Thúc đẩy nền kinh tế số giữa Việt Nam – Hoa Kỳ

Ngày 21/3, tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.

Quang cảnh buổi tiếp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, hợp tác giữa hai nước đã tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội. Trong đó, CNTT-TT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và ngày càng chứng tỏ là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Đến nay, hầu hết các tập đoàn CNTT lớn của Hoa Kỳ đã có mặt và đầu tư tại Việt Nam như Intel, Microsoft, IBM, Oracle, Cisco, Motorola,Qualcomm v.v…Một số doanh nghiệp mạng xã hội, kinh doanhdịch vụ nội dungquabiên giới như Facebook, Google đã có các hoạt động và doanh thu lớn từ Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận những nỗ lực tích cực của Đại sứ quán Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như những nỗ lực đóng góp trong quá trình bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Buổi làm việc của Ngài Đại sứ hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và tháo gỡ những vướng mắc mà hai bên đang trao đổi trong thời gian qua.

Cũng tại buổi làm việc, trên cơ sở ghi nhận những ý kiến của Đại sứ Hoa Kỳ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Trong quá trình phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi về mô hình kinh doanh, phương thức và quan hệ sản xuất, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đang phải đối mặt với không ít thách thức trong các vấn đề về quản lý và phát triển. Tuy nhiên, Bộ TTTT khẳng định luôn coi trọng việc cập nhật, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân Việt Nam cũng như các vấn đề về an ninh, chủ quyền của Việt Nam.

Đối với những vấn đề cụ thể mà Ngài Đại sứ nêu và phía Hoa kỳ quan tâm, Bộ trưởng đã có những trao đổi cụ thể:

Đối với nội dung thúc đẩy nền kinh tế số: Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ, dịch vụ mới theo xu hướng nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để bắt kịp xu hướng của nền kinh tế số, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung vào các vấn đề như:

Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi luật và các quy định quản lý để phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mới của nền kinh tế số đáp ứng sự thay đổi về mô hình kinh doanh, phương thức cũng như quan hệ sản xuất trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4.

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp kinh tế số, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, với doanh nghiệp số làm chủ đạo.

Thứ ba, tận dụng lợi thế về “dân số vàng” thành lợi thế về cạnh tranh trong nền kinh tế số nâng cao năng lực hội nhập trong khu vực. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp các xu hướng công nghệ. Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số thế giới.

Trong lĩnh vực an toàn thông tin: Việt Nam cũng như các quốc gia khác cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin nhằm đảmbảo một môi trường mạng an toàn phục vụ cho sự phát triển.

Hiện nay, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân ở tầm quốc gia sử dụng mạng để đánh cắp, thỏa hiệp hoặc phá hủy dữ liệu quan trọng của quốc gia khác. Vì vậy, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, đang đứng trước các mối đe dọa từ các tội phạm trên môi trường mạng.

Một số tội phạm chỉ tồn tại trong thế giới kỹ thuật số, đặc biệt với mục tiêu phá hoại an toàn của mạng máy tính và dịch vụ trực tuyến; sử dụng mạng làm công cụ để mở rộng phạm vi ảnh hưởng; tiến hành hoạt động gián điệp hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động của Chính phủ để phá hoại nền kinh tế; truyền bá thông tin sai lệch, làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng hoặc tìm kiếm lợi thế trong xung đột mạng. Mặt khác, lỗ hổng trên mạng có thể bị tội phạm khai thác nhằm giảm lợi thế công nghệ quân sự hoặc sử dụng nó để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia.

Tất cả những vấn đề trên đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin cần phải giải quyết để bảo đảm một môi trường phát triểnổn định.Từ thực tiễn công tác quản lý,điều hành trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, Bộ TTTT nhận thấy hành lang pháp lý về an toàn thông tin cần phải hoàn thiện để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với thông lệ quốc tế bảo đảm an toàn thông tin, tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

"Về vấn đề Hoa Kỳ quan tâm đến điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, Bộ TTTT khẳng định Nghị định 108/2016/NĐ-CP đã quy định rõ các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng chỉ bao gồm các sản phẩm, dịch vụ có tính năng cốt lõi liên quan đến an toàn thông tin mà không điều chỉnh các loại sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác có tính năng liên quan đến an toàn thông tin mạng như một tính năng phụ trợ.

Quan điểm của Bộ TTTT là tạo thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp Hoa kỳ có các vướng mắc trong việc nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ CNTT thông thường, không thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ 108/2016/NĐ-CP, thì thông báo trao đổi nêu rõ trường hợp cụ thể để Bộ TTTT (đầu mối là Cục An toàn thông tin) tiếp thu và xử lý", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực quản trị Internet: Phát triển Internet cần đồng thời đảm bảo “quyền được thông tin của người dân” và “nhu cầu phòng ngừa thông tin độc hại” ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, thuần phong mỹ tục, trật tự, an toàn xã hội của người dân. Hiện nay, hoạt động cung cấp thông tin qua biên giới vào Việt Nam ngày một phổ biến và đã góp phần đa dạng phương thức thông tin, giúp người dùng tại Việt Nam có thêm một kênh hữu ích để tương tác trên môi trường mạng.

Các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam hiện nay đang được người sử dụng Việt Nam lựa chọn sử dụng, điển hình như Facebook hiện có khoảng 35 triệu người dùng tại Việt Nam; đối với Youtube, Việt Nam là 1 trong top 10 những nước có lượng người dùng YouTube cao nhất trên thế giới.

Do đó, thông tin trên các trang thông tin điện tử được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam ngày càng có tác động lớnđến người sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam cũng phát sinh nhiều vấn đề có tác động đến người tiêu dùng Việt Nam như tình trạng xuất hiện các nội dung thông tin xấu, độc hại, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Vì vậy, từ những nhu cầu thực tế của xã hội, Bộ TTTT đã đưa ra các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng như trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền loại bỏ các nội dung thôngtinvi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành trên môi trường Internet tại Việt Nam.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền trên môi trường số: Trong thời gian qua, để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ TTTT đã không ngừng nâng cao trách nhiệm trong việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thuộc phạm vi ngành.Bộ TTTT đã chủ động phối hợp thường xuyên với các Bộ, ngành và địa phương cũng như tổ chức đại diện tập thể quyền sở hữu trí tuệ để triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện pháp luật về bản quyền đối với xuất bản phẩm, nhất là trong công tác kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

Trong thực tế, ngay trên các kênh Youtube, nhiều video-clip được sản xuất với nội dung sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền của các tổ chức của Việt Nam, cắt ghép, lấy câu chữ của các phần tử xấu, sau đó đăng lên mạng. Bộ TTTT đã đề nghị Google cần có ngay các biện pháp xử lý những hành vi vi phạm bản quyền trên Youtube. Đồng thời, cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ xem xét, xử lý các doanh nghiệp, người sử dụng của Việt Nam vi phạm bản quyền trên Youtube.

Trên cơ sở các nội dung trao đổi ngày hôm nay, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ TTTT đề xuất một số hoạt động hợp tác với Hoa Kỳ:Hai bên đẩy mạnh đối thoại chính sách để có thể chia sẻ và tăng cường sự tương đồng và hiểu biết lẫn nhau về tầm nhìn, định hướng cũng như trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển các hình thức dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số; Việt Nam trong thời gian tới dự kiến xây dựng 5 đô thị thông minh, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia chia sẻ công nghệ và hợp tác xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh, cũng như hợp tác với các địa phương trong việc quy hoạch và triển khai sau này; Hai bên tăng cường hợp tác, xây dựng các cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng...

Tin, ảnh: XC

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/thuc-day-nen-kinh-te-so-giua-viet-nam-hoa-ky-20170321191201686.htm