Thừa Thiên – Huế: Làng hoa giấy Thanh Tiên rộn ràng đón Xuân

Tết đến Xuân về, làng Thanh Tiên lại sôi động hẳn lên bởi không khí rộn ràng của những người thợ và nghệ nhân làng hoa giấy.

Đã từ lâu làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn nổi tiếng với nghề làm hoa giấy. Từ đây, những sắc hoa đủ màu của làng hoa giấy Thanh Tiên tỏa đi khắp các chợ vùng quê xứ Huế, ra cả Quảng Trị hoặc vào Đà Nẵng.

Những gia đình có làm nghe hoa giấy tất bật chuẩn bị.

Những gia đình có làm nghe hoa giấy tất bật chuẩn bị.

Nghề hoa giấy Thanh Tiên có từ lâu đời, nằm trong danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19 của Đại Nam nhất thống chí. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp.

Đến hẹn lại lên

Làng Thanh Tiên nằm bên bờ nam hạ lưu sông Hương, vốn có làm nghề nông. Tuy nhiên, vào tháng chạp, làng lại rộn rã hẳn lên với nghề làm hoa giấy.

Nhằm kịp thời cung ứng cho nhu cầu của mọi nhà vào dịp Tết, những người làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên đã bắt đầu phơi tre (hoặc mây) từ tháng 10; đến tháng 11,12 họ bắt đầu đục giấy màu làm hoa, cắt giấy thiếc bạc làm nhụy, tạo hình dáng, lấy tre (hoặc mây) làm cuống, cành rồi ghép thành cây.

Để làm ra một cành hoa giấy đẹp đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ bởi có rất nhiều công đoạn khác nhau từ vót tre,nhuộm giấy, cắt cánh, nhụy hoa, tạo nếp nhăn trên hoa… đều cần qua tay của người thợ lành nghề mới có thể cho ra một bông hoa giấy đẹp.

Những sắc màu làm nên hoa giấy Thanh Tiên không hề đơn điệu, qua bàn tay khéo léo của những người làm hoa, tờ giấy trắng được nhuộm thành tờ giấy màu bắt mắt với 5 màu chủ yếu: Hồng, tím, xanh, vàng, trắng.

Những cánh hoa giấy lung linh khoe sắc.

Bà Phan Thị Ty, một người làm hoa giấy cho biết: “Nói các công đoạn làm hoa giấy nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm được đẹp thì hơi khó, nhất là ở công đoạn tạo nếp gấp cho hoa, nếu tạo nếp không đều bông hoa sẽ không được đẹp. Một người làm hoa giấy thành thạo thì một ngày làm được khoảng 20 bông hoa”.

Vào dịp Tết, nhu cầu hoa giấy càng cao, các cơ sở làm hoa giấy phải thuê thêm nhân công thì mới có đủ hoa để cung ứng cho thị trường. Anh Nguyễn Tiến Dũng, người làm hoa giấy trong cơ sở hoa giấy Nguyễn Hóa cho biết: “Trung bình mỗi dịp Tết chúng tôi làm được từ 1.000 đến 2.000 bông sen giấy để cung cấp ra thị trường”.

Những công đoạn cuối cùng cho cánh hoa giấy ra thị trường.

Với hoa sen giấy, những người làm hoa bán ra thị trường với giá 17.000 đồng/1 bông hoa nhỏ, 18.000 đồng/1 bông hoa to; với hoa giấy dùng để trưng ở các trang, am, miếu thì bán với giá 10.000 đồng/1 cặp.

Theo chân du khách đi khắp nơi

Sau khi được khôi phục và phát triển, đặc biệt qua những kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, làng hoa giấy Thanh Tiên được nhiều người biết đến. Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ nổi tiếng nơi mảnh đất Cố Đô mà nó còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan.

Hoa sen cũng gắn liền với văn hóa nhà Phật được biểu hiện trong giáo thuyết "Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh". Vì thế đối với nhà Phật, hoa sen còn là biểu tượng của từ bi, trí tuệ, tình thương... tất cả đều trang nhã, tinh khiết như hoa sen. Ở thành phố Huế, các nhà chùa, nhà sư đều rất thích cắm trang trí, trưng bày hoa sen ở chùa, chánh điện. Sức lan tỏa của hoa sen giấy Thanh Tiên vì thế ngày càng xa.

Đăng Hậu - Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/thua-thien-hue-lang-hoa-giay-thanh-tien-ron-rang-don-xuan-d33714.html