẩy tài chính toàn diện cần có sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ, những hợp tác sáng tạo với chính sách điều tiết, nhằm bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương về tài chính.

Tại Việt Nam, những chính sách hỗ trợ người nghèo nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai rộng rãi.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có những hỗ trợ như ưu tiên về lãi suất, tăng tỷ trọng dư nợ cho vay…; hình thức cho vay được thực hiện đa dạng, như thông qua hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, tổ vay vốn…; thực hiện một số chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù…

Những hành động này đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhưng cho rằng, Việt Nam cần có những hành động cụ thể hơn nữa để tạo thuận lợi cho hoạt động tài chính phát triển, hỗ trợ hiệu quả hơn để người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/3 để các nhà nghiên cứu, đại diện các ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng tham gia thảo luận, phân tích xu hướng và tìm ra cơ hội nhằm thúc đẩy hợp tác.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thuc-day-tai-chinh-toan-dien-mot-trong-tam-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.aspx