Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ B.In-đi-rim đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa hai lục địa Á và Âu, với phần lớn lãnh thổ thuộc châu Á. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phát triển đa dạng, với các ngành công nghiệp khai khoáng, dệt may, chế tạo máy móc, điện gia dụng, chế biến thực phẩm, đóng tàu, xây dựng và nông nghiệp. Ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất phát triển, thu hút hơn 30 triệu khách du lịch mỗi năm. Nhờ thực thi các biện pháp cải tổ mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng tự do hóa, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 18 thế giới (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế), là nền kinh tế có mức độ tăng trưởng nhanh nhất (5%) trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong một thập niên gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), NATO, OECD, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)…

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp, trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7-6-1978. Tháng 2-1997, Thổ Nhĩ Kỳ mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 10-1999, Việt Nam mở Văn phòng Đại diện Thương mại tại thành phố I-xtan-bun. Tháng 10-2003, Việt Nam nâng Tổng Lãnh sự quán tại I-xtan-bun lên Đại sứ quán và chuyển về thủ đô An-ca-ra. Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ được đánh dấu bằng các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hai nước.

Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ ký nhiều thỏa thuận hợp tác, như: Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (năm 1997); Nghị định thư về hợp tác kinh tế và thương mại; Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và giáo dục (1999); Hiệp định khung về hợp tác khoa học kỹ thuật và môi trường (2000); Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép chất ma túy, các chất hướng thần và các loại tội phạm khác (2007); Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (2014), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2014), Hiệp định hợp tác hàng không, Hiệp định vận tải biển (2015)…

Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Năm 2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,51 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,36 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cao-su, chè, dệt may, giày dép, điện tử, thủ công mỹ nghệ… vào thị trường Trung Đông và Liên hiệp châu Âu (EU). Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp cho Việt Nam phôi thép, sắt thép, vật liệu xây dựng, bông, hóa chất, phụ tùng ô-tô… Tháng 6-2016, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines mở đường bay I-xtan-bun - Hà Nội (chuyển tiếp qua TP Hồ Chí Minh) với tần suất bảy chuyến/tuần. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ có 15 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 704 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ B.In-đi-rim là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo hai nước trao đổi các biện pháp thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo và nhiều lĩnh vực khác. Chuyến thăm góp phần đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước sang trang mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33865002-thuc-day-quan-he-hop-tac-giua-viet-nam-va-tho-nhi-ky.html