Thúc đẩy du lịch nội địa

Vài năm gần đây, khi có sự xuất hiện của các loại hình du lịch hiện đại thì loại hình du lịch truyền thống của nước ta chịu sự cạnh tranh gay gắt của các công ty lữ hành quốc tế. Do đó, vấn đề làm sao để ngành du lịch nội địa thích ứng với xu hướng mới.

Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Cần Giờ là điểm nhấn trong cách làm du lịch biển của TP HCM.

Cho đến nay, con số khách du lịch quốc tế đã gần chạm mức 9 triệu khách quốc tế và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 11-12 triệu khách quốc tế và 45-48 triệu lượt khách nội địa.

Dù vậy, với các loại hình du lịch hiện đại ngày càng xuất hiện thì du lịch truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt. Ông Lê Anh Tuấn-Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện ngày càng có nhiều loại hình du lịch phát triển mới có xu hướng khác biệt so với các loại hình du lịch truyền thống lâu nay của Việt Nam, vốn đã có thời gian phát triển tương đối dài.

“Nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng hơn trước, họ muốn du lịch sẽ là một hoạt động được kết hợp nhiều mục đích chứ không thuần túy là sự tham quan trải nghiệm khác biệt về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Đa số trào lưu hiện nay thích vừa du lịch vừa thể hiện mình hơn, thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, với cộng đồng; hoặc đơn giản là học tập những cách thức để phục vụ chính bản thân sau khi đi du lịch”- ông Lê Anh Tuấn phân tích.

TS Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch sài Gòn (SAIGONACT) cho biết, xét về tiềm năng du lịch thì Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng đứng đầu khu vực.

Theo xếp hạng quốc tế, Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có bãi biển đẹp, trong đó có vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang đứng đầu trong 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới.

Hang động Việt Nam cũng được xếp vào nhóm hang động đẹp, đóng góp nhiều di sản vào di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, TS.Chương cũng đánh giá, ngành du lịch trong nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.

Nguyên nhân xuất phát từ việc chưa đầu tư đúng mức, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng dịch vụ chưa cao. Ngoài ra, việc quản lý du lịch chưa chặt chẽ, hợp lý khiến cho các điểm đến du lịch có nhiều nguy cơ và gây phiền hà cho khách du lịch. Thêm vào đó, quan niệm về về du lịch đôi khi còn đơn giản, dễ dãi; cách làm du lịch cũ kỹ, đơn điệu và lạc hậu.

GS Lê Hữu Khóa, Trường ĐH Lille 3 (Pháp) cho rằng, để ngành du lịch Việt Nam tận dụng và khai thác tốt các tiềm năng vốn có thì cách hữu hiệu nhất là phải tăng cường hợp tác, giao lưu với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực, cũng như trên thế giới. Tương lai của thế giới là du lịch bền vững trong việc khám phá thách thức mới của hợp tác quốc tế, mà Việt Nam nằm trong guồng quay này.

Còn TS Nguyễn Văn Lưu, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia cho rằng, nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nay cũng phải được nâng lên cả lượng và chất.

Bởi vì, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch, và không sớm thì muộn sẽ diễn ra ở tất cả các địa phương.

Mỗi địa phương, từng điểm du lịch không thể đứng ngoài cuộc mà rất cần sự chủ động trong quá trình giao lưu, trao đổi du lịch mang tính quốc tế này.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/thuc-day-du-lich-noi-dia/131960